Khi thiện chí và nhân nhượng ngoại giao là không đủ (kỳ 1)

Trải qua thời gian nhân nhượng, sử dụng biện pháp ngoại giao hòa bình thiện chí nhưng không thành công do lập trường ngoan cố, lỗi thời của thực dân Pháp, ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược trên phạm vi cả nước bắt đầu tại Hà Nội. Đây thực sự là thời khắc trọng đại của lịch sử dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Marius Moutet ở Paris ngày 14/9/1946. (Ảnh tư liệu)

Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại vườn hoa Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Cách mạng Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Ngay khi vừa giành lại độc lập, đất nước phải đối diện với muôn vàn khó khăn, thử thách. Theo thỏa thuận giữa các nước đồng minh chiến thắng chủ nghĩa phát xít, 18 vạn quân Tưởng Giới Thạch vào đóng tại miền Bắc, quân Anh (theo sau là quân Pháp) vào đóng tại miền Nam Việt Nam làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật (lấy vĩ tuyến 16 làm ranh giới), nhưng đều nuôi dưỡng ý đồ tiêu diệt lực lượng cách mạng và Đảng Cộng sản Đông Dương, khôi phục ách cai trị thực dân lên nhân dân ta.

Trong khi đó, sau hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp và phát xít Nhật, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam rơi vào khủng hoảng trầm trọng: sản xuất trì trệ, ngân khố quốc gia trống rỗng, nạn đói năm 1945 làm gần 2 triệu người chết chưa được khắc phục xong, hơn 90% dân số mù chữ, tệ nạn xã hội còn rất phổ biến, các thế lực phản cách mạng được quân đội nước ngoài ủng hộ ra sức hoạt động chống phá... Vận mệnh dân tộc nguy nan như “ngàn cân treo sợi tóc”.

Trong tình thế hiểm nghèo ấy, Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã đề ra những quyết sách đúng đắn, sáng tạo. Nhằm tránh chiến tranh gây thêm thiệt hại đến đất nước vốn đã “rất mỏng manh” khi vừa giành được độc lập không lâu, Bác Hồ và Ðảng ta đã tốn rất nhiều công sức, phát huy cao độ tài thao lược để tiến hành cuộc đấu tranh ngoại giao kiên trì với thực dân Pháp.

Sách lược khôn khéo

Đầu tiên phải kể đến cuộc đàm phán cam go để đi tới việc ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946, theo đó, Pháp phải công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do có Chính phủ, Nghị viện, quân đội và tài chính riêng nằm trong Liên bang Đông Dương và khối Liên hiệp Pháp; Pháp thừa nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý việc thống nhất ba kỳ Việt Nam. Đổi lại, phía Việt Nam đồng ý cho 15.000 quân Pháp vào miền Bắc Việt Nam trong vòng 5 năm thay thế 18 vạn quân Tưởng Giới Thạch làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật.

Nội dung Hiệp định sơ bộ đã thể hiện sách lược khôn khéo của ta: do Pháp ngoan cố chưa chịu chính thức công nhận nền độc lập của Việt Nam, Bác Hồ đã đưa ra công thức mềm dẻo để phá vỡ bế tắc trong đàm phán. Theo đó, Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là quốc gia “tự do”, có Chính phủ, Nghị viện, quân đội và tài chính riêng (về thực chất Pháp phải thừa nhận chủ quyền đầy đủ về nội trị của Việt Nam)...

Thực hiện Hiệp định sơ bộ 6/3/1946, hai bên mở ra các cuộc đàm phán trù bị ở Ðà Lạt và chính thức ở Fontainebleau để đi tới Hiệp định chính thức.

Tuy nhiên, cuộc đàm phán chính thức giữa hai đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Pháp tại Fontainebleau từ 6/7 tới 10/9/1946 đã hoàn toàn đổ vỡ do lập trường thiếu thiện chí ngay từ đầu của phía Pháp, đặc biệt là hành động phá hoại, vi phạm nghiêm trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam của những kẻ trung thành mù quáng với tư tưởng thực dân lỗi thời của Tướng Charles De Gaulle trong chính quyền Pháp ở Đông Dương, điển hình là Cao ủy Georges Thierry D’Argenlieu và Tướng Valluy, Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương.

Toàn cảnh khai mạc Hội nghị Fontainebleau ở Pháp vào ngày 6/7/1946. (Ảnh tư liệu)

Cuộc chiến trên bàn đàm phán để cứu vãn hòa bình

Ngày 13/9/1946, Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng và phần lớn các thành viên của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam rời Paris đi cảng Toulon để xuống tàu thủy Pasteur về nước ngày 16/9/1946. Nhằm cứu vãn tình hình, Hồ Chủ tịch ở lại Paris thêm vài ngày để đàm phán với Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Marius Moutet về một bản Tạm ước giữa hai chính phủ Việt Nam - Pháp. Sau nhiều giờ đàm phán căng thẳng trong ngày 14/9/1946, rạng sáng ngày 15/9/1946, thay mặt chính phủ hai nước, Hồ Chủ tịch và Bộ trưởng Moutet đã ký bản Tạm ước gồm 11 điều khoản, có hiệu lực thực hiện từ 30/10/1946.

Tạm ước 14/9/1946 chưa giải quyết cụ thể vấn đề gì mà chỉ nêu thỏa thuận về nguyên tắc sẽ được các tiểu ban hỗn hợp cụ thể hóa cách thức thực hiện tại cuộc đàm phán sắp tới, chậm nhất là tháng 1/1947, hai bên cũng cam kết đình chỉ mọi hành động xung đột, vũ lực, thực hiện các quyền tự do, dân chủ, tự do cư trú cho công dân của nhau… Đây là một quyết định ngoại giao quan trọng của Hồ Chủ tịch nhằm bảo vệ Hiệp định sơ bộ 6/3/1946, duy trì tình thế hòa hoãn, giữ khả năng tiếp tục thương lượng tìm kiếm giải pháp lâu dài cho quan hệ Việt Nam - Pháp. Tạm ước 14/9/1946 là nhân nhượng cuối cùng mà Hồ Chủ tịch và Chính phủ Việt Nam có thể đưa ra với phía Pháp vì nếu phía ta lùi nữa sẽ là vi phạm độc lập, chủ quyền thiêng liêng của quốc gia, dân tộc.

Ngày 16/9/1946, Hồ Chủ tịch rời Paris đi cảng Toulon để xuống tàu thủy Dumont D’Urville về Việt Nam ngày 18/9/1946. Với thiện chí mong muốn duy trì liên lạc, đối thoại tại chỗ với Chính phủ Pháp, Hồ Chủ tịch cử một Phái đoàn đại diện của Chính phủ Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Hoàng Minh Giám làm Trưởng đoàn và gồm các ông Dương Bạch Mai, Trần Ngọc Danh tiếp tục ở lại Paris. Đây chính là phái đoàn đại diện ngoại giao đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở nước ngoài.

Sự trở mặt của Cao ủy D’Argenlieu

Một tháng sau khi rời Pháp, ngày 18/10/1946, Hồ Chủ tịch về tới Cam Ranh. Cùng ngày trên vịnh Cam Ranh, Hồ Chủ tịch đã có cuộc gặp trong hai tiếng đồng hồ với Cao ủy D’Argenlieu và Tướng Morliere, Tư lệnh quân đội Pháp ở Bắc Việt Nam, để trao đổi về việc thực hiện Tạm ước 14/9/1946, đặc biệt là việc lập các ủy ban hỗn hợp bàn về việc ngừng bắn. Tại cuộc gặp, D’Argenlieu phát biểu công khai rằng đã có bước tiến thực sự trên con đường hợp tác giữa hai bên, nhưng việc làm thực tế của ông ta ít ngày sau đó đã cho thấy một sự đối lập hoàn toàn.

Từ ngày 28/10 đến 9/11/1946, tại Hà Nội, Kỳ họp thứ II Quốc hội khóa I đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và thành lập Chính phủ Liên hiệp Quốc dân do Hồ Chí Minh đứng đầu. Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh lần thứ hai kiêm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ngày 22/11/1946, theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch, Giáo sư Hoàng Minh Giám rời Paris về Việt Nam nhận chức vụ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, tiếp tục giúp việc Người trong các vấn đề đối ngoại, đặc biệt là quan hệ với phía Pháp.

Đầu tháng 11/1946, Cao ủy D’Argenlieu cử Tướng Nyo ra Hà Nội để bàn với phía Việt Nam về vấn đề đình chỉ các hành động xung đột, vũ lực như quy định trong Điều 9 của Tạm ước 14/9/1946. Tướng Nyo đã được Hồ Chủ tịch tiếp tại Bắc Bộ phủ. Tuy nhiên, cùng với việc Tướng Nyô ra Hà Nội, quân Pháp đã nổ súng tấn công ở nhiều nơi tại Nam Bộ và Nam Trung Bộ, buộc bộ đội ta phải đánh trả.

Ngày 7/11/1946, phiên họp đầu tiên của Ủy ban quân sự Việt Nam – Pháp diễn ra ở Hà Nội. Tại cuộc họp, Tướng Nyo đã khước từ các yêu cầu của phía Việt Nam theo như quy định của Tạm ước 14/9. Vì vậy, cuộc họp này không giải quyết được vấn đề gì.

Trung tuần tháng 11/1946, Cao ủy D’Argenlieu vội vã trở về Pháp. Viên Cao ủy đứng trước tình hình có phần bất lợi cho thế lực thực dân phản động ở Đông Dương khi lực lượng dân chủ tiến bộ ở Pháp có bước tiến quan trọng trong bầu cử Quốc hội vừa diễn ra. Theo tính toán của D’Argenlieu và những kẻ trung thành với tư tưởng De Gaulle trong chính quyền Pháp, trong tình hình chính trị mới ở Pháp, chính sách thực dân hiếu chiến chỉ có thể được tiếp tục bằng cách chủ động làm nổ ra cuộc chiến tranh rộng lớn tại Đông Dương. Chia sẻ đầy đủ ý đồ của Cao ủy D’Argenlieu, trong một chỉ thị mật gửi cho cấp dưới, Đại tướng Jean Etienne Valluy, Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương, tạm kiêm nhiệm chức vụ Cao ủy, viết: “Những mưu toan thỏa hiệp đáng kính không còn thích hợp nữa rồi mà phải cần đến một bài học khắc nghiệt”.

Ngày 20/11/1946, từ vụ tranh chấp nhỏ liên quan tới quyền kiểm soát, đánh thuế một ca-nô chở xăng của người Trung Hoa đã được Sở thuế quan Việt Nam cấp giấy phép ở bến Cửa Cấm, Hải Phòng, Đại tá Pierre Louis Dèbes, Chỉ huy quân Pháp ở Hải Phòng đã ra lệnh cho quân Pháp với sự hỗ trợ của xe tăng, pháo binh và không quân tấn công vào các vị trí của bộ đội và tự vệ Việt Nam trong cả thành phố.

Cuộc xung đột ở Hải Phòng là trận đánh mở đầu cuộc chiến tranh cướp nước ta của quân Pháp ở quy mô mới. Quân đội Pháp mở rộng chiến tranh xâm lược từ nửa phần phía Nam của đất nước ra toàn cõi Việt Nam, đồng thời ra toàn bán đảo Đông Dương. Những gì quân Pháp làm ở Hải Phòng đã lặp lại ở Hà Nội gần một tháng sau đó…

(Còn tiếp)

* Nguyên Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Australia

Đại sứ Hoàng Vĩnh Thành *

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khi-thien-chi-va-nhan-nhuong-ngoai-giao-la-khong-du-ky-1-106018.html