'Khi tôi vừa chuyển tiền mua thuốc, họ chặn số của tôi'

Đó là tình cảnh của thân nhân bệnh nhân Covid-19 ở Ấn Độ khi tìm cách xoay xở mua thuốc cho người nhà giữa lúc bệnh viện không còn chỗ và nguồn thuốc men, oxy y tế cạn kiệt.

Trong khi các bệnh viện ở Delhi và nhiều thành phố khác đã hết giường, nhiều gia đình buộc phải tìm cách tự điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại nhà.

Trong nỗi tuyệt vọng tột cùng, nhiều người ở Ấn Độ đã phải tìm đến thị trường chợ đen, nơi giá các loại thuốc thiết yếu, bình oxy tăng sốc và các loại thuốc đáng ngờ xuất hiện nhan nhản.

Giá cắt cổ

Anshu Priya dành gần như cả ngày cuối tuần qua để săn lùng bình oxy sau khi không tìm thấy bất kỳ giường bệnh trống nào ở New Delhi hay tại khu ngoại ô Noida cho bố chồng.

Vô vọng, cô đành tìm đến thị trường chợ đen. Anshu đã phải trả 670 USD cho một chiếc bình oxy mà thường ngày chỉ đáng giá 80 USD. Trong khi đó, mẹ chồng cô cũng đang phải vật lộn với Covid-19, nhưng Anshu không thể tìm mua ở đâu thêm một chiếc bình oxy nữa.

Theo BBC, khi các phóng viên của đài này liên lạc với một số nhà cung cấp bình oxy ngày 26/4, hầu hết đều đưa ra giá cao hơn bình thường ít nhất 10 lần.

 Nhiều bệnh viện từ chối tiếp nhận bệnh nhân do hết oxy. Ảnh: BBC

Nhiều bệnh viện từ chối tiếp nhận bệnh nhân do hết oxy. Ảnh: BBC

Những gì gia đình Priya đang trải qua là tình cảnh chung của hàng triệu người dân Ấn Độ vào lúc này. Bệnh viện tại nhiều nơi trên khắp đất nước đều đã hết sạch giường bệnh, buộc người dân phải tìm cách điều trị tại nhà cho người thân.

Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở Delhi, nơi không còn giường chăm sóc đặc biệt (ICU). Gia đình của những người có đủ khả năng tài chính đang thuê y tá và tham vấn bác sĩ từ xa để níu giữ hơi thở của người thân.

Nhưng thách thức họ phải đối mặt vẫn là rất lớn, từ việc xét nghiệm máu đến chụp CT hoặc X-Quang. Lý do là các phòng xét nghiệm đang quá tải và phải mất đến ba ngày mới có kết quả, gây khó khăn cho bác sĩ khi đánh giá mức độ tiến triển của bệnh.

Số lượng ca bệnh mới của Ấn Độ đạt kỷ lục liên tiếp trong những ngày qua. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy số ca nhiễm sẽ giảm trong tương lai gần.

Ngày 29/4, nước này ghi nhận 379.257 ca mắc Covid-19 mới và 3.645 người tử vong vì đại dịch, đánh dấu ngày tồi tệ nhất từ trước tới nay vì đại dịch ở Ấn Độ. Tới nay, số ca mắc Covid-19 tại nước này lên tới 18,38 triệu, trong đó có 204.832 trường hợp tử vong, theo Bộ Y tế Ấn Độ.

Tuyệt vọng

Một bác sĩ tại Delhi nói rằng các bệnh viện của thành phố đang chìm vào tuyệt vọng và nhiều nơi phải đưa ra cảnh báo mỗi ngày rằng họ chỉ còn đủ oxy dùng trong vài giờ. Ông lo ngại rằng một thảm kịch lớn có thể xảy ra.

Trong tình thế ấy, Tiwari, trong một nỗ lực níu lấy hơi thở của anh trai mình, được bác sĩ kê đơn mua thuốc chống virus Remdesivir. Tiwari không thể tìm thấy loại thuốc này ở bất kỳ hiệu thuốc nào và cuối cùng đành phải tìm đến chợ đen.

"Cuộc chiến tuyệt vọng nhằm cứu các bệnh nhân Covid-19 đã chuyển từ bệnh viện về nhà riêng", Tiwari nói.

Thuốc Remdesivir đang khan hiếm đến nỗi gia đình các bệnh nhân điều trị tại nhà đổ xô đi mua chúng. Họ muốn dự trữ thuốc trong trường hợp bệnh nhân phải nhập viện và có thể cần thuốc.

Mặc dù chính phủ đã cấp phép cho 7 công ty sản xuất Remdesvir và yêu cầu đẩy mạnh năng suất nhưng theo nhà dịch tễ học Lalit Kant, quyết định được đưa ra quá muộn và tất cả đã không chuẩn bị trước cho đợt sóng Covid-19 thứ hai.

"Chúng ta đã không học được gì từ đợt sóng đầu tiên", vị chuyên gia nói.

Một phụ nữ ngất đi sau khi nghe tin chồng qua đời vì Covid-19 ở New Delhi ngày 15/4. Ảnh: Reuters.

Một loại thuốc khác đang có nhu cầu rất lớn là Tocilizumab. Loại thuốc này thường được dùng để điều trị viêm khớp nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nó có thể giúp hạn chế việc thở máy ở những bệnh nhân nặng.

Tuy vậy, Tocilizumab đang dần biến mất trên thị trường khi công ty nhập khẩu và bán loại thuốc này đang phải chật vật để cung ứng kịp thời.

Thường ngày một lọ Tocilizumab 400 mg chỉ có giá khoảng 433 USD nhưng Kamal Kumar đã phải trả gần 3.340 USD để mua một liều cho cha mình. Cái giá phải trả làm Kamal choáng váng, nhưng anh không còn lựa chọn nào khác.

Chuyên gia y tế công cộng Anant Bhan nói rằng giới chức trách lẽ ra đã phải mua loại thuốc này với số lượng lớn vì không nhiều người đủ tiền để mua nó ở thị trường chợ đen.

“Giới chức trách đã không thể lường trước được dịch bệnh và lên phương án ứng phó. Người dân chỉ còn biết phó mặc cho số phận", ông nói.

Thuốc Remdesivir giả cũng đang xuất hiện rầm rộ trên thị trường chợ đen. Một tay buôn đã khẳng định với BBC rằng thuốc của ông là “hàng thật 100%” mặc dù công ty sản xuất không nằm trong danh sách được cấp phép và vỏ hộp thuốc xuất hiện đầy lỗi chính tả.

Nhưng người dân Ấn Độ tuyệt vọng đến nỗi họ sẵn lòng mua cả những thứ thuốc đáng ngờ. Không ít người đã bị lừa.

Một kĩ sư công nghệ thông tin giấu tên cho hay trong lúc đang vô vọng lùng sục nơi bán bình oxy và thuốc Remdesivir, anh tìm thấy một đầu mối trên mạng xã hội Twitter. Khi liên lạc với đầu bên kia, họ yêu cầu anh trả trước hơn 130 USD.

“Khi tôi vừa chuyển tiền mua thuốc, họ chặn số của tôi”, anh kể.

Chính quyền nhiều bang đã hứa sẽ xử lý thị trường chợ đen Remdesivir nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Tiwari cho biết những người như ông không có lựa chọn nào khác ngoài trả thêm tiền. “Trong khi người thân của bạn không được chữa trị ở bệnh viện, giờ đây bạn cũng không thể cứu họ ở nhà nữa rồi”, ông nói.

Cụ ông 105 tuổi 'đánh bại' Covid-19 ở Ấn Độ Cụ Dhenu Umaji Chavan (105 tuổi) và người vợ (95 tuổi) mắc Covid-19 hồi tháng 3. Cả hai ra viện vào đầu tháng này sau khi được điều trị tại bệnh viện ở bang Maharashtra.

Lê Ngọc

Theo BBC

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khi-toi-vua-chuyen-tien-mua-thuoc-ho-chan-so-cua-toi-post1208652.html