Khi 'phụ nữ khởi nghiệp'

Chương trình 'phụ nữ khởi nghiệp', triển khai gần một năm trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, sức sáng tạo của phụ nữ, đồng thời kết nối giữa các doanh nghiệp do nữ làm chủ. Một chương trình đầy tính nhân văn với khát vọng thoát nghèo và vươn lên làm giàu...

Dự án “Phát triển chuỗi giá trị thổ cẩm hàng hóa” của chị em phụ nữ Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ Hoa Ban Xanh - Kỳ Sơn thuyết phục được các thành viên Ban giám khảo tại Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức vào tháng 10 vừa qua bởi tính nhân văn của dự án

Dự án “Phát triển chuỗi giá trị thổ cẩm hàng hóa” của chị em phụ nữ Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ Hoa Ban Xanh - Kỳ Sơn thuyết phục được các thành viên Ban giám khảo tại Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức vào tháng 10 vừa qua bởi tính nhân văn của dự án

Phụ nữ chung tay hỗ trợ phụ nữ yếu thế

Câu chuyện có thật được các thành viên của Hợp tác xã Hoa Ban Xanh chia sẻ lên trang cá nhân của mình. “Từ một người con gái với mong muốn sang Lào để phát huy và kiếm kế sinh nhai bằng nghề thổ cẩm, chị bị kẻ xấu lợi dụng lừa bán sang Trung Quốc. Suốt bao nhiêu năm ở xứ người, chị phải chịu đau đớn cả tâm hồn và thể xác, mãi mãi không thể lành lặn được. Chị cũng mất đi đôi chân vì phải lê trên băng tuyết khiến chân hoại tử. 6 năm, chị sống câm lặng trong một trung tâm cứu trợ nạn nhân ở Trung Quốc”.

Trở về Việt Nam, chị được sống trong vòng tay yêu thương của gia đình và làm lại cuộc đời từ nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Một lần thật tình cờ, những thành viên của Hợp tác xã Hoa Ban Xanh tìm đến nhà chị và thấy được những sản phẩm tuyệt đẹp mà chị làm nên... Lần gần đây nhất khi sang Lào, khoe những tấm thổ cẩm của chị, phía đối tác đánh giá cao tay nghề của người sản xuất và mong muốn kết nối để tạo ra dòng sản phẩm thổ cẩm thêu tay đang được thị trường Lào ưa chuộng...

Thổ cẩm không phải là sản phẩm độc quyền của riêng huyện miền núi Kỳ Sơn. Tuy nhiên, dự án “Phát triển chuỗi giá trị thổ cẩm hàng hóa” của chị em phụ nữ Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ Hoa Ban Xanh - Kỳ Sơn vẫn thuyết phục được các thành viên Ban giám khảo tại Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức vào tháng 10 vừa qua bởi tính nhân văn của dự án.

Chị Phan Thị Hồng Thơm - Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Kỳ Sơn chia sẻ: Đề án của chúng tôi nhằm phát triển chuỗi giá trị thổ cẩm hàng hóa trên cơ sở phát huy nội lực cộng đồng, năng lực tay nghề truyền thống của người dân địa phương. Dự án có những nét mới về quy trình sản xuất, cách tổ chức, quản lý, nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, việc áp dụng khoa học công nghệ trong chuỗi giá trị tạo nên nhiều vượt trội cho quá trình sản xuất và cung ứng dịch vụ. Đặc biệt, với mục tiêu tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động, đối tượng lao động mà chúng tôi hướng tới là những phụ nữ kém may mắn, phụ nữ khuyết tật, đơn thân và người già trên địa bàn. Từ đó sẽ hỗ trợ chị em bao tiêu sản phẩm.

Hiện, ngoài số tiền hỗ trợ 50 triệu đồng từ Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ, Tổ chức Craft link (thuộc Trung tâm Nghiên cứu, liên kết và phát triển thủ công mỹ nghệ) cũng đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghệ An ký kết hỗ trợ để đề án được triển khai hiệu quả hơn. Mục đích chính là bảo tồn và giữ gìn nền văn hóa truyền thống dệt của dân tộc Thái, dân tộc Mông và cải thiện đời sống kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân theo tiêu chí bền vững.

Khi phụ nữ là chủ

Mô hình mới sẽ tăng cường tính liên kết giữa các thành viên và liên kết các hoạt động sản xuất, cung cấp sản phẩm rau màu, các mặt hàng nông sản chất lượng, hướng tới xây dựng thương hiệu “rau sạch Quỳnh Liên”

Từ giữa năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án “Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2015-2025. Thực hiện đề án này, Nghệ An cũng đã ban hành Kế hoạch 789/KH-UBND ngày 26/12/2017. Ngay sau kế hoạch này, hoạt động khởi nghiệp của phụ nữ tỉnh nhà đã thực sự được tiếp sức và được triển khai với nhiều hoạt động thiết thực hiệu quả.

Hiện tại, hợp tác xã tổng hợp sản xuất, thu mua và chế biến rau an toàn ở xã Quỳnh Liên được phát triển từ tổ liên kết cũ. Tuy nhiên, mô hình mới sẽ tăng cường tính liên kết giữa các thành viên và liên kết các hoạt động sản xuất, cung cấp sản phẩm rau màu, các mặt hàng nông sản chất lượng, hướng tới xây dựng thương hiệu “rau sạch Quỳnh Liên”. Cũng với mục đích tương tự, phụ nữ thị trấn Cầu Giát - Quỳnh Lưu đã có một cửa hàng giới thiệu và cung ứng sản phẩm an toàn ngay tại trung tâm thị trấn sau khi đề án khởi nghiệp của mình được thông qua và nhận được sự hỗ trợ 80 triệu từ huyện Quỳnh Lưu.

Chị Hồ Thị Thúy Hằng - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện chia sẻ: Quỳnh Lưu có rất nhiều mặt hàng chất lượng để phát triển các chuỗi cửa hàng sạch, trong đó đặc sản sẽ là hải sản, nước mắm và rau sạch. Hiện, sau gian hàng thí điểm ở thị trấn, chúng tôi cũng khuyến khích phụ nữ ở các địa phương khác xây dựng các gian hàng thực phẩm an toàn. Qua đó, không chỉ tạo một địa chỉ tin cậy cho khách hàng, giúp tiêu thụ sản phẩm do chính chị em sản xuất mà còn là cơ hội để kết nối chị em phụ nữ trong vùng và giúp chị em được thể hiện năng lực của mình.

Từ chương trình này, cũng đã có 43 ý tưởng, kế hoạch khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của các tác giả và các nhóm tác giả ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ, thủ công mỹ nghệ. Trong đó, có nhiều ý tưởng thể hiện được tính sáng tạo, có ý nghĩa trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sản phẩm sạch, an toàn, bảo vệ môi trường và có khả năng đem lại lợi ích cho phụ nữ và cộng đồng.

Nói về hiệu quả của chương trình Phụ nữ khởi nghiệp, bà Lê Thị Tám - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Nghệ An khẳng định: Qua những ý tưởng khởi nghiệp đã cho thấy sự năng động, sức sáng tạo và quyết tâm của hội viên phụ nữ trong việc vươn lên khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, hướng đến cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh cố gắng để tạo cầu nối với các doanh nghiệp, các tổ chức giúp chị em có cơ hội được hiện thực hóa ý tưởng của mình, đưa tinh thần khởi nghiệp vào cuộc sống, giúp chị em, đặc biệt là đối tượng phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ yếu thế vươn lên thoát nghèo và tiến tới làm giàu, cải thiện cuộc sống.

Hoàng Trinh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khi-phu-nu-khoi-nghiep-110474.html