Khí tiết, bản lĩnh người chiến sĩ cách mạng qua những trang nhật ký

Một ngày giữa tháng 5-2020, tôi vô tình được cựu chiến binh Phan Thị Oanh (trú TT Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam) cho đọc cuốn nhật ký của liệt sĩ Lê Trí Trực - nguyên Tham mưu trưởng Tiểu đoàn đặc công 409 QK5. Trong một cuộc tấn công vào căn cứ Đồng Dương (Thăng Bình, Quảng Nam), anh đã anh dũng hy sinh. Càng đọc những trang nhật ký được anh ghi lại, chúng tôi càng thấm thía và ngưỡng mộ bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng hết lòng vì Tổ quốc.

Bàn thờ tại quê nhà và giấy báo tử của liệt sĩ Lê Trí Trực.

Bàn thờ tại quê nhà và giấy báo tử của liệt sĩ Lê Trí Trực.

Anh Lê Trí Trực (1942) tại xã Tân Minh, H. Thường Tín, một vùng quê nghèo nằm ở ngoại thành Hà Nội. Như bao thanh niên khác trong làng, theo lời hiệu triệu của núi sông, tháng 2-1961 anh lên đường nhập ngũ. Tháng 7-1964, anh cùng đồng đội nhận nhiệm vụ đi B, chiến đấu tại chiến trường QK5. Cựu chiến binh Vũ Bình Lục (trú Sơn Tây, Hà Nội), trao đổi: Từ năm 1964 đến khi hy sinh vào năm 1970, anh Trực tham gia chiến đấu khắp chiến trường khu 5 và đã trưởng thành vượt bậc, từ một chiến sĩ pháo thủ súng cối 82 trở thành Tham mưu trưởng Tiểu đoàn đặc công 409 QK5.

Lần đọc từng trang nhật ký như phác họa cho ta thấy cả một quá trình chiến đấu và trưởng thành cũng như những diễn biến trong việc đấu tranh tư tưởng, thực hiện công tác phê bình và tự phê bình và lòng kiên trung với Đảng, với cách mạng của anh chiến sĩ giải phóng quân Lê Trí Trực. Từ tháng 9-1964 đến tháng 11-1968, anh Trực đã cùng đồng đội tham gia đánh 29 trận lớn, nhỏ. Điển hình như 4 lần tập kích sân bay Chu Lai tại Núi Thành, Quảng Nam tiêu diệt hơn 100 lính Mỹ cùng 40 máy bay các loại bị phá hủy; trận Mũi Rú, Quảng Ngãi diệt 180 lính Mỹ... Với những chiến công đó, anh được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương chiến công giải phóng hạng 3 vào ngày 20-9-1966 cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen khác.

Để lập được những chiến công như vậy, liệt sĩ Lê Trí Trực đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu, tự học tập để vươn lên cả về chính trị tư tưởng, kỹ chiến thuật và tinh thần lạc quan. Trong bài thơ "Làm theo lời Bác", anh Trực viết: "Chúng con đây, nắm trong tay súng Đảng; Đầu ngẩng cao, chân bước tới tương lai; Chẳng sợ gian nan, chẳng sợ đường dài; Bác Hồ ơi! Con hành quân ra trận..." Hoặc trong hồi ký có tựa đề "nửa đêm" viết vào ngày 10-6-1966 có đoạn: "Vùng giáp ranh, ranh giới tuy không rõ rệt nhưng rất rộng. Ai muốn đi cũng được nhưng đừng để cho nhau biết. Tất nhiên sẽ xảy ra cuộc xung đột mãnh liệt nhưng người làm chủ vẫn là chúng tôi. Vì chúng tôi là người Việt Nam. Đất nước Việt Nam của chúng ta và Tổ quốc của chúng ta nên ta phải chiến đấu đêm nay và nhiều đêm nữa..." Trong tất cả các bài thơ, đoạn hồi ký của anh Trực, đâu đó có hình ảnh thiêng liêng của Đảng, của Bác Hồ, đất nước và một niềm tin tất yếu vào ngày chiến thắng.

Để có được sự lạc quan, có niềm tin chiến thắng, anh Trực đã trải qua những dằn vặt, tự đấu tranh với căn bệnh chủ quan để tránh đi những hiểm nguy đang rình rập và xây dựng tình quân dân thắm thiết. Nhật ký ngày 12-4-1967, có đoạn: "Cuộc sống trong chiến tranh biết đâu mà nói trước. Nghĩ tới cái chết nhưng cuối cùng chẳng chết. Tránh cái chết nhưng rồi cũng phải chết. Đừng hẹp hòi, nhất là đối với đồng chí. Hãy tha thứ tất cả những khuyết điểm của đồng đội"; hoặc nhật ký ngày 17-4-1967, anh viết: "Sáng nay lúa đã chín, mình đi gặt cùng với Bác Yên... 8 năm nay mới bắt tay vào lao động mà sao làm cũng giỏi. Phải làm cho tốt vì đơn vị đang tin tưởng vào mình".

Có thể nói, những ghi chép trong nhật ký Lê Trí Trực nóng hổi không khí chiến trường và sục sôi nhiệt huyết cống hiến của tuổi trẻ. Anh viết cả về tình yêu, về tình cảm chân thành mà nồng hậu của nhân dân khu 5 đối với chiến sĩ quân Giải phóng từ miền Bắc vào chiến đấu ở đây, sâu đậm và cảm động như thế nào. Không ít lần anh thể hiện tình cảm nhớ thương quê hương anh ở miền Bắc và niềm mong mỏi cháy bỏng được trở về quê hương yêu dấu. Anh ghi chép cả hình ảnh đi xuống đồng bằng công tác, nhìn thấy một thi thể chiến sĩ đã hy sinh, nằm đó đã hơn 1 tháng mà chưa thấy có ai chôn cất, những tình cảm quý báu của đồng đội dành cho nhau giữa mưa bom, bão đạn... Ngoài ra, anh tự phê bình, phê bình thường xuyên, nghiêm khắc cũng không quên tự nhắc mình được chủ quan, khinh địch để tự rút ra những bài học kinh nghiệm giúp bản thân cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Bác Hồ giao phó.

Tiếc rằng, anh không được nhìn ngày đất nước ca khúc khải hoàn. Và, 45 năm ngày hòa bình lập lại dù đồng đội và người thân cố gắng tìm kiếm song vẫn chưa tìm được hài cốt. Chị Lê Thị Huỳnh - em gái anhTrực (trú Thanh Trì, Hà Nội), tâm sự: Mong mỏi lớn nhất của gia đình là được các đồng chí, đồng đội của anh và người dân địa phương giúp đỡ để gia đình đưa anh trở về trong vòng tay của đất mẹ.

M.T

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_225093_khi-tiet-ban-linh-nguoi-chien-si-cach-mang-qua-nhung-trang-nhat-ky.aspx