Khi nông dân giúp nhau làm giàu

'Một mình làm giàu không vui bằng cả thôn, cả xã mình cùng làm giàu' là chia sẻ của ông Ân Văn Kim, thôn Đồng Đặng, xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ. Chuyện ông Kim làm giàu từ trồng ổi là một trong những điển hình của việc nông dân cùng giúp nhau vượt khó, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Năm 2011, ông Ân Văn Kim được nhận hỗ trợ của tỉnh để phát triển kinh tế thông qua mô hình trồng ổi lai lê. Sau hơn 2 năm, 700 cây ổi của gia đình ông đã cho thu hoạch và mang lại giá trị kinh tế cao. Nhận thấy lợi ích của trồng cây ổi thương phẩm, nhiều hộ trong thôn cũng bắt đầu tìm hiểu và đề nghị ông Kim cung cấp giống cây, hướng dẫn chăm sóc để nhân rộng mô hình này. Đến năm 2016, ông Kim bàn bạc với các hộ dân trồng ổi trong thôn thành lập Hội Làm vườn thôn Đồng Đặng. Từ 30 hội viên ban đầu, hiện Hội đã có khoảng 80 hội viên với hàng chục ha trồng ổi và cây ăn quả khác.

Ông Kim chia sẻ: “Là người đi trước, có kinh nghiệm hơn nên tôi luôn cố gắng hướng dẫn cho bà con từ việc cắt cây tỉa cành, bón phân theo kỳ, rồi chăm sóc quả, thậm chí cả kết nối đầu ra cho sản phẩm… Không những thế, các hộ cũng chủ động hỗ trợ nhau từ ngày công, cây giống, chăm sóc để các vườn cây đạt năng suất cao nhất. Ngoài trồng ổi, các hội viên còn trồng thêm các loại cây ăn quả khác như: Xoài, cam, bưởi da xanh…”.

Ông Ân Văn Kim (bên trái), thôn Đồng Đặng, xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ, hướng dẫn cách chăm sóc ổi cho các hội viên.

Những năm qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã được các cấp hội nông dân (HND) triển khai tích cực ở nhiều địa phương trong tỉnh. Từ đó, hội viên nông dân đã tích cực giúp đỡ nhau vươn lên trong lao động sản xuất cũng như trong cuộc sống, tạo việc làm ổn định, nhiều hộ có mức thu nhập cao đạt từ vài trăm triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Qua phong trào đã góp phần thúc đẩy sự hình thành và liên kết giữa các hộ và giữa nông dân với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều nông hộ đã không còn sản xuất theo kiểu “đèn nhà ai người nấy rạng” mà chủ động thành lập các nhóm hộ, câu lạc bộ, tổ hợp tác, HTX để chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau cùng làm giàu.

Anh Phạm Văn Thành, Chủ nhiệm CLB Nông trang xã Dực Yên (huyện Đầm Hà), cho biết: CLB Nông trang Dực Yên được thành lập với mục đích trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, thị trường tiêu thụ nông sản. Ban đầu thành lập chỉ có 18 thành viên tham gia, sau hơn 5 năm hoạt động, CLB đã có 34 thành viên và trở thành địa chỉ tin cậy giúp hội viên làm giàu từ chăn nuôi, trồng trọt. Hiện, CLB đang có khoảng 200ha rừng trồng, cây ăn quả, trên 20 vạn gà thương phẩm, gần 5.000 vịt đẻ trứng. Ngoài hội viên, CLB cũng hỗ trợ kinh nghiệm, kỹ thuật, cây, con giống và bao tiêu sản phẩm cho nhiều nông hộ khác trên địa bàn.

Tại huyện Đầm Hà, mô hình liên kết sản xuất chăn nuôi được thực hiện hiệu quả. Trong ảnh: Hộ dân Đinh Văn Thắng, phố Hà Quang Vóc, thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà, chuyên cung cấp nguồn giống chất lượng cao cho các hộ chăn nuôi ngan, gà. Ảnh: Hoàng Quỳnh

Hiện toàn tỉnh đang duy trì 18 HTX nông, lâm, ngư nghiệp; 16 tổ hợp tác; 8 CLB ngành nghề và 4 tổ liên sản xuất. Nhiều mô hình liên kết hộ, nhóm hộ đang hoạt động rất tích cực, hiệu quả, thu hút được nhiều hội viên tham gia, như: HTX Nuôi ong mật Bắc Sơn (TP Uông Bí); Tổ hợp tác rau sạch Hạ Long (TP Hạ Long); Tổ liên kết sản xuất gắn với an toàn thực phẩm Quảng Lâm (huyện Đầm Hà); CLB chế biến chè Quảng Long (huyện Hải Hà)… Trong quý I/2019, HND tỉnh đã đi khảo sát thực tế làm cơ sở để lập 7 dự án mô hình phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững theo nguồn vốn Chương trình 135 tại 6 huyện: Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà, Hoành Bồ với tổng kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng. Hình thức hỗ trợ cho các dự án là: Nhà nước hỗ trợ 100% giống vật nuôi (trừ nuôi trâu sinh sản, người dân đối ứng một phần kinh phí), thuốc thú y, thức ăn ban đầu, một phần chi phí làm chuồng trại chăn nuôi, tập huấn kỹ thuật...

Có thể nói, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã lôi cuốn, khích lệ hàng trăm hộ nông dân phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Phong trào cũng đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, là tấm gương sáng của tinh thần bền bỉ vượt khó, quyết chí làm giàu cho chính mình và giúp đỡ người khác cùng vươn lên ngay trên mảnh đất quê hương.

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/doi-song/201904/khi-nong-dan-giup-nhau-lam-giau-2436582/