Khi phụ huynh vừa là nạn nhân, vừa là người góp sức: Nỗi khổ kép (Kỳ 1)

Quá chú trọng vào điểm số của con; trách mắng, đánh đòn, so sánh khi con bị điểm thấp… là hiện tượng không quá mới song luôn 'nóng' và nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Đáng nói, từ thực tế này cho thấy phụ huynh vừa là nạn nhân nhưng đồng thời cũng là người 'góp sức' tích cực hình thành bệnh thành tích trong giáo dục.

Thời điểm này, các trường học trên phạm vi cả nước đã hoàn thành năm học 2018 - 2019, chính thức bước vào kỳ nghỉ hè. Như thường lệ, đây cũng là dịp để nhiều đơn vị, trường học tổ chức khen thưởng, biểu dương những học sinh đạt thành tích cao, khích lệ những tấm gương vượt khó khăn, vươn lên trong học tập… Tuy nhiên, quanh những tấm giấy khen, danh hiệu còn là trào lưu “khoe con” của các phụ huynh trên mạng xã hội.

Nỗi khổ mang tên “con người ta”

Con nhận giấy khen cho năm học vừa qua, chị Nguyễn Thị T. (quận Đống Đa) có con học lớp 2 cho biết, khi nhận được kết quả học tập, chị hào hứng “up” lên mạng xã hội Facebook. Mọi người đều khen và chúc mừng chị nhưng con lại tỏ ra không hào hứng. Chị T. lựa hỏi thì con kể, cả lớp gần như bạn nào cũng được, trong đó có cả những bạn liên tục bị cô nhắc nhở, làm chậm bài… Ý nghĩa của giấy khen với con không nhiều. “Tôi cũng chưa biết giải thích thế nào cho con, đành đánh trống lảng, vì chuyện học của con trên lớp thế nào con nắm rõ hơn” - chị Nguyễn Thị T. bộc bạch.

Đăng tải bảng điểm trên mạng nếu không có sự đồng ý của trẻ là phạm luật.

Đăng tải bảng điểm trên mạng nếu không có sự đồng ý của trẻ là phạm luật.

Chị T. cũng cho biết, ở tổ dân phố nơi chị sinh sống, có trường hợp đã phải “cầu cứu” trên các diễn đàn liên quan đến dạy con, giáo dục. Bởi sau một thời gian ganh đua, khoe con giỏi với những phụ huynh khác, dần già họ nhận ra con cái trở nên chểnh mảng học tập, có chiều hướng hiếu động, nghịch ngợm, các môn từ “hoàn thành tốt” nay chỉ được đánh giá “hoàn thành”.

Với trường hợp anh Đinh Văn T. (huyện Ứng Hòa) lại tỏ ra chán nản khi bạn Facebook tới tấp khoe thành tích của con trên mạng xã hội trong khi con mình chỉ đạt thành tích học tập bình thường. Theo anh T. để con “bằng bạn bằng bè”, anh đã lên kế hoạch gửi con đi học kèm trong tháng tới. Theo ghi nhận riêng của người viết không chỉ ở phía phụ huynh, nhiều giáo viên, đôi khi bản thân họ cũng gặp khó bởi nhiều em học sinh cầm kết quả học tập thì sợ hãi, hỏi cô nâng điểm cho mình được không chỉ vì sợ bố mẹ.

Khách quan nhìn nhận, việc “khoe” điểm, xếp hạng của con với nhiều phụ huynh đơn giản có thể chỉ là chia sẻ niềm vui, chút hân hoan về kết quả của con sau một thời gian nỗ lực. Thế nhưng, khác với việc khoe tất cả mọi thứ, việc khoe điểm số của con trước mọi người dù ít hay nhiều đều tác động đến chủ thể quan trọng nhất - đó là trẻ. Phụ huynh nghĩ đơn giản, có sao đâu, thậm chí so sánh con mình với “con nhà người ta”… nhưng với những đứa trẻ thì khác, nhiều em không thích, thậm chí sự thỏa mãn của bố mẹ là áp lực đáng sợ với các em.

Giá trị từ thành tích điểm sổ

Theo tìm hiểu, từ 1/6/2017 khi Luật Trẻ em có hiệu lực và sau đó là Nghị định 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em năm 2016, nhiều bậc cha mẹ đã có kiến thức về việc pháp luật nghiêm cấm “công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em” (Điều 6 Luật Trẻ em).

Nếu giữ cách tuyển sinh như cũ, không dựa vào thành tích học tập; thành tích học tập chỉ để xếp loại khá, giỏi.. đánh giá năng lực học sinh và tất cả đều phải thi như nhau thì chắc chắn học sinh và phụ huynh không phải khốn khổ về học lực như hiện tại

Nghị định 56 hướng dẫn thi hành cũng giải thích rõ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em bao gồm: Tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán.

Ngoài ra, còn có địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em. Không chỉ vậy, Luật An ninh mạng vừa có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 cũng một lần nữa đề cập đến vấn đề này khi trong luật này có quy định trẻ em có quyền được giữ bí mật đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng (Điều 29). Như vậy, có thể hiểu rằng việc cha mẹ đăng thành tích học tập của con từ đủ 7 tuổi trở lên trên Facebook sẽ vi phạm Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng.

Trở lại câu chuyện “khoe con” của bậc phụ huynh, chia sẻ với báo chí, theo bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), dù cha mẹ luôn có nhu cầu khoe con, nhưng trước khi chia sẻ bất cứ thứ gì liên quan đến con cái, cha mẹ nên suy nghĩ liệu việc đó có ảnh hưởng đến tâm lý của chính con mình hay không, liệu trẻ có muốn cho mình chia sẻ những hình ảnh đó lên hay không.

Theo Tiến sĩ Trần Thành Nam - giảng viên chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội: Về mặt cảm xúc, việc khoe con lên Facebook có ý nghĩa tích cực, thể hiện sự tự hào của bố mẹ. Song yếu tố nguy cơ tiềm tàng xảy đến với con mình có lẽ nặng hơn. Khen để tạo động lực là tốt nhưng cách thức khen mới quan trọng. Việc khen rầm rộ khiến đứa trẻ kiêu căng.

Vả lại, nếu khen không đúng năng lực càng tạo nên áp lực. Những đứa trẻ cố gắng để năm nay có giấy khen bằng năm trước chỉ vì… được khoe. Đó không phải động lực mà là áp lực. Học tập vì thành tích mà không phải học tập vì đam mê những kiến thức mà mình thu được. Vô hình, bố mẹ đã gửi đến một thông điệp sai lệch rằng đứa trẻ ngoan phải là đứa trẻ học giỏi, có điểm số tốt, nhiều giấy khen, bằng khen. Trong khi thực tế những đứa trẻ ngoan và thành công không nhất thiết phải có những thứ đó. Khoe giấy khen là hướng đến tư duy thành tích.

Thực tế, có những trẻ ngoan học không giỏi và ngược lại. Việc khen con hiệu quả nhất là không so với người khác mà phải so với chính con. Đứa trẻ sẽ cảm thấy dù ở vị trí nào thì tôi vẫn đang cố gắng và sự cố gắng của tôi được ghi nhận. Thế nên việc khoe bằng khen trên Facebook chỉ như cuộc đua thể diện của bố mẹ mà không nghĩ nhiều đến chính chủ thể là những đứa con.

Rõ ràng, nguyên tắc ứng xử cơ bản là khi khen thì cần khen nơi đông người, chê nơi riêng tư. Có điều, khi sự khen ngợi biến thành khoe khoang, về sĩ diện của bố mẹ thì đó lại là áp lực, thậm chí là nỗi sợ vô hình đối với con trẻ. Khoe con bằng điểm, yêu con bằng điểm, niềm tự hào về con bằng điểm số ở phụ huynh là có thật. Chúng ta từng đặt ra vấn đề bí mật về điểm số của học sinh nhưng quyền riêng tư điểm số của trẻ đang bị xâm phạm trước hết bởi chính phụ huynh... Tuy nhiên, cũng nhìn nhận thực tế, vì căn bệnh thành tích, đặc biệt là sự khốc liệt trong công tác tuyển sinh vượt cấp liên quan đến bảng điểm đã dẫn tới những hệ lụy này.

“Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT vừa qua chứng kiến cuộc đua khốc liệt giữa các em học sinh ở các quận nội đô đã đành, song ở bậc Tiểu học nhiều trường còn đưa ra tiêu chí khá khắt khe khiến áp lực học của các em càng thêm gánh nặng. Đi liền đó áp lực lên vai phụ huynh là vô cùng lớn.

Ví như Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam năm nay, dư luận không khỏi "choáng váng", phải rất mỏi mắt mới tìm được điểm 9 trong danh sách này. Hầu hết học sinh đều đạt điểm 10 các môn học ở tất cả 5 năm học Tiểu học. Lý do theo quy định, điều kiện cần và đủ để được nộp hồ sơ xét tuyển học sinh trong 5 năm học phải đạt điểm 10. Áp lực thành tích vô tình biến phụ huynh vừa là nạn nhân, vừa là người góp sức.

P.T

(Còn nữa)

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/khi-phu-huynh-vua-la-nan-nhan-vua-la-nguoi-gop-suc-noi-kho-kep-ky-1-93335.html