Khi tội ác mang gương mặt trẻ thơ

Bất cứ ai chẳng may vướng vào một vụ án đều lưu lại những kỷ niệm buồn. Người bị hại buồn vì số phận của mình, thân nhân thủ phạm buồn vì hậu quả của người thân để lại, thậm chí cả những điều tra viên thụ lý vụ án cũng buồn vì nhân tình thế thái. Vụ án dưới đây là lời cảnh tỉnh cho các bậc sinh thành khi chính con cái họ đã gây tội lỗi...

Thực nghiệm hiện trường vụ cướp tài sản tại khu vực vườn ổi

Thực nghiệm hiện trường vụ cướp tài sản tại khu vực vườn ổi

Một câu chuyện buồn

Nhìn bề ngoài thì ông N.V.Đ cũng giống như bao người khác. Sinh năm 1960, vóc dáng cao lớn, nhưng ẩn sâu bên trong con người ông lại là những câu chuyện… tế nhị. Ông Đ cũng có gia đình riêng, có vợ, có con, nhưng rồi một ngày, ông chợt nhận ra mình là người đồng tính. Ông thích được thỏa mãn bên cạnh những người cùng giới hơn là người vợ má ấp vai kề. Vì thế ông tìm đến khu vườn ổi đối diện Bến xe Mỹ Đình ngày càng thường xuyên hơn sau mỗi ngày lao động vất vả.

Một nỗi buồn khác của ông là không biết chữ nên chọn làm nghề “xe ôm” để mưu sinh. Rồi vợ ông cũng phát hiện ra sự khác lạ trong con người của chồng mình và không chấp nhận điều đó. Nhưng vì muốn giữ thể diện cho cả gia đình nên bà chấp nhận cho ông sống cùng nhà để che mắt thiên hạ. Do cả hai không có ràng buộc về kinh tế nên đây là lý do ông luôn kè kè trong người số tiền hơn 10 triệu đồng tích cóp được.

Tại phòng làm việc của Đội Cảnh sát hình sự CAQ Nam Từ Liêm (Hà Nội), ông Đ ngồi lặng lẽ trong chiếc áo đồng phục của một hãng taxi công nghệ đã bạc phếch theo thời gian. Có lẽ đó là chiếc áo ông mua ở đâu đó dọc đường chứ ông đâu biết chữ mà tỏ tường cách dùng ứng dụng trên điện thoại.

Ông khó nhọc nói về hoàn cảnh của gia đình. Bởi không biết chữ nên CAQ Nam Từ Liêm đã trưng dụng một người quen mà ông tin tưởng đến để đọc những lời khai của ông tại cơ quan điều tra, giúp nhận dạng đối tượng. Trong vụ án cướp tài sản mà ông là nạn nhân, sau khi khởi tố những đứa trẻ là thủ phạm, Cơ quan CSĐT CAQ Nam Từ Liêm cũng buộc phải khởi tố tội danh mua dâm người chưa thành niên đối với ông Đ.

Lấy lời khai Nguyễn Văn Tân

Nỗi đau người mẹ

Như tin ANTĐ đã đưa, ngày 21-2, ông N.V.Đ trú tại đường Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã đến CAP Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm trình báo về việc vừa bị một nhóm thanh thiếu niên gạ kích dục trong khu vườn ổi đối diện Bến xe Mỹ Đình. Trong khi đôi bên đang hành sự thì bất ngờ từ phía sau có người lấy áo trùm lên người ông Đ, sau đó là một trận đòn hội đồng và ông bị cướp sạch tài sản gồm tiền, điện thoại, cùng chiếc xe máy.

Mỗi đứa trẻ choai một hoàn cảnh, nhưng điểm chung là không có sự giáo dục từ người cha, người mẹ. Lớn lên ở những miền quê xa, nhà nghèo nhưng những thanh thiếu niên hư này không có ý chí học tập và lao động. Có trường hợp không còn đủ đầy cả bố lẫn mẹ, có trường hợp ở với ông bà già yếu và việc dạy dỗ được phó thác cho nhà trường. Không có sự phối hợp với gia đình, nhà trường cũng rất khó khăn trong giáo dục những đứa trẻ ngỗ ngược và chúng bị đẩy ra ngoài xã hội một cách nhanh chóng. Rèn theo cái tốt thì lâu chứ bập vào cái xấu thì nhanh lắm.

Sau khi xác minh sự việc, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, ngày 29-2, Cơ quan CSĐT CAQ Nam Từ Liêm đã xác định được nhóm đối tượng gây án gồm: Đỗ Hoàng Anh (SN 2000, trú tại phường Thống Nhất, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai); Phạm Văn Duy (SN 2000, trú tại xã Gia Phú, Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai); Nguyễn Văn Tân (SN 2005, trú tại xã Cao Thắng, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình); Hoàng Công Tấn (SN 2004, trú tại xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định); Hà Văn Quyến (SN 2004, trú tại xã Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ); Phan Văn Hùng (SN 2005, trú tại xã Cao Thắng, Lương Sơn, Hòa Bình).

Quá trình điều tra ban đầu xác định, đây là các đối tượng lang thang không có chỗ ở, không nghề nghiệp. Để có tiền tiêu xài và nướng vào quán game, cả nhóm cùng rủ nhau đi mồi chài “kích dục” cho những người đồng tính nam tại khu vực vườn ổi trên đường Phạm Hùng (đối diện bến xe Mỹ Đình). Thời gian “làm việc” của nhóm từ 20h hàng ngày đến rạng sáng hôm sau. Tối 20-2, khi hết tiền, chúng bàn nhau đi cướp tài sản của chính các “khách hàng” và ông Đ đã trở thành “con mồi”.

4/6 đứa trẻ trong nhóm đều mới chỉ 15-16 tuổi. Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, học hành dở dang, chúng bỏ nhà lang thang như những con thú hoang. Nơi cư ngụ của chúng là những quán game, nhiều đứa hàng tuần lễ không tắm và tất cả đều bị ghẻ. Nặng nhất là Đỗ Hoàng Anh, cậu ta bị một mụn nhọt ở tay, nhưng do ở bẩn, không được vệ sinh thường xuyên nên mụn nhiễm trùng vào gần đến xương. Khi bắt giữ được Hoàng Anh, các trinh sát buộc phải đưa cậu ta vào Bệnh viện 198 để điều trị vết thương ấy.

Chiều 1-3, nghĩa là sau 24 giờ bị đưa về trụ sở cơ quan công an, trong số người bảo hộ của những đứa trẻ này, chúng tôi chỉ gặp duy nhất mẹ của Nguyễn Văn Tân. Chị cố gượng cười nhưng tôi vẫn nhận ra nơi đáy mắt của chị lấp lánh những giọt nước. Chồng mất từ khi Tân còn nhỏ, chị đưa 2 con về bà ngoại rồi xin đi làm công nhân cách nhà đến 40km. “Thằng anh học hành chẳng ra gì, nhưng ít nhất năm nay cũng được thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Còn Tân, khi nó đi học, ngày nào tôi cũng nhận được điện thoại của cô giáo thông báo hết chứng nọ đến tật kia. Tôi buồn nên dọa cháu: đi học mà cứ bị mắc lỗi để cô giáo thông báo cho mẹ thì tốt nhất nên ở nhà. Ai dè nó bỏ học thật. Đầu tiên nghỉ ít, sau nghỉ nhiều, rồi đến lớp 6 thì nghỉ hẳn” - mẹ của Tân chia sẻ.

Thế rồi Tân bập nhanh với nhóm bạn xấu, đi lang thanh cùng người anh họ. Do không có điện thoại, mỗi lần gia đình muốn liên lạc với Tân đều qua người anh họ, nhưng Tân cũng chẳng thích nghe lời mẹ mà chỉ thích làm theo ý mình. Trong câu chuyện mà mẹ của Nguyễn Văn Tân chia sẻ với tôi, tất cả toát lên là sự thất vọng vì đã không dạy được con. Mải mưu sinh cuộc sống để rồi khi quay lại, đứa con trai mà mình mang nặng đẻ đau đã đi xa khỏi tầm tay…

Xoa thuốc trị ghẻ cho nhau tại cơ quan công an

Trách nhiệm từ gia đình

Dù luôn phải đấu tranh với những kẻ vi phạm pháp luật, nhưng khi đối diện với những chú nhóc ngỗ ngược này, hầu hết cán bộ chiến sỹ Đội Cảnh sát hình sự CAQ Nam Từ Liêm đều nén tiếng thở dài. “Buồn lắm nhà báo ạ, cả lũ cứ nhếch nhác, bẩn thỉu còn hơn cả ăn mày. Chúng hôi hám đến mức, nếu ai quen ăn ở sạch sẽ mà đứng gần có khi phải bịt mũi vì… buồn nôn. Khi đưa chúng về cơ quan công an, việc đầu tiên chúng tôi làm không phải là lấy lời khai mà là đưa tất cả đi “tổng vệ sinh”, mua cho mỗi đứa một bộ quần áo mới và thuốc… trị ghẻ” - Thiếu tá Bùi Kiến Quốc Dũng, Đội phó Đội Cảnh sát hình sự nhớ lại.

Khi lấy được chiếc xe máy của ông Đ, Phạm Văn Duy mở cốp xe và phát hiện có 2 chiếc ví. Một chiếc ví bên trong có hơn 10 triệu đồng và chiếc ví còn lại chỉ có vài trăm lẻ. Duy giấu vội số tiền hơn 10 triệu vào túi, vứt chiếc ví xuống đường, còn chiếc ví ít tiền thì trả lại vào cốp xe. Khi tập hợp tại nhà nghỉ, Duy báo cả nhóm là trong cốp xe của ông Đ chỉ có một chiếc ví, mở ra bên trong có 219.000 đồng. Khi đi bán xe cũng vậy, dù bán được 5,5 triệu đồng, nhưng Duy lại thông báo cho các “chiến hữu” chỉ bán được 4,9 triệu, bỏ túi tiêu riêng số tiền 11 triệu đồng.

“Mỗi đứa trẻ choai một hoàn cảnh, nhưng điểm chung là không có sự giáo dục từ người cha, người mẹ. Lớn lên ở những miền quê xa, nhà nghèo nhưng những thanh thiếu niên hư này không có ý chí học tập và lao động. Có đứa không còn đủ đầy cả bố lẫn mẹ, có đứa ở với ông bà già yếu và việc dạy dỗ được phó thác cho nhà trường. Không có sự phối hợp với gia đình, nhà trường cũng rất khó khăn trong giáo dục những đứa trẻ ngỗ ngược và chúng bị đẩy ra ngoài xã hội một cách nhanh chóng. Rèn theo cái tốt thì lâu chứ bập vào cái xấu thì nhanh lắm. Do đó, trách nhiệm của gia đình trong việc quản lý con cái là hết sức quan trọng. Để tội phạm không bị trẻ hóa, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về gia đình, sau đó mới đến nhà trường và xã hội” - chỉ huy CAQ Nam Từ Liêm nhìn nhận.

Yên Hưng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/phap-luat/khi-toi-ac-mang-guong-mat-tre-tho/845578.antd