Khi phụ nữ vùng cao làm kinh tế

Dám nghĩ dám làm, sẵn sàng thay đổi để hiện thực hóa khát vọng thoát nghèo, từng bước phát triển kinh tế trên chính quê hương mình - những người phụ nữ ấy ví như 'hoa của bản', vừa thắm sắc lại tỏa hương, trở thành tấm gương sáng trong làm kinh tế nơi bản làng vùng cao.

Chị Lương Thị Nông, dân tộc Thái, xã Quang Chiểu (Mường Lát) tiên phong phát triển kinh tế từ những sản phẩm quê hương.

Chị Lương Thị Nông, dân tộc Thái, xã Quang Chiểu (Mường Lát) tiên phong phát triển kinh tế từ những sản phẩm quê hương.

Người phụ Mường thành công với mô hình du lịch cộng đồng

Cái tên bản Đôn xã Thành Lâm huyện miền núi Bá Thước những năm gần đây đã trở thành một trong những điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi về với du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông xứ Thanh. Về bản Đôn, hỏi đến hộ làm du lịch cộng đồng Hồng Lý người dân trong vùng ai cũng biết. Bởi, đây là một trong những hộ làm du lịch cộng đồng sớm nhất ở bản Đôn.

Gặp chị Cao Thị Lý - chủ cơ sở du lịch cộng đồng Hồng Lý tôi có chút bất ngờ. Chị trẻ trung và xinh đẹp so với tuổi 50 và theo “lý giải” của nữ chủ nhân thì “làm du lịch khiến chị trẻ ra”.

Sinh ra ở xã Thiết Ống, cô gái dân tộc Mường Cao Thị Lý lấy chồng người dân tộc Thái ở bản Đôn. Trước đây, cũng như hầu hết phụ nữ vùng cao, chị Lý quanh quẩn với ruộng đồng, chăn nuôi lợn, bò, gà… lam lũ làm việc không ngơi tay nhưng vợ chồng chị Lý cũng chẳng dư dả được bao nhiêu. “Khoảng năm 2007, 2008 tôi thấy có khách du lịch (ngoại quốc) về bản Đôn chơi và họ thường hỏi thuê nhà để nghỉ lại. Khi đó, trong bản chưa ai biết du lịch là gì. Gia đình tôi khi đó có một nhà sàn 3 gian và bếp nhỏ, người dân khi đó vẫn chưa quen với việc cho người lạ ở lại nhà, đặc biệt lại là người ngoại quốc. Tuy nhiên, để có thêm thu nhập, tôi thuyết phục chồng đồng ý để khách nghỉ lại. Sau đó, nhu cầu nghỉ lại của khách du lịch ngày một nhiều nhưng bất tiện nhất là gia đình lại không có nhà vệ sinh tự hoại, trong bản khi ấy hầu như chưa có nhà ai làm vệ sinh tự hoại. Lúc này, tôi lại bàn với chồng “mạo hiểm” dành toàn bộ số tiền tích góp được để làm nhà vệ sinh tự hoại. Ngày ấy, đường sá đi lại khó khăn, việc vận chuyển nguyên vật liệu không dễ dàng. Bù lại, sau khi có nhà vệ sinh khang trang, khách đến đăng ký lưu trú rất đông, bắt đầu từ đây gia đình tôi làm du lịch cộng đồng” - chị Cao Thị Lý nhớ lại.

Hoạt động đón khách ngày một thuận lợi, chị Lý lại bàn với chồng bán đi đàn trâu, lợn của gia đình để lấy tiền xây thêm một nhà sàn phục vụ khách lưu trú… Cứ như vậy, sau 15 năm “bén duyên” với du lịch cộng đồng, chị Cao Thị Lý cùng chồng đã gây dựng được cơ ngơi khiến nhiều người trong bản ngưỡng mộ. Hiện nay, gia đình chị có 2 khu phục vụ khách, với 5 nhà sàn,12 phòng nghỉ có thể phục vụ cùng lúc khoảng 80 khách lưu trú ăn, nghỉ.

Chủ hộ làm du lịch cộng đồng Hồng Lý cho biết: “Khu lịch của gia đình tôi hiện đang tạo việc làm thường xuyên cho 16 lao động là người dân trong xã Thành Lâm. Mỗi tháng, trừ mọi chi phí, trung bình gia đình thu về trên 30 triệu đồng. Để làm du lịch cộng đồng hiệu quả và bền vững thì điều quan trọng là vệ sinh môi trường luôn phải xanh, sạch, đẹp; dù lúc cao điểm đông khách hay thấp điểm ít khách cũng không được phép “chặt chém” du khách. Bên cạnh đó, giữa các hộ gia đình, công ty làm du lịch cộng đồng cũng không nên để xảy ra chuyện cạnh tranh thiếu lành mạnh, thay vào đó là tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, mang đến cho khách du lịch những trải nghiệm tốt nhất”.

Không chỉ làm du lịch giỏi, chị Cao Thị Lý còn là Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Thành Lâm. Bà Lê Thị Hải Lý, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bá Thước, nhận xét: “Chị Cao Thị Lý là cán bộ hội năng nổ, nhiệt huyết, đồng thời cũng là gương phụ nữ điển hình trong làm kinh tế trên địa bàn huyện Bá Thước. Với kinh nghiệm và cả trách nhiệm, những năm gần đây chị Cao Thị Lý không chỉ tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho nhiều chị em hội viên mà còn hỗ trợ nhiều hộ gia đình trong thôn, xã cùng làm du lịch cộng đồng…”.

Và cô gái Thái khát vọng đưa sản vật núi rừng Mường Lát đi muôn phương

Sinh ra ở xã vùng biên Quang Chiểu (Mường Lát), cô gái dân tộc Thái, Lương Thị Nông năng động, sắc sảo trong việc làm kinh tế từ chính những sản vật núi rừng của quê hương mình. Và để phát triển kinh tế, chị đã thành lập HTX nông lâm Chung Thành chuyên kinh doanh gạo nếp Cay Nọi, măng khô, sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của người dân địa phương.

Chị Cao Thị Lý là một trong những phụ nữ đầu tiên ở bản Đôn, xã Thành Lâm (Bá Thước) làm du lịch cộng đồng.

Chị Lương Thị Nông cho biết: “Quang Chiểu là xã vùng biên nhiều khó khăn nhưng bù lại khí hậu, đất đai lại cực kỳ thích hợp cho cây lúa nếp Cay Nọi sinh trưởng và phát triển. Dù rằng, lúa nếp Cay Nọi được trồng ở nhiều nơi nhưng hạt gạo nếp Cay Nọi trồng ở những thửa ruộng bậc thang vùng đất Quang Chiểu vẫn cho hương vị dẻo thơm đặc biệt. Thay vì chỉ sử dụng tại địa phương theo hướng tự cung tự cấp, tôi muốn người tiêu dùng khắp nơi được thưởng thức sự đặc biệt của gạo nếp Cay Nọi”.

Chị Lương Thị Nông chuyên thu mua lúa nếp Cay Nọi của người dân trong xã, sau khi xay xát, đóng gói, gạo nếp Cay Nọi của HTX nông lâm Chung Thành được đưa đi tiêu thụ cả ở trong và ngoài tỉnh. Năm 2022, HTX nông lâm Chung Thành đã thu mua hơn 300 tấn lúa nếp Cay Nọi, sau khi xay xát, gạo được bán với giá 30.000 đồng/kg. Hiện tại, HTX do chị Lương Thị Nông làm chủ đang tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động, chủ yếu là chị em phụ nữ với thu nhập bình quân từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.

“Năm 2022, HTX nông lâm Chung Thành đã phối hợp với một số hộ dân trên địa bàn xã Quang Chiểu quy hoạch trồng được 50 ha lúa nếp Cay Nọi theo quy chuẩn an toàn, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Trong thời gian tới, tôi hy vọng diện tích lúa nếp Cay Nọi trồng theo quy chuẩn sẽ tiếp tục được mở rộng, từ đó nâng cao giá trị của sản phẩm, để lúa nếp Cay Nọi không chỉ là cây trồng truyền thống, mà còn là cây thoát nghèo cho người dân địa phương. Đáng mừng, gạo nếp Cay Nọi đã được công nhận sản phẩm OCOP, đây thực sự là lợi thế rất lớn về thương hiệu để HTX nông lâm Chung Thành đưa sản phẩm ra thị trường”, chị Lương Thị Nông chia sẻ.

Bà Hà Thị Nhơn, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Lát, cho biết: “Mường Lát là huyện vùng cao nhiều khó khăn, một bộ phận không nhỏ người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ vẫn thụ động trong làm kinh tế vì thế những hội viên phụ nữ mạnh dạn phát triển kinh tế như chị Lương Thị Nông thực sự rất đáng mừng, là điển hình cần được nhân rộng”.

Nói về câu chuyện giúp phụ nữ vùng cao giảm nghèo - thoát nghèo, bà Hà Thị Nhơn thẳng thắn: “Những năm qua, được sự quan tâm Đảng, Nhà nước và các cấp ngành, hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện đã được tạo điều kiện tiếp cận, hỗ trợ và vay vốn phục vụ cho sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế. Tuy nhiên bên cạnh đó, theo tôi công tác đào tạo, dạy nghề cho phụ nữ vùng cao nói chung, phụ nữ sinh sống trên địa bàn huyện Mường Lát nói riêng cần được quan tâm hơn nữa. Trong đó, chú trọng dạy các nghề thủ công mà địa phương có lợi thế về nguyên liệu (tre, nứa) như đan lát sản phẩm thủ công, mỹ nghệ. Khi người phụ nữ có nghề, có đầu ra có sản phẩm thì câu chuyện thoát nghèo có lẽ sẽ bớt khó khăn hơn”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/khi-phu-nu-vung-cao-lam-kinh-te/26462.htm