Khi tản văn mang màu tự truyện

Nhà văn Đỗ Bích Thúy vừa có buổi ra mắt tập tản văn 'Tôi đã trở về trên núi cao' - cuốn sách đẹp trong 19 đầu sách của chị được chăm chút bởi họa sĩ Lê Thiết Cương. Nhưng ngoài 'nhan sắc', đây là cuốn tản văn ẩn chứa nhiều chuyện đời của Đỗ Bích Thúy.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy.

Ngoảnh lại và bước tiếp

Nhà văn Đỗ Bích Thúy được nhiều người nhớ tới với những truyện ngắn về vùng cao, như “Sau những mùa trăng”, “Ngài đắng ở trên núi”...

Mấy năm trước, tiểu thuyết “Chúa đất” của chị khiến nhiều người ám ảnh. Nhiều truyện ngắn của chị được chuyển thể thành phim như: “Chuyện của Pao”, “Lặng yên dưới vực sâu”… Với tập tản văn “Tôi đã trở về trên núi cao” (NXB Hội Nhà văn và Liên Việt Book ấn hành quý IV/2018) , có thể ví như một quãng nghỉ, để ngoái nhìn lại đường chị đi cùng với văn chương, trong đó có những biến động của đời sống cá nhân cũng như sự tác động của nó tới thái độ sống và quan niệm sáng tác của chị.

Tiếp tục viết về miền núi với những vỉa tầng địa lý, văn hóa, xã hội vô tận của nó, vừa là sở trường, thế mạnh của Đỗ Bích Thúy, cũng vừa là may mắn, là trời cho đối với chị. Điều đó được chị thể hiện khá rõ trong cuốn sách mới nhất này. “Tôi nghĩ rằng, tôi là một nhà văn hạnh phúc và may mắn khi tôi có một mảng đề tài, một mảnh đất, một vùng văn hóa để nhớ thương, yêu mến, tha thiết với nó”- nhà văn Đỗ Bích Thúy nói.

Hành trình “trở về” của Đỗ Bích Thúy có thể là một chuyến đi rất thật nhưng cũng có thể chỉ là những chuyến đi trong tâm hồn của chị. Tâm hồn của một người đàn bà với nhiều xung động, với nhiều “dư chấn” mang một “mã số” riêng. Vì thế, đọc tập tản văn này, độc giả có thể hình dung ra những đoạn đời của tác giả. Nhiều trang viết mang tới cái buồn thật sâu và trong trẻo. Thậm chí, cái buồn nhiều khi còn hiện ra ngay từ tên những tản văn trong tập: “Nước mắt rơi trên bậu cửa”, “Cây cỏ vui buồn”, “Chết là một cuộc rong chơi”…

Đỗ Bích Thúy nói rằng chị rất trân trọng cuốn sách này. Nó như một dấu mốc đặc biệt trong cuộc đời và sự nghiệp cầm bút của chị. Nó cho chị được một lần ngoái lại phía sau, một cách bình thản. Nó cũng thể hiện khát vọng “trở về” với núi rừng, nơi chị sinh ra và gắn bó suốt những năm ấu thơ với biết bao kỷ niệm.

Muốn làm dòng nước nương theo sông suối mà trôi

Dù chủ ý hay vô tình, tác giả cũng đã “bạch hóa” nhiều chuyện đời để độc giả tiếp cận. Những câu chuyện nhiều phần là buồn, nhiều phần khiến người ta nghĩ tới “mệnh” của một người phụ nữ đẹp và… đa đoan. Nhưng Đỗ Bích Thúy, qua cuốn sách, đã nhìn lại, bỏ lại và đi tiếp. Như Thúy đã quả quyết trong tản văn đặt cuối sách “Không bao giờ buồn thì có gì là vui?”: “Tôi quyết định rằng, mình sẽ để cho cuộc sống từ đây tự trôi đi. Như một chiếc lá bị cuốn đi bởi một cơn gió, tới đâu thì tới”.

Buông, nhưng Đỗ Bích Thúy cho rằng “đấy không phải là một thái độ buông bỏ hay vô trách nhiệm, mà là nương theo. Hình dung, mọi dòng chảy đều phải nương theo cái nền mà nó chảy qua. Tôi sẽ làm một dòng nước như thế, bình thản và mềm mại, nương theo sông suối mà trôi. Gặp chướng ngại vật thì tránh, không tránh được thì bò trườn qua. Cứ bình thản thế mà trôi đi. Mềm mại như nước. Mạnh mẽ như nước. Kiên nhẫn như nước...”.

Theo nhà văn Nguyễn Văn Thọ, mỗi một câu chuyện nhỏ trong sách đều hiện rõ sự nhận thức lại đời sống, nhiều quan niệm từ sau nhiều chiêm nghiệm, để cuối cùng bao giờ nhận thức ra điều nào đó, cảm giác nào đó chốt lại cho rõ cái cõi lòng sâu thẳm của người với người, người với vật, người ta với quê hương, bản quán hay mảnh đất mình đang sống.

Là người đọc kỹ cuốn sách, tác giả “Vàng xưa” chia sẻ: “Những câu chuyện trong cuốn sách như tự truyện, từ hồi ức và kỉ niệm, xung quanh đất và người hiện ra rất rõ một Đỗ Bích Thúy dạt dào cảm xúc, yêu thương đắm đuối kì lạ và đằm thắm ở từng đoạn văn giầu chiêm nghiệm. “Tôi đã trở về trên núi cao” là cách nhìn rõ bản thân mình, nhận diện rõ bản lai hiện mục con người mình, sau bao thay đổi. Cô Thúy đã trở về trên núi cao - nơi cao nhất và cũng là nơi sâu nhất sau bao thăng trầm thay đổi để như một sự giác ngộ”.

Còn nhà thơ Nguyễn Quang Hưng thì cho rằng, tác phẩm mới này của Đỗ Bích Thúy “có thể như một phim tài liệu kiệm lời, rất kiệm lời, hoặc không lời, chỉ hình ảnh, cụ thể, sinh động, xem đến đâu thì lại thấm và nhớ, cảm thấy nhoi nhói. Có thể nghĩ đến một kết cấu chương hồi, hết câu chuyện này móc vào câu chuyện tiếp, để thấy nhiều hơn theo mạch kể, câu chuyện này có chút bóng dáng câu chuyện kia, để càng đọc càng mở, càng kéo đi. Có thể coi là một “tản văn tự truyện”. Cũng có thể, không cần liên tưởng đến tác giả, để thấy đây là câu chuyện của mỗi ai đó được tái tạo, được sáng tạo”.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Giang, hiện làm việc tại tạp chí Văn nghệ Quân đội, Đỗ Bích Thúy là một trong những tác giả được biết đến với hàng loạt tác phẩm viết về miền núi phía Bắc, đặc biệt là về dân tộc Mông.

Những tác phẩm tiêu biểu của Đỗ Bích Thúy có thể kể đến các tiểu thuyết “Chúa đất”, “Lặng yên dưới vực sâu” (được Đỗ Bích Thúy cùng lúc viết thành kịch bản phim truyền hình cùng tên, 32 tập, đã phát trên VTV3), tiểu thuyết “Cửa hiệu giặt là” (tiểu thuyết đầu tiên của Đỗ Bích Thúy viết về Hà Nội, đã được Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội trao giải thưởng năm 2014); các tập truyện ngắn “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”, “Đàn bà đẹp”, “Sau những mùa trăng”...

Tranh của họa sĩ Lê Thiết Cương minh họa tản văn “Sống để biết ơn".

Độc giả cũng có thể gặp trong cuốn sách này những trang tản văn về Hà Nội với nhiều “dấu vết” và cái nhìn riêng của Đỗ Bích Thúy. “Hà Nội, tôi muốn mình vừa xa vừa gần. Đủ gần để làm việc, kiếm sống. Đủ xa để không phải nhốt mình trong chật chội, ồn ào. Đủ gần để cảm nhận hơi thở của nó. Đủ xa để nhìn về, thấy những biến chuyển từng bước làm thay đổi dung mạo, hồn vía thủ đô”- Đỗ Bích Thúy viết trong tản văn “Chờ bình yên quay về”.

Ngoài ra, ở phần cuối của cuốn sách: “Bạn bè là những người thầy”, Đỗ Bích Thúy viết về nhà thơ Thụy Anh, nhà văn Nguyễn Văn Thọ, họa sĩ A Sáng, họa sĩ Phạm Hà Hải, họa sĩ Lê Thiết Cương…

Thư Hoàng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/khi-tan-van-mang-mau-tu-truyen-tintuc415807