Khi Pele được chính phủ Brazil tuyên bố là 'tài sản quốc gia'

Năm 1961, Quốc hội Brazil họp bàn và sau đó, Tổng thống Brazil là ông Janio Quadros tuyên bố Pele là 'tài sản quốc gia!'.

 Ảnh chụp Pele năm 1961. Nguồn: Pinterest.

Ảnh chụp Pele năm 1961. Nguồn: Pinterest.

Chuyến lưu diễn của Santos ở châu Âu khiến cho Pele càng nổi tiếng hơn bao giờ hết. Trình độ kỹ thuật bậc thầy, thể lực hoàn hảo và tốc độ nước rút cực nhanh cho phép Pele thực hiện những động tác đi bóng mà không một cầu thủ nào của châu Âu có thể thực hiện được. Pele khi ấy là cầu thủ duy nhất có thể thực hiện những cú đột phá xuyên sâu trên suốt chiều dài của sân, vượt qua toàn bộ hàng thủ của đối phương rồi ghi bàn thắng.

Quan sát Pele chơi bóng trong chuyến lưu diễn năm 1959 ấy, tờ báo thể thao nổi tiếng L’Equipe của Pháp đã phải thán phục nhận xét: “Nay thì chúng ta đã được chứng kiến một trình độ biểu diễn nghệ thuật siêu đẳng. Pele đi bóng xuyên qua hàng thủ đối phương dễ dàng như một liều novocain đi xuyên qua mạch máu của người bệnh vậy!”.

Hẳn là các phóng viên tờ L’Equipe sẽ còn phải trầm trồ thán phục hơn nữa nếu họ được chứng kiến một bàn thắng của Pele trong trận câu lạc bộ Santos gặp Fluminese diễn ra vào ngày 5/3/1961 trên sân Maracana. Trong trận đấu này, ở phút thứ 75, khi tỷ số giữa hai đội đang là 1-1, Pele đã ghi bàn thắng có tên là gol de placa - bàn thắng phi thường: sau khi nhận được bóng từ phần sân nhà, Pele lừa qua 7 cầu thủ đối phương bằng những động tác giả liên tục bằng cả hai chân, rồi lừa thêm cả thủ môn Castilho của Fluminese, biến anh này thành “nạn nhân” thứ tám, trước khi đưa bóng vào lưới! Những người chủ của sân Maracana đã khắc một tấm biển đồng trên bức tường của sân để kỷ niệm bàn thắng này.

Trước đấy, ngày 2/8/1959, ở tuổi 18, Pele thực hiện bàn thắng mà sau này các nhà viết sử bóng đá, thông qua những thước phim tư liệu của hãng Briquet Film ghi lại được, đã nhất trí gọi là Rua Javari, bàn thắng đẹp nhất trong sự nghiệp của Pele. Santos của Pele gặp câu lạc bộ Juventus (không phải câu lạc bộ của Italy mà là một câu lạc bộ cùng tên của bang Sao Paulo) trên sân vận động mang tên Rua Javari của đội này.

Trong trận đấu này, Pele liên tục bị những khán giả quá khích nhục mạ bởi nước da đen của mình. Pele lẳng lặng đáp trả bằng một kỹ thuật ghi bàn siêu đẳng. Nhận một đường chuyền bổng từ biên phải theo hướng tiến công của đồng đội, Pele nhận bóng ngay trước vòng cấm địa rồi vừa di chuyển vào trong, vừa lần lượt ba lần tâng bóng qua 3 cầu thủ phòng ngự của Juventus mà không hề để bóng chạm đất; bằng pha tâng bóng thứ tư, Pele vượt qua nốt thủ môn của đội Juventud rồi trong khi quả bóng vẫn còn trên không, chàng trai 18 tuổi dùng đầu “gật” bóng vào lưới trước sự sững sờ của toàn bộ cầu trường. Đến ngay cả các khán giả quá khích cũng phải câm bặt!

Nhưng cũng chính sự chói sáng của Pele trên sân cỏ châu Âu đã khiến cho các câu lạc bộ giàu có của châu Âu tìm mọi cách để có bằng được “viên ngọc đen” Brazil. Các câu lạc bộ hàng đầu châu Âu của Tây Ban Nha và Ý đều ra sức chèo kéo Pele với những lời mời hấp dẫn.

Tha thiết nhất phải kể đến Real Madrid của Tây Ban Nha và Juventus của Italy. Hồi đó, sự khác biệt về lối đá giữa Santos với Real Madrid hay các câu lạc bộ của Italy hầu như không đáng kể, thậm chí lối đá của Real Madrid cũng giống hệt như của Santos. Nếu chuyển sang Real, Pele sẽ không gặp khó khăn gì nhiều để hòa nhập với lối chơi của đội bóng tiếng tăm này.

Đại diện của Real Madrid đã có ba cuộc tiếp xúc với Pele. Chủ tịch Juventus khi ấy là ông Agnelli cũng tìm mọi cách để lôi kéo cầu thủ thế giới về với mình. Còn Inter Milan thì đơn giản hơn: họ đề nghị cái giá 1 triệu USD, một con số kinh khủng vào thời bấy giờ, để có được Pele.

Người Brazil phát sốt phát rét trước nguy cơ người con tài năng của họ sẽ rời bỏ đất nước sang châu Âu đá bóng. Năm 1961, Quốc hội Brazil họp bàn và sau đó, Tổng thống Brazil là ông Janio Quadros tuyên bố Pele là “tài sản quốc gia!”. Điều đó có nghĩa là nếu muốn ra thi đấu ở nước ngoài, Pele phải nhận được sự chấp thuận của Quốc hội Brazil! Cũng bởi vậy mà trong suốt những năm tháng đỉnh cao trong sự nghiệp của mình, Pele chỉ thi đấu duy nhất cho câu lạc bộ Santos. Và mặc dù được coi là “tài sản quốc gia” nhưng Pele vẫn phải đóng thuế thu nhập!

Cũng trong năm 1961, Santos đoạt được chiếc cúp Libertadores đầu tiên (tương đương với cúp C1 ở châu Âu), thành tích mà họ lặp lại được một lần nữa vào năm sau, 1962. Đó cũng là năm mà Santos gặp Benfica của Bồ Đào Nha ở trận tranh Cúp thế giới các câu lạc bộ (chính là cúp Liên lục địa sau này), diễn ra giữa đội vô địch châu Âu với đội vô địch Nam Mỹ.

Benfica khi ấy đang là đội bóng số 1 của châu Âu và vừa mới lật đổ sự thống trị của Real Madrid với hai chức vô địch liên tiếp cúp C1 vào các năm 1961 và 1962. Trong đội hình Benfica có một cầu thủ người gốc Mozambique tên là Eusebio đang được châu Âu hy vọng sẽ trở thành một... Pele! Kỹ năng lừa bóng, độ càn lướt, khả năng đọc trận đấu của Eusebio cũng vào hàng kỳ tài. Tuy vậy, Benfica vẫn chưa thể đạt được đẳng cấp như Santos vào thời điểm đó.

Trận lượt đi diễn ra vào ngày 19/9/1962 trên sân vận động Maracana ở thủ đô Rio de Janeiro, trước 90.000 khán giả nhà, Pele đã ghi bàn thắng mở điểm ở phút thứ 31 của trận đấu bằng một bàn thắng mà được các nhà báo có mặt trong trận đấu đó mô tả lại đầy vẻ truyền kỳ là “sau khi tung cú nhảy xa khoảng 7 mét để đón một đường chuyền của đồng đội là Pepe”.

Santana của Benfica gỡ hòa 1-1 ở phút 58 nhưng ngay lập tức Coutinho lập lại ưu thế cho Santos bằng bàn thắng ở phút 64 rồi Pele nâng tỷ số lên 3-1 ở phút 86. Bàn thắng thứ hai của Santana một phút sau đó không cứu được cho Benfica khỏi một trận thua với tỷ số 2-3.

Đến trận lượt về diễn ra trên sân vận động Ánh Sáng của thủ đô Lisbon vào ngày 11/10/1962, Benfica còn thảm bại hơn! 75.000 khán giả có mặt trên sân đã chứng kiến tài nghệ tuyệt luân của Pele, lập một hat-trick với các bàn thắng vào các phút 17, 28, 64. Coutinho và Pepe mỗi người ghi thêm một bàn thắng nữa, trong khi Eusebio và Santana chỉ ghi được hai bàn thắng cho Benfica vào những phút cuối của trận đấu. Santos thắng 5-2, đoạt vương miện thế giới của các câu lạc bộ.

Năm sau đó, để giành cúp Liên lục địa, Santos tiếp tục phải gặp một đối thủ châu Âu hùng mạnh khác là câu lạc bộ AC Milan, khi đó có hàng loạt hảo thủ như Rivera, Trapattoni, Maldini, Altafini, Amarildo. Lượt đi tại thánh địa San Siro ngày 16/10/1963, Santos thúc thủ với tỷ số 2-4 (Pele ghi cả hai bàn cho Santos); đến trận lượt về ở sân Maracana ngày 14-11, Santos thắng lại 4-2! Do vậy, AC Milan phải ở lại Brazil để hai ngày sau chơi trận play-off vẫn trên sân Maracana. Santos thắng 1-0 bằng bàn thắng duy nhất của Dalmo, đoạt cúp Liên lục địa lần thứ hai.

Yên Ba / NXB Lao Động & TH Books

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khi-pele-duoc-chinh-phu-brazil-tuyen-bo-la-tai-san-quoc-gia-post1390882.html