Khi thỏa hiệp là lựa chọn duy nhất

Ngày 18/5, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ở trên chuyên cơ Air Force One, lên đường sang Hiroshima (Nhật Bản) dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), giới chức Nhà Trắng thông báo: 'Có tiến triển ổn định' trong các cuộc đàm phán về trần nợ công của nước Mỹ (theo AFP và Reuters)...

Tuy nhiên, “tiến triển ổn định” vẫn là không đủ. Ông chủ Nhà Trắng vẫn sẽ buộc phải cắt ngắn chương trình làm việc, từ bỏ những chuyến thăm đến các nước châu Á - điều được dự báo là sẽ gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đối với chiến lược đối ngoại của Washington ở Nam Thái Bình Dương, để trở về và bằng mọi giá xử lý triệt để nguy cơ “vỡ nợ” đang treo lơ lửng trên đầu chính quyền của ông.

Thỏa hiệp sẽ có khi Tổng thống Mỹ Joe Biden trở về từ Hội nghị thượng đỉnh G7?

Nếu điều đó xảy ra

Thực tế, “vỡ nợ”, hay nói cách khác là sự bế tắc trong vấn đề trần nợ công, liên quan đến kinh phí hoạt động của Chính phủ Mỹ, hoàn toàn không phải một kịch bản xa lạ.

Cứ vài năm một lần, nhất là ở những năm thuộc nửa sau nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ (đồng nghĩa với quãng thời gian bắt đầu chuẩn bị cho cuộc bầu cử kế tiếp), vấn đề này lại bị xới lên, chủ yếu là từ phe đối lập trên chính trường (nhằm tạo thêm khó khăn cho các quyết sách mà đảng cầm quyền đang hướng tới, thông qua những “chướng ngại vật” mang tên “vách đá tài chính” - điều gắn liền với kịch bản chính phủ buộc phải “đóng cửa” tạm thời). Họ thường sử dụng vấn đề nâng trần nợ để làm đòn bẩy đàm phán như một thứ “vũ khí chính trị”.

Nói ngắn gọn, việc nâng trần nợ công là một quy trình thông thường tại Quốc hội Mỹ. Trong lịch sử, kể từ năm 1960, Quốc hội Mỹ đã nâng trần nợ 78 lần. Dù vậy, có lẽ chưa bao giờ, vấn đề này lại tạo nên một tình thế bế tắc như hiện tại, và kèm theo đó, nó “hăm dọa” đưa đến những hệ lụy “thảm khốc”.

Ngày 11/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ hối thúc Quốc hội nâng trần nợ công của chính phủ liên bang (đã đạt mức 31.400 tỷ USD) và cảnh báo: "Tình trạng vỡ nợ sẽ đe dọa những lợi ích mà chúng ta đã rất nỗ lực để đạt được trong vài năm qua, trong quá trình phục hồi sau đại dịch của chúng ta. Và, nó sẽ châm ngòi cho một cuộc suy thoái toàn cầu khiến chúng ta phải thụt lùi hơn nữa. Điều đó cũng nguy cơ làm suy yếu vị thế lãnh đạo kinh tế toàn cầu của Mỹ và đặt nghi vấn về khả năng của chúng ta trong việc bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia".

Làm rõ hơn vấn đề, bà nhấn mạnh: Bộ Tài chính có thể không thanh toán được toàn bộ các hóa đơn của Chính phủ Mỹ ngay vào đầu tháng 6 tới nếu trần nợ không được nâng lên. Điều đó có thể dẫn đến viễn cảnh hàng triệu người mất việc làm và rất nhiều thứ chi phí sẽ tiếp tục tăng cao, cộng hưởng với tình cảnh vốn đã ngặt nghèo khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) không ngừng nâng lãi suất.

Khả năng này thậm chí còn khiến mọi nền kinh tế khác trên thế giới “rúng động”. Ngày 14/5, từ Berlin, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cảnh báo về tình trạng kinh tế thế giới “mong manh” và bày tỏ hy vọng giới chức Mỹ sẽ đi đến một quyết định "đúng đắn” về các cuộc đàm phán nâng trần nợ liên bang.

Trong khi đó, Giám đốc Truyền thông của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Julie Kozack đề cập đến nguy cơ chi phí vay mượn tăng, bất ổn tài chính toàn cầu và những tác động về kinh tế, nếu Chính phủ Mỹ vỡ nợ. Theo bà, thế giới đã hứng chịu nhiều cú sốc trong những năm qua (đại dịch COVID-19 toàn cầu, biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang...) và cần tránh những tác động nghiêm trọng này.

Thực tế, hầu hết những cuộc tranh cãi về trần nợ công cũng như ngân sách tài chính dành cho Chính phủ Mỹ thường được dàn xếp tương đối nhanh chóng và ổn thỏa. Tuy vậy, trong những lần hiếm hoi mà xung đột chính trường (giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa) trở nên gay gắt, tiêu biểu như năm 2011, tình trạng bế tắc kéo dài đã khiến hàng triệu nhân viên công quyền phải tạm thời nghỉ việc, gây ảnh hưởng trên diện rộng ở mọi lĩnh vực, dẫn đến việc Hãng Standard & Poor's lần đầu tiên hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ, đồng thời khiến thị trường tài chính chao đảo. Sự chậm trễ này cũng khiến Chính phủ Mỹ tốn thêm 1,3 tỷ USD trong năm đó.

Hiện tại, từ duy nhất mà hầu hết các nhà phân tích quốc tế đều lựa chọn, để phác họa về kịch bản lưỡng viện Quốc hội Mỹ không đạt thỏa thuận, dẫn đến hệ quả Chính phủ Mỹ không còn kinh phí để hoạt động từ ngày 1/6, đơn giản là “thảm họa”. Đây chính là cách đề cập vấn đề của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen: "Quốc hội cần phải giải quyết vấn đề này. Nếu họ không làm điều đó, chúng ta sẽ gặp phải một thảm họa kinh tế và tài chính do chính chúng ta gây ra. Tổng thống và Bộ Tài chính Mỹ không thể thực hiện hành động nào để ngăn chặn thảm họa đó".

Tấm áp phích cho thấy số nợ của Mỹ đã đạt 31.000 tỉ USD và đang tăng.

Lựa chọn duy nhất

Ngày 17/5, trước khi lên máy bay sang Nhật Bản, phát biểu trước truyền thông tại Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden tuyên bố: “Chúng tôi sẽ thỏa hiệp vì không có lựa chọn nào khác. Rõ ràng, cuộc đàm phán này là về những phác thảo ngân sách, không phải về việc chúng ta có (trả các khoản nợ của mình) hay không. Các nhà lãnh đạo (của Quốc hội) đều đã đồng ý: Chúng ta sẽ không thể vỡ nợ!".

Lời tuyên bố này được đưa ra sau cuộc họp giữa ông chủ Nhà Trắng và thủ lĩnh các phe ở Thượng viện (do đảng Dân chủ kiểm soát) cũng như Hạ viện (thuộc quyền khống chế của đảng Cộng hòa), một ngày trước đó.

Sau cuộc họp ngắn này, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cho biết hai bên vẫn còn xa mới đạt được một thỏa thuận nâng trần nợ công. Tuy nhiên, theo ông, vẫn "có thể đạt được một thỏa thuận”.

Thực tế, cho đến thời điểm ấy, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng như các nghị sĩ phe Dân chủ vẫn đòi hỏi nâng trần nợ công vô điều kiện. Ngược lại, các đại biểu đảng Cộng hòa muốn gắn chặt khả năng này vào một chương trình thắt chặt chi tiêu ngặt nghèo (điều dĩ nhiên là sẽ tác động mạnh đến các chính sách xã hội đã, đang và sẽ giúp đảng Dân chủ củng cố vị thế).

Cụ thể, cuối tháng trước, Hạ viện Mỹ do phe Cộng hòa nắm thế đa số đã thông qua đề xuất tăng trần nợ, nhưng đi kèm với đề xuất cắt giảm chi tiêu 4.800 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Đáp lại, Tổng thống Joe Biden cho rằng: "Điều cuối cùng mà đất nước này cần sau tất cả những gì chúng ta đã trải qua là một cuộc khủng hoảng giả tạo và đây chính là một cuộc khủng hoảng giả tạo như thế".

Sau đó, 43 thượng nghị sĩ Cộng hòa (bao gồm cả lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell) đã gửi thông điệp nhấn mạnh sự thống nhất của các nghị sĩ Cộng hòa tại cả lưỡng viện Quốc hội, trong việc ủng hộ cắt giảm chi tiêu và cải cách cấu trúc ngân sách, như điều kiện tiên quyết trước khi đàm phán trần nợ công. Họ tuyên bố sẽ không thảo luận bất cứ dự luật nào liên quan tới trần nợ mà không tính đến điều kiện trên.

Trả lời báo giới tại Đồi Capitol (trụ sở Quốc hội Mỹ) về khả năng đạt được thỏa thuận trần nợ vào thời điểm ông Biden trở về sau chuyến công du châu Á, ông McCarthy bày tỏ sự lạc quan: "Có thể làm được. Chúng ta đang ở trong một lịch trình gấp gáp. Mọi chuyện đang rất khó khăn nhưng tôi không bao giờ bỏ cuộc và chúng tôi sẽ hoàn thành nó".

Chúng ta có thể ngầm hiểu: Đã có những điểm thỏa hiệp được phác thảo. Bởi, đơn giản, nếu kịch bản “vỡ nợ” trở thành hiện thực, cả đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa đều sẽ “chẳng được lợi lộc gì”. Vấn đề chỉ còn là các bên sẽ nhân nhượng nhau đến đâu và ở thời điểm nào (năm 2011, thỏa thuận chỉ đạt được trong vòng 24 giờ trước thời hạn chót). Nhưng, ít nhất, hiện tại, khi chấp nhận chiến lược đối ngoại (đối với các quốc gia châu Á - Nam Thái Bình Dương) bị tổn hại bởi chuyện cắt ngắn chương trình làm việc và hủy bỏ những chuyến thăm để bay ngay về thủ đô nhằm dàn xếp tình hình, Tổng thống Mỹ cũng đã thể hiện mức “thành ý” cực kỳ đáng ghi nhận.

Trong tình huống xấu nhất là bế tắc nợ công kéo dài, các chuyên gia kinh tế Nhà Trắng dự báo khoảng 8,3 triệu người sẽ mất việc, GDP giảm 6,1 điểm phần trăm và thị trường chứng khoán "bốc hơi" gần một nửa giá trị. Tỷ lệ thất nghiệp trong trường hợp này sẽ tăng tới 5 điểm phần trăm. Báo cáo cũng nhấn mạnh: Kịch bản ấy có thể khiến nước Mỹ rơi vào tình trạng tê liệt trong ít nhất 3 tháng.

Có thể tin rằng, kể cả đảng Dân chủ đang nắm quyền lẫn đảng Cộng hòa đối lập đều không thể có cách gì giảm nhẹ được những xáo trộn ghê gớm về kinh tế-xã hội, nếu tình huống “thảm khốc” ấy trở thành hiện thực. Bởi vậy, bằng mọi giá, một điểm thỏa hiệp then chốt nào đó cuối cùng thế nào cũng sẽ phải xuất hiện. Ngân sách tài chính là một thứ “vũ khí” nhưng chắc chắn không ai muốn sử dụng thứ vũ khí ấy theo cách có thể hủy diệt cả cơ đồ của chính mình...

Đông Phong

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/khi-thoa-hiep-la-lua-chon-duy-nhat-i694672/