Khi sách được đảm bảo bởi tên Giáo sư Ngô Bảo Châu

3 tựa sách mới trong tủ sách “Cánh cửa mở rộng” của Nhà xuất bản Trẻ vừa phát hành tuần qua đều có vẻ là sách “khó đọc” đối với số đông độc giả. Nhiều người băn khoăn không biết tủ sách này phát hành thế nào - ngay cả khi đi kèm với những cái tên như Giáo sư (GS) Ngô Bảo Châu hay nhà văn có sách đang bán chạy Phan Việt.

Giáo sư Ngô Bảo Châu. Ảnh: N.Đ.T

Tủ sách “Cánh cửa mở rộng” là sự hợp tác của NXB Trẻ với GS Ngô Bảo Châu và nhà văn Phan Việt. Ba cuốn sách mới vừa được ra mắt gồm tiểu thuyết “Núi thần” của nhà văn Đức Thomas Mann, cuốn tự luận “Khởi sinh của cô độc” của tiểu thuyết gia, nhà thơ Mỹ Paul Auster và “Tất cả chúng ta đều là cá” - cuốn sách về nguồn gốc và quá trình tiến hóa 3,5 tỉ năm của loài người, của GS sinh vật học tiến hóa người Mỹ Neil Shubin.

“Núi thần” là cuốn khiến những người làm sách tranh luận rất nhiều - theo tiết lộ của biên tập viên NXB Trẻ. Kiệt tác của một tác giả được giải Nobel, nhà văn lớn nhất của Đức thế kỷ 20, nhưng là bài toán với người làm sách: 2 tập sách hơn 1.000 trang, là sự đầu tư lớn, tập 1 dịch đã mất 1 năm, khả năng thu hồi vốn khó. Nhưng nhà làm sách quyết định sẽ làm, và sẽ ra cả hai tập, “không vì tập 1 không ngon mà không ra tập 2”.

GS Ngô Bảo Châu cho biết, anh rất mừng vì thuyết phục được NXB làm “Núi thần”, dù anh tin NXB đã phải bỏ ra số tiền không nhỏ để có được bản quyền sách. Đề cao giá trị nhân văn khi chọn sách để đọc nói chung, Ngô Bảo Châu cho biết, anh đọc “Núi thần” tới 3 lần. Độc giả Thế Dũng đang sống ở Đức, tình cờ có mặt ở buổi giới thiệu sách, chia sẻ sự vui mừng khi Thomas Mann đã trở lại Việt Nam, bởi đọc Mann, giới trí thức Việt Nam sẽ rõ hơn thân phận của mình trong thế kỷ 20.

Còn “Khởi sinh của cô độc” được Ngô Bảo Châu tìm đến qua sự giới thiệu của họa sĩ Trần Trọng Vũ. Họa sĩ tìm thấy cuốn sách này trong tủ sách của cha mình là nhà thơ Trần Dần, khi sắp xếp lại những tài sản tinh thần của nhà thơ. Lúc đầu, Ngô Bảo Châu không định đọc một cuốn sách nặng nề đến thế, nhưng đó là thời điểm anh cảm thấy sự đổ vỡ của quá khứ và quyết định đọc nó bởi “nhu cầu níu kéo quá khứ quá lớn”. “Tất cả chúng ta đều là cá” cũng đến với Ngô Bảo Châu nhờ một người bạn khác giới thiệu, một cái tên nổi không kém anh - nhà toán học Đàm Thanh Sơn - và Ngô Bảo Châu đã đọc, đã thích cuốn này.

Cho dù mục đích tốt đẹp của tủ sách “Cánh cửa mở rộng” là thúc đẩy các giá trị sống và sự coi trọng tri thức, cho dù giá trị đích thực của các tác phẩm, cho dù có sự đảm bảo của những người nổi tiếng như Ngô Bảo Châu và Phan Việt (tiến sĩ về công tác xã hội, PGS, đang dạy đại học ở Mỹ), liệu sách phát hành có tốt? Như Phan Việt chia sẻ: “Làm sách ở Việt Nam rất khó khi phải dung hòa giữa sách hay và sách bán được. Có tên Ngô Bảo Châu chưa chắc sách đã bán được” và chị “chữa” thêm: “Dù chúng tôi không định thương mại hóa tên Ngô Bảo Châu”.

Nhưng đều đặn từ khi ra đời vào cuối 2011, mỗi năm hai lần, tủ sách “Cánh cửa mở rộng” đã xuất bản được 17 đầu sách. Ông Nguyễn Minh Nhựt - GĐ NXB Trẻ - thú nhận, tủ sách này “không bán chạy như tôm tươi” và chỉ nói rất khiêm tốn rằng tủ sách “vẫn có đối tượng độc giả riêng”. Song ông vẫn dứt khoát: “NXB chọn sách với hai tiêu chí: Sách phải hay và bán được. Nhưng nếu cần chọn giữa hai cái thì sẽ chọn hay. Vì hay là sẽ bán được. Tìm kiếm việc bán hàng thì dễ hơn tìm sách hay”.

Bài toán chắc chắn không dễ, bởi phải xen vào đó cả những tính toán về kinh tế khi làm một cuốn sách mang tính tư tưởng trong thời buổi thói quen đọc sách thu hẹp dần, các giá trị đảo lộn khó lường và độc giả cần thông tin hơn là cần sự suy tưởng. Nhưng chắc chắn vẫn có đó sự hào hứng của nhiều độc giả - và nhiều độc giả trẻ - đến với buổi giới thiệu sách, cho dù có GS Ngô Bảo Châu quảng bá sách hay không. Bởi như GS đã nói, mỗi cuốn sách là một cánh cửa mở ra một thế giới khác, một cuộc đời khác, cho người ta sống nhiều hơn.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/khi-sach-duoc-dam-bao-boi-ten-giao-su-ngo-bao-chau/130980.bld