Khi Tổng thống Mỹ Trump 'đường ta, ta cứ đi và mặc kệ thế giới'

Rồi cũng sẽ đến ngày có người kế nhiệm ông Trump suy nghĩ khác cho mình và suy tính khác cho nước Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Từ khi ra đời đến nay, LHQ đóng trụ sở tại thành phố New York (Mỹ) và tổng thống Mỹ được LHQ ưu tiên dành cho quyền phát biểu đầu tiên tại phiên khai mạc khóa họp ĐHĐ LHQ thường niên hàng năm. Dịp ấy, tổng thống Mỹ đến New York không phải đến thăm thành phố này mà đến với LHQ, phát biểu trước đại diện cấp cao của tất cả các thành viên LHQ về thế giới và nước Mỹ với thế giới.

Chính vì thế mà những phát biểu của tổng thống Mỹ ở khuôn khổ diễn đàn LHQ này thường luôn được rất để ý chờ đợi và theo dõi. Đối với tổng thống đương nhiệm Donald Trump của nước Mỹ thì năm ngoái đúng là như thế nhưng năm nay lại không còn là như thế nữa. Năm ngoái, LHQ chứng kiến ông Trump tại diễn đàn LHQ nói với nước Mỹ chứ không phải nói về nước Mỹ và nói về LHQ chứ không phải nói với LHQ, thấy ông Trump diễn giải về chủ thuyết "Nước Mỹ trước hết" áp dụng cho chính sách đối ngoại và an ninh của Mỹ cũng như trong quan hệ của Mỹ với thế giới bên ngoài. Với ngôn từ to tát, tông điệu quyết liệt và phong cách bất chấp mọi thông lệ ngoại giao vốn đã trở thành truyền thống và đặc thù đối với LHQ, ông Trump năm ngoái đã cho thấy quan điểm thái độ không coi trọng LHQ và nước Mỹ không cần LHQ. Sau bị bất ngờ và ngỡ ngàng năm ngoái, LHQ năm nay không bị như thế nữa khi ông Trump không khác trước trên phương diện coi thường và bất chấp LHQ cũng như đề cao khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết". Ở cả hai khía cạnh này, LHQ tỏ ra đã quá hiểu ông Trump.

Ở LHQ năm nay, ông Trump đúng là có dịu giọng hơn so với năm ngoái, nhưng cách tiếp cận vẫn không khác trước khi dường như chỉ quan tâm đến những gì muốn nói chứ không cần để ý đến phản ứng của các nước thành viên LHQ. Ông Trump biến những hoạt động của mình ở diễn đàn LHQ và nhân dịp tham dự khóa họp ĐHĐ năm nay của LHQ thành hoạt động tranh cử lớn hướng tới cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới.

Không phải như thế sao khi ông Trump hết lời ngợi ca thành tựu cầm quyền đến nay của mình, xác định thêm nội hàm cho khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết" là "Học thuyết ái quốc" và "chống ý thức hệ tòa cầu hóa", biện luận cho những quyết sách về đối ngoại và an ninh đã và đang thực thi như rút nước Mỹ ra khỏi thỏa thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran và thành lập cái gọi là "Nato Ả rập" chống Iran, như kích hoạt cuộc xung khắc thương mại với các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ, như giảm đóng góp tài chính cho LHQ..... .? Iran, Trung Quốc hay Venezuela, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (Opec) đều bị ông Trump tập trung công kích quyết liệt. Chẳng phải qua đó ông Trump muốn gây dựng nên hình ảnh về nhà lãnh đạo nước Mỹ đầy bản lĩnh, kiên định thực hiện cam kết tranh cử và vì "Nước Mỹ trên hết" hay sao ?

Cứ theo những gì đã được ông Trump thể hiện ở bài phát biểu trước ĐHĐ LHQ, khi điều hành phiên họp của HĐBA LHQ và trong 81 phút trả lời phỏng vấn báo chí - là lần thứ 4 trong gần 2 năm cầm quyền ở Mỹ của ông Trump - thì sẽ không thể không thấy là người này hành xử theo phương châm "Đường ta, ta cứ đi và mặc kệ thế giới". Cứ theo đó thì có thể dự đoán được rằng nước Mỹ dưới thời ông Trump trị vì sẽ còn hướng nội nhiều hơn nữa và sẽ còn tăng biệt lập với thế giới bên ngoài hơn nữa. Ông Trump sẽ còn găng với Trung Quốc và Iran hơn nữa trong khi sẽ tiếp tục nhẹ nhàng và thân thiện với Triều Tiên. Ở đây có sự khác biệt rất rõ trong cách ông Trump xử lý quan hệ của Mỹ với Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên. Ông Trump sẽ còn gia tăng áp lực hơn nữa với WTO, LHQ và các tổ chức, thể chế đa phương quốc tế khác nữa.

Qua lần xuất hiện này của ông Trump ở LHQ, trừ những thành viên bị ông Trump trực tiếp công kích theo kiểu "tính sổ" ra, các nước khác từ nay chỉ cần vừa có cách xử lý quan hệ với Mỹ sao cho thích hợp vừa cùng nhau lo chuyện chung của cả thế giới, vừa tránh để bị phía Mỹ lôi kéo vào xung khắc song phương nhưng cũng vừa không ảo tưởng vào sự tham gia một cách xây dựng của Mỹ trong việc giải quyết mọi vấn đề thời sự cấp thiết của thế giới, hay nói theo cách khác là phải cùng nhau làm cho tương lai chung của thế giới bớt lệ thuộc vào mức độ tham gia của Mỹ. Rồi cũng sẽ đến ngày có người kế nhiệm ông Trump suy nghĩ khác cho mình và suy tính khác cho nước Mỹ.

Lư Phổ Ân

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/khi-tong-thong-my-trump-duong-ta-ta-cu-di-va-mac-ke-the-gioi-917369.html