Khi phạm nhân được 'ăn cơm riêng với người nhà'

Bữa cơm với người thân trong trại giam sẽ giúp phạm nhân cảm nhận được hơi ấm gia đình, thức tỉnh những điều tốt đẹp.

Trong một Thông tư mới ban hành của Bộ Công an, kể từ cuối tháng 3 này, những phạm nhân cải tạo tốt sẽ có cơ hội được ăn cơm riêng với ba người nhà ở căng tin nơi chấp hành án. Dù thời gian cho bữa ăn chỉ vẻn vẹn trong 1 tiếng đồng hồ nhưng thông tin này thật đáng quý biết bao, nhất là với những người đã bị tước đi quyền công dân!

Phạm nhân nữ tập văn nghệ ở trại giam Ninh khánh- Ninh Bình

Phạm nhân nữ tập văn nghệ ở trại giam Ninh khánh- Ninh Bình

Nhưng, tước quyền công dân không có nghĩa là họ bị tước đi quyền con người. Bên trong cánh cửa trại giam, vẫn có những những hoạt động sản xuất, thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ. Phạm nhân vẫn được đọc sách, nghe đài, được khám sức khỏe định kỳ, được gặp người thân, được gọi điện về gia đình, được ở “căn buồng hạnh phúc”… Trại giam, trại tạm giam suy cho cùng cũng là một xã hội thu nhỏ với những số phận, những mảnh đời. Nhưng ở đó, chỉ có thể bắt gặp những bữa cơm tập thể. Lần đầu tiên, trong không gian đặc biệt ấy sẽ có những “bữa cơm gia đình”.

Tách biệt với cộng đồng, không ít người trong số họ khi nghĩ về cuộc sống tự do là nghĩ đến bữa cơm gia đình. Đêm giao thừa, một phạm nhân dù mang án giết người vẫn khát khao được ở bên người thân, được ăn những bữa cơm đầm ấm. Cũng chẳng có gì lạ khi ở tận cùng của sự mất mát, khi phải đối diện với những ngày đằng đẵng trong trại giam, ông Đinh La Thăng- một người đã ở đỉnh cao của quyền lực, cũng chỉ có một mong muốn duy nhất là được về “ăn cái Tết cuối cùng” với gia đình, trước khi chấp hành án phạt. Nhưng mong ước ấy cũng không thể thực hiện được vì pháp luật không có ngoại lệ.

Nay, hành lang pháp lý đã có để những người cải tạo tốt có cơ hội được làm một công việc “hết sức đời thường”. Bữa cơm với người thân trong trại giam, không có mục đích nào khác là giúp họ cảm nhận được hơi ấm gia đình, thức tỉnh những điều tốt đẹp trong con người họ, giúp họ cải tạo tốt hơn, trở về với cuộc sống thiện hơn, tử tế hơn. Đó cũng là đích đến cuối cùng của chính sách cải tạo, giam giữ chứ không chỉ là sự trừng phạt đơn thuần.

Trong hàng ngàn trại giam, trại tạm giam trên toàn quốc, đâu đó vẫn có những nhà trẻ cho con em phạm nhân, có những bà mẹ ngoài giờ lao động lại trở về ôm con vào lòng. Họ có thể gửi con vào các Trung tâm bảo trợ xã hội nhưng trại giam vẫn dành một không gian riêng để những phạm nhân nữ “vì con mà cải tạo tốt hơn”.

Hai mẹ con phạm nhân nữ ở trại giam Phú Sơn 4- Thái Nguyên

Kể từ Hiến pháp năm 2013 được thông qua, rất nhiều điểm mới liên quan đến quyền con người, nhất là những người yếu thế trong xã hội đã được cụ thể hóa trong các văn bản luật và dưới luật. Bảo vệ quyền con người là một trong những vấn đề nền tảng để có được sự tôn trọng quốc gia và giúp tăng cường các quan hệ hợp tác quốc tế. Ngay tại diễn đàn Quốc hội, đã có những cuộc tranh luận thẳng thắn, kiên quyết nói không với tình trạng bức cung, dùng nhục hình, yêu cầu phải ghi âm, ghi hình khi hỏi cung và lấy lời khai ...

Sau nhiều phiên thảo luận, năm 2014, Quốc hội đã chính thức phê chuẩn một Công ước quốc tế được cho là “nhạy cảm”, đó là "Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người” (Gọi tắt là Công ước chống tra tấn). Cùng với những cải tiến trong Luật thi hành án hình sự, Công ước chống tra tấn đã tạo thêm những cơ sở pháp lý, bảo đảm quyền của phạm nhân. Tới đây, những người bị tạm giữ, tạm giam hoặc những người đang chấp hành án tại các trại giam còn có thêm một quyền nữa, đó là quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.

Ảnh: Minh họa

Trên thực tế, việc bảo đảm quyền của phạm nhân trong các trại giam vẫn còn nhiều thách thức. Số lượng người phải chấp hành án phạt tù ngày càng tăng, hệ thống trại giam đang quá tải, cơ sở vật chất nhiều trại giam bị xuống cấp. Hơn nữa, khi nói đến hình phạt tù và phạm nhân, xã hội thường có tâm lý xa lánh, kỳ thị và xem hành động trừng phạt họ là đương nhiên. Tuy nhiên, xã hội ngày càng văn minh thì chính sách, pháp luật cũng phải tiệm cận gần hơn với thế giới. Con người càng văn minh thì càng nhận thức được quyền lợi của mình, không chỉ quyền cho người bình thường, lương thiện mà còn quyền cho những phạm nhân. Họ cũng phải được tôn trọng phẩm giá, phải được đối xử như con người.

Bữa cơm gia đình cho những phạm nhân cải tạo tốt - một quy định dù nhỏ nhưng lại có ý nghĩa lớn. Nó không chỉ thể hiện tính nhân đạo trong chính sách cải tạo, giam giữ mà còn khẳng định, việc thực hiện quyền con người trong Hiến pháp và các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đang hiển hiện trong thực tế./.

Sông Hương/ VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/vov-binh-luan/khi-pham-nhan-duoc-an-com-rieng-voi-nguoi-nha-745062.vov