Khi phải đối mặt với căng thẳng, người già gặp nhiều khó khăn hơn

Cơ thể đã bắt đầu lão hóa, sức bền giảm khiến người cao tuổi gặp nhiều khó khăn hơn khi phải đối mặt với căng thẳng. Họ dễ rơi vào trạng thái u uất nếu phải đối mặt với biến cố.

Người cao tuổi gặp nhiều khó khăn hơn khi phải đối mặt với căng thẳng. Ảnh: NHC.

Khi ngày càng già đi, phản ứng căng thẳng sẽ giảm dần theo và điều này là phổ quát. Người nhiều tuổi hơn mất nhiều thời gian hơn để phục hồi sau căng thẳng, và khả năng chịu đựng những căng thẳng lớn cũng yếu đi. Ví dụ, rất hiếm có người trẻ nào chết vì đau buồn trong khi ở người lớn tuổi thì việc này dễ xảy ra hơn.

Sự suy giảm này không chỉ là một sự suy giảm tuyến tính, mà là một sự suy giảm theo cấp số nhân, tức là một năm tuổi già có thể gây ra sự suy thoái trong phản ứng căng thẳng bằng hai năm tuổi trung niên.

Đối với người rất già, có khi chỉ cần sáu tháng; cuối cùng, bản năng quay trở lại điểm cân bằng tan vỡ hoàn toàn, và thậm chí chỉ một căng thẳng nhỏ, một cơn cúm, một cú ngã nhẹ, mất một số tiền nhỏ, cũng trở nên rất khó có thể đương đầu.

Bất cứ khi nào căng thẳng là nguồn cơn cho một căn bệnh, mọi người sẽ nhảy ngay đến kết luận rằng vấn đề là có quá nhiều căng thẳng, nhưng thực chất, vấn đề là cơ chế xử lý của cơ thể.

[...]

Khi Hans Selye giới thiệu khái niệm căng thẳng vào những năm 1930, ông cho rằng một kích thích tố mạnh đến từ bên ngoài, ví dụ như bị thương, bị đói, bị nóng hoặc bị lạnh, hay bị thiếu ngủ, sẽ gây ra phản ứng căng thẳng gần như giống nhau trong tất cả mọi lần. Nhưng sự thật có vẻ lại phức tạp hơn.

Lý thuyết về căng thẳng cần phải được điều chỉnh để chứa đựng cả sự kết nối thân tâm vì những yếu tố vô hình như sự diễn giải, niềm tin và thái độ có vai trò rất quan trọng trong hoạt động thực tế của phản ứng căng thẳng.

Bất cứ khi nào bạn trải qua một sự căng thẳng, có ba giai đoạn trong phản ứng của bạn: (1) sự kiện gây căng thẳng; (2) cách bạn đánh giá nó; (3) phản xạ của cơ thể bạn. Điều khiến phản ứng căng thẳng rất khó xử lý là một khi nó đã bắt đầu thì tâm trí không có chút kiểm soát nào đối với nó.

Cuốn sách Cơ thể phi tuổi tác tâm trí phi thời gian của tác giả Deepka Chopra, M.D. Ảnh: K.T.

Trong những tình huống hoàn toàn không phù hợp, như bị tắc đường hay bị chỉ trích tại chỗ làm, phản ứng căng thẳng có thể bị kích hoạt mà chẳng có hy vọng nào về việc mục đích dự tính của nó - đánh hay chạy, có thể được thực hiện.

Cuộc sống hiện đại đầy những kích thích tố ngoại lai không thể tránh khỏi. Một thành phố về cơ bản là một cỗ máy căng thẳng nguyên khối, ồn ào và ô nhiễm, vội vã và đông đúc, tội lỗi và thô lỗ. Chỉ riêng ô nhiễm tiếng ồn, nguồn gây căng thẳng phổ biến, các nghiên cứu đã cho thấy nó gây ra nhiều tác động tai hại.

Tỷ lệ bị rối loạn tâm thần tăng khi phải sống gần sân bay; trẻ em sống gần sân bay Los Angeles có huyết áp cao hơn mức trung bình; khi phải ở gần những tiếng ồn không thể kiểm soát, những rối loạn giấc ngủ vẫn tiếp diễn một thời gian dài sau khi một người nghĩ mình đã thích ứng với chúng; sự bộc phát bạo lực và đánh mất hành vi lịch thiệp xảy ra thường xuyên hơn trong những môi trường làm việc ồn ào.

Tiếng ồn không nhất thiết phải to mới gây hại. Các hệ quả của căng thẳng xuất hiện nếu có bất kỳ tiếng ồn khó chịu nào lặp đi lặp lại, nằm ngoài sự kiểm soát của bạn.

[...]

Deepka Chopra, M.D/ Thái Hà Books

Nguồn Znews: https://znews.vn/khi-phai-doi-mat-voi-cang-thang-nguoi-gia-gap-nhieu-kho-khan-hon-post1457531.html