Khi 'thế' biến thành 'lực'… ắt thành công!

Chiến thắng 3-0 tại trận chung kết, U22 Việt Nam đã bước lên ngôi vương bóng đá nam SEA Games 30 một cách xứng đáng. Nó không đơn thuần chỉ là chiếc huy chương vàng mà nó như tấm giấy chứng nhận, bóng đá Việt Nam đã bước sang tầm cao mới.

Bóng đá Việt Nam đã bước sang tầm cao mới (ảnh: SaoStar)

Bóng đá Việt Nam đã bước sang tầm cao mới (ảnh: SaoStar)

Để đánh giá sự phát triển của một nền bóng đá, không đơn thuần chỉ là tấm HCV. Nó phải là thành tích của đội tuyển quốc gia và các đội tuyển trẻ được lặp đi, lặp lại nhiều lần tại các giải đấu. Những thành tích tại VCK U23 châu Á 2018, rồi AFF Cup 2018 và mới đây là SEA Games 30 đã khẳng định, lịch sử bóng đá Việt nam đã sang trang. Giới chuyên môn sân cỏ đã phải thừa nhận, bóng đá Việt Nam đã vươn lần vị trí hàng đầu khu vực.

Điều gì đến sẽ đến

Nói đến chức vô địch SEA Games, ông Lê Việt Nam - nhà phong thủy có tiếng cho rằng: “Khi khí đã chuyển sang thế, thế đã vận thành lực thì điều gì đến, sẽ đến đến”. Ông còn cho biết với đà này, sau khi đạt ngôi vị số 1 sân cỏ Đông Nam Á chúng ta sẽ tiếp cận đến trình độ châu lục.

"Song hỷ" sân cỏ Việt Nam. Ảnh VFF

Thực tình mà nói, với thế trận chặt chẽ, bản lĩnh và trình độ của các cầu thủ U22 Việt Nam hôm qua thì không phải Văn Hậu thì sẽ có một cầu thủ khác ghi bàn. Trong 1 trận đấu, mà từng mét vuông sân cỏ, từng pha tranh chấp các học trò của ông Park cho thấy sự chuẩn bị hoàn hảo, khả năng vượt trội về kinh nghiệm thì đúng là U22 Indonesia không có cửa ghi bàn. Đúng như ông HLV Indra Sjafri chia sẻ tại cuộc họp báo: “Khi tỷ số đã 2-0, thì tôi biết cơ hội đã hết”.

Đến SEA Games lần này, dù nằm vào bảng đấu khó khăn với các nền bóng đá từng làm mưa, làm gió khu vực như Thái Lan, Indonesia nhưng ông Park tạo cho triệu triệu người hâm mộ sự yên tâm. Chỉ là nhà cầm quân bóng đá, nhưng ông thầy người Hàn đã hội tụ đủ 5 yếu tố để điều hành, chỉ đạo một nền bóng đá, chứ không đơn thuần chỉ là các đội tuyển.

Ông có khả năng xây dựng chiến lược phát triển bóng đá quốc gia, trực tiếp quản lý và điều hành các đội tuyển, cách lựa chọn nhân sự và sử dụng cầu thủ công minh, đúng khả năng, sự linh hoạt trong quá trình thực hiện và cuối cùng là tình người và lớn hơn là tình yêu với công việc mà mình gắn bó.

Một hành trình phải mất 60 năm. Ảnh AT

Hãy nhớ lại, ông có hẳn chiến lược 10 tháng cho SEA Games 30 với 9 lần triệu tập U22 Việt Nam, lọc từ 71 cầu thủ ra 20 gương mặt xuất sắc nhất để đưa đi Philippines. Khi Văn Hậu được mời sang thi đấu ở Hà Lan, ông biết cần trao đổi với bầu Hiển điều gì để có hậu vệ này về thi đấu cho U22 Việt Nam. Giờ thì người ta đã hiểu vì sao BHL của đội tuyển nhiều người đến thế, vì sao U22 Việt Nam cần đến 5 bác sĩ, điều trước đây chưa từng có.

Là người thích bóng đá tấn công, nhưng khi đến Việt Nam, ông lại chọn lối đá phòng ngự phản công. Chủ trương chơi phòng ngự phản công nhưng khi tỷ số 2-1 đang có lợi cho U22 Việt Nam thì ông lại tung thêm tiền đạo quyết ghi bàn vào lưới U22 Thái Lan. Dường như ông biết, nếu chủ trương phòng ngự thì chúng ta sẽ thua thêm, dường như ông biết, nếu trận đấu kết thúc với tỷ số 2-1 thì dù có vô địch SEA Games thì người Thái vẫn không phục, người Việt vẫn chưa thật sướng.

Có một ông Park như thế

Là người bảo vệ học trò, nhưng khi mắc lỗi Tấn Tài chỉ có 18 phút thi đấu trên sân. Nhưng khi Thanh Thịnh chấn thương thì anh là người đầu tiên được trám vào vị trí đấy, một phong cách rất chuyên nghiệp.

Hai học trò có lỗi cá nhân, khi vào thế phải chọn 1 trong 2 thủ môn, thêm lần nữa ông lại đúng khi trao cơ hội cho Văn Toản nhưng không làm tổn thương Bùi Tiến Dũng. Khi Trọng Hùng “quy hoạch” cho Quang Hải chấn thương, rồi chính Quang Hải chấn thương ông không bối rối, vì dường như phương án 3, chơi 2 tiền đạo đã được định sẵn.

Phải đến khi kết thúc trận đấu bán kết với U22 Myanmar thì HLV Indra Sjafri mới biết mình sẽ chơi như thế nào với U22 Việt Nam. Nhưng chỉ sau 45 phút trận đấu với U22 Campuchia, ông đã định hình lối đá, nhân sự cho trận chung kết một cách đầy tự tin. Nếu như Thanh Thịnh không chấn thương, ông sẽ bê nguyên đội hình xuất phát trận bán kết để đấu với HLV Indra Sjafri mà không ngại lộ bí mật.

Nhà vô địch SEA Games đầy thuyết phục. Ảnh VFF

Vì học trò, ông là người nhận nhiều thẻ nhất tại SEA Games (1 thẻ vàng, 1 thẻ đỏ), ngay khi đã bị thẻ đỏ, ông vẫn biết cách làm thế nào để tiêu hao thêm thời gian của trận đấu, rất kinh nghiệm. Người Việt Nam vừa yêu, vừa nể cái tài và cái tình của người đã từng xem Việt Nam là quê hương thứ 2 của mình.

Để có chiếc HCV SEA Games 30, là sự hội tụ của rất nhiều yếu tố như đào tạo bóng đá trẻ, nâng cấp chất lượng V.League…v.v và.v.v nhưng sự hiện diện của HLV Park Hang-seo vẫn được coi là yếu tố quan trọng nhất.

An Thanh

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/khi-the-bien-thanh-luc-at-thanh-cong-375491.html