Khi Tổng thống bị luận tội…

ng kim chủ nhân Nhà Trắng lại vừa bổ sung vào danh sách những 'điểm nhấn' khó quên trong nhiệm kỳ Tổng thống vốn dĩ hết sức ấn tượng của mình bằng việc sẽ phải trải qua cuộc điều tra, luận tội được tổ chức bởi Hạ viện Mỹ.

“Không ai được đứng trên luật pháp”

“Tổng thống phải chịu trách nhiệm. Không ai được đứng trên luật pháp”, bà Nancy Pelosi - Chủ tịch Hạ viện Mỹ đã nhấn mạnh trước quyết định điều tra và luận tội đương kim Tổng thống- đang gây xôn xao dư luận và truyền thông. Trong tuyên bố được phát đi rạng sáng 25/9 (giờ VN), bà Nancy Pelosi xác nhận đã chính thức khởi động một cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump xoay quanh việc liệu ông Trump có lạm dụng quyền lực tổng thống gây áp lực buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden- đối thủ tiềm tàng của ông Trump trong cuộc chạy đua tái tranh cử tổng thống năm 2020- và con trai là Hunter Biden, hòng tạo lợi thế trong cuộc đua tái tranh cử tổng thống năm tới. Chuyện bắt đầu từ thông tin năm 2014, khi đang giữ chức Phó Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đã nỗ lực hết mình trong nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Song ở thời điểm đó, cũng xuất hiện nhiều nghi ngại khi công ty khí đốt Ukraine Burisma tuyển dụng con trai ông Biden là Hunter Biden.

“Hành động của Tổng thống Trump là sự phản bội lời tuyên thệ nhậm chức, phản bội lời thề của ông ta, phản bội an ninh quốc gia và phản bội sự liêm chính của cuộc bầu cử”, bà Nancy Pelosi nhấn mạnh thêm.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

“Cuộc săn phù thủy”

Đó là những cụm từ đầy tức giận mà Tổng thống Trump đã thốt lên trước việc phe Dân chủ thúc ép tiến trình điều tra về những liên quan giữa ông với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. “Một ngày vô cùng quan trọng và thành công tại Liên Hiệp quốc như vậy (ông Donald Trump ám chỉ về hoạt động của ông ở trụ sở Liên Hợp quốc ở New York nhân Hội nghị thượng đỉnh khí hậu- PV) - đã bị Đảng Dân chủ hủy hoại bằng những thứ tin tức và cuộc săn phù thủy rác rưởi. Thật tệ cho nước Mỹ” - Tổng thống Trump viết trên trang Twitter cá nhân.

Về phần mình, ông Donald Trump xác nhận đã trì hoãn một gói viện trợ 400 triệu USD cho Ukraine trước cuộc điện đàm, song phủ nhận làm điều này để gây áp lực buộc Ukraine điều tra cha con ông Biden. Ông Trump cũng tuyến bố sẽ công bố các đoạn băng ghi âm ghi lại “đầy đủ, hoàn toàn không bí mật và không biên tập” cuộc gọi của ông với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và rằng cuộc gọi “hoàn toàn phù hợp” và cũng không hề có bất kỳ trao đổi nào liên quan tới viện trợ của Mỹ để đổi lấy một cuộc điều tra.

Trước đó, ông Biden kêu gọi Tổng thống Trump cần tuân thủ đầy đủ yêu cầu của cuộc điều tra do Quốc hội tiến hành: “Nếu Tổng thống Trump tiếp tục coi thường pháp luật, ông ta sẽ rời khỏi Quốc hội. Theo quan điểm của tôi, sẽ không có lựa chọn ngoài việc tiến hành luận tội” - ông Biden nhấn mạnh.

Tổng thống Donald Trump.

Sự ngạc nhiên mang tên Pelosi và những quan điểm trái chiều

Trong cuộc điều tra và luận tội gây xôn xao lần này, có một điều khiến dư luận và báo giới khác ngỡ ngàng lại đến chính từ bà đương kim Chủ tịch Hạ viện. Giới báo chí Mỹ hẳn chưa quên chỉ cách đây chưa lâu chính bà Pelosi chứ không phải ai khác là người phản đối khá gay gắt việc luận tội tổng thống đương nhiệm, rằng, việc luận tội sẽ gây ra sự bất đồng lớn trong nước, trừ phi phải có một lý do thuyết phục, mạnh mẽ và đến từ lưỡng đảng.

Đây cũng chính là nguồn cơn tạo nên những quan điểm trái chiều xung quanh việc luận tội này. Theo thống kê của Đài CNN, hiện đã có hơn 160 nghị sĩ tại Hạ viện Mỹ ủng hộ luận tội ông Trump. “Donald Trump đã lạm dụng quyền lực, cản trở công lý và vi phạm lời thề của ông ta khi tuyên thệ nhậm chức. Ông ta đang đặt lợi ích chính trị cá nhân lên trên lợi ích quốc gia. Tôi đồng ý với bà Nancy Pelosi là không ai có quyền đứng trên luật pháp”, bà Kamala Harris, ứng cử viên đang chạy đua trở thành ứng viên tổng thống chính thức của Đảng Dân chủ, nhấn mạnh trên Twitter cá nhân. Trong khi đó, lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện, nghị sĩ đảng Cộng hòa Kevin McCarthy nói rằng chủ tịch Hạ viện đã “đơn phương quyết định”.

Tiến trình luận tội có thể xem là một đặc quyền của Hạ viện Mỹ - cơ quan lập pháp đang nằm dưới sự kiểm soát của phe Dân chủ. Những người bị luận tội có thể là bất kỳ ai trong chính quyền dân sự, bao gồm cả tổng thống.

Ông Donald Trump là Tổng thống thứ 4 của Mỹ chịu luận tội. Tổng thống Bill Clinton (1998) và Andrew Johnson (1868) từng bị luận tội tại Hạ viện nhưng sau đó được tha bổng tại Thượng viện và tiếp tục tại vị. Tổng thống Richard Nixon năm 1974 cũng bị luận tội bởi liên quan tới vụ bê bối Watergate tuy nhiên Tổng thống Nixon đã từ chức trước khi Hạ viện bỏ phiếu về vấn đề này.

Hà Trang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khi-tong-thong-bi-luan-toi-post68464.html