Khi 'trái tim' không sống thầm lặng

Sáu tháng sau cái gật đầu hiến toàn bộ tạng của người chồng mới 30 tuổi không may qua đời, chị Nguyễn Thị Thu Hằng (Hùng Dũng, Hưng Hà, Thái Bình) mới có cơ hội gặp lại người đang giữ quả tim của chồng mình – anh Trần Tuấn (Thừa – Thiên Huế). Hằng bảo 'em rất mừng vì chú Tuấn đang nuôi dưỡng trái tim chồng em khỏe mạnh'.

Chị Nguyễn Thị Thu Hằng gặp lại người nhận trái tim chồng mình - anh Trần Tuấn.

Ngày 16-5-2018, Việt Nam thực hiện thành công ca ghép tim xuyên Việt thứ sáu, mang trái tim từ Hà Nội vào Huế, vượt qua chặng đường dài 700km đầy thử thách. Bệnh nhân Trần Tuấn bị suy tim giai đoạn cuối vì bệnh cơ tim giãn đã may mắn được sống thêm một lần nữa bằng quả tim của người cho chết não hiến tặng - anh Nguyễn Ngọc Khiêm mới chỉ 30 tuổi, đột ngột qua đời để lại người vợ và hai con thơ.

Cuộc ghép tim xuyên Việt này ghi dấu ấn vào lịch sử ghép tạng Việt Nam vì họ phải trải qua hành trình chuyển tạng rất nhiều thách thức. Nhưng, những con người trong lịch sử cho – nhận ấy, chưa một lần có cơ hội được hội ngộ.

Ngày 29-11, tại Hà Nội, một người con Thái Bình và một người con của Thừa – Thiên Huế đã có cơ hội được gặp nhau trong chương trình truyền hình trực tiếp “Cho đi là còn mãi” nhân kịp kỷ niệm năm thứ 5 của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia. Kìm những giọt nước mắt, đôi vai nhỏ nhắn của Hằng run lên từng hồi khi được gặp “chú Tuấn” bằng xương, bằng thịt ngoài đời. Sáu tháng sau khi cho đi trái tim của chồng mình, chị mong lắm ngày được gặp lại người nhận tim. Họ ôm siết nhau, mừng tủi như người thân gặp lại sau bao năm xa cách.

Lén lau nước mắt, Hằng kể, ngày 16-5-2018, chồng chị rơi vào tình trạng chết não và được các bác sĩ thuyết phục về việc hiến tạng của chồng mình, cứu sống những người khác. Trong cơn cùng cực của đau đớn khi đang ở độ tuổi mới 27, Hằng chỉ nghĩ, các bộ phận của chồng mình vẫn còn sống thì để nó sống tiếp, nếu bỏ đi chôn, hỏa táng phí hoài nên quyết định hiến tạng. Không chần chừ, Hằng gật đầu, nhưng vẫn gọi điện cho mẹ chồng với tâm ý “Mẹ chồng sinh ra chồng em, để mọi sự quyết định cho mẹ”. Hai mẹ con có một cuộc điện thoại không dài, nhưng đủ sự đau đớn và quyết đoán. Họ đồng thuận hiến tạng người chồng, người con mình.

Anh Trần Tuấn được hồi sinh khi nhận trái tim của anh Nguyễn Ngọc Khiêm - chồng chị Hằng.

Người mẹ trẻ những ngày tháng sau đó gồng gánh nhiều nỗi đau. Nỗi đau mất chồng khi còn quá trẻ, con còn thơ dại khi đứa lớn lên 4 và đứa bé mới chỉ 2 tuổi. Hai gia đình vốn sống riêng rẽ, giờ gộp lại để cùng chăm bẵm nhau. Một mình Hằng đi làm công nhân nuôi cả gia đình 5 miệng ăn. “Dù nghèo, nhưng có nhau, và cứ tới đâu hay tới đấy”, Hằng nghĩ vậy. Có lẽ, vì sự yêu thương nhau như thế, mà Hằng và gia đình vượt qua được thị phi thiên hạ rằng cô đang bán nội tạng chồng. “Ai nỡ lòng nào bán nội tạng của chồng, mẹ nào bán nội tạng của con để sinh sống. Mẹ con em cứ động viên nhau sống mà bỏ qua lời nói đó”, Hằng nghẹn ngào.

Sáu tháng qua, có không ít lần gia đình suy nghĩ đến cơ hội được gặp lại người nhận tạng của chồng, của con mình. Nhưng mẹ chồng Hằng tâm niệm “Nếu người ta có tâm sẽ đến thăm hỏi gia đình mình. Không sớm thì muộn. Chồng con chết đi, hiến tạng là để lại đức cho hai đứa nhỏ nhà con”. Họ đã gồng gánh nhau vượt qua nỗi mất mát với một tâm lý vững vàng như thế, và đã lâu rồi không khóc… cho đến ngày hôm nay.

Gặp được chú Trần Tuấn, người nhận trái tim của chồng mình, Hằng bảo, hai chú cháu đã hẹn ngày gặp nhau tại quê nhà, thắp nén hương cho chồng Hằng. “Nếu chú có nhã ý, hai gia đình đi lại cho tình cảm. Chúng em cũng muốn coi chú Tuấn như người cha, người chú vì chú ấy giúp gia đình em giữ và nuôi dưỡng trái tim của chồng em”, Hằng nhòe đôi mắt nói.

Ở góc khác, bệnh nhân Trần Tuấn cũng đang đứng trong vòng vây của cánh phóng viên báo chí. Chưa hết xúc động vì đã tìm được gia đình người hiến trái tim cho mình, anh Trần Tuấn bảo, sáu tháng qua, anh tìm gia đình người hiến mải miết. Anh đăng tải cả thông tin lên trên facebook cá nhân nhưng không có một lời hồi âm. “Tôi cảm động chảy nước mắt, gặp được vợ người cho tim mà chưa có thời gian để chia sẻ gì với nhau. Ôm nhau mừng tủi vậy, xin địa chỉ gia đình rồi sau chuyến đi này về, tôi sẽ cùng gia đình ra Thái Bình, thắp nén hương cháu Khiêm – chồng cháu Hằng, chia sẻ khó khăn với gia đình cháu Hằng. Tôi rất muốn là người con của gia đình đó”, anh Tuấn nói.

Hai con người trong lịch sử cho – nhận ấy mới chỉ hỏi thăm nhau vài câu. Hằng thêm phần yên tâm vì trái tim của chồng mình vẫn đập khỏe mạnh trong cơ thể chú Tuấn. Và chú Tuấn đã tìm được gia đình người hiến tim, để chờ đợi sức khỏe tốt hơn. Họ hẹn nhau sẽ gặp lại tại quê nhà của Hằng, để cả hai có thêm một gia đình mới, một người mẹ mới, một người em mới, một người bác mới trong gia đình. Họ sẽ không còn phải "thầm lặng" tìm nhau như ngày trước.

Nhân dịp kỷ niệm năm năm thành lập Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, sáng 29-11 diễn ra buổi truyền hình trực tiếp “Cho đi là còn mãi” trên kênh VTV2 do Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tự hào nói từ công tác truyền thông được đẩy mạnh, đến nay, nhiều gia đình đã hiến tặng mô/tạng của người thân qua đời hoặc rơi vào tình trạng chết não. Hàng loạt trường hợp như Thiếu tá Lê Hải Ninh, bé Vân Nhi, anh Nguyễn Ngọc Khiêm hay kỹ sư Nguyễn Xuân Hải... ra đi và được gia đình trao tặng lại một phần thân thể của họ cho những bệnh nhân đang mắc bệnh hiểm nghèo.

Trung tâm đã ghi nhận có 19.300 người đăng ký hiến tặng mô/tạng sau khi chết/chết não. Trung tâm đã thực hiện bảy ca điều phối tạng xuyên Việt, trong đó có bốn ca điều phối tim, gan, thận chặng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh; hai ca điều phối tim từ Hà Nội vào Thừa – Thiên Huế; một ca điều phối tim, phổi từ TP Hồ Chí Minh ra Thừa – Thiên Huế.

GS, TS Trịnh Hồng Sơn và ThS Nguyễn Hoàng Phúc nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Tính đến 31-8-2018, đã có 3.378 ca ghép các tạng, trong đó có 3.223 ca ghép thận; 125 ca ghép gan; 26 ca ghép tim; một ca ghép khối thận – tụy; một ca ghép khối tim – phổi và hai ca ghép phổi. Năm 2018, Trung tâm đã ký hợp đồng với Tổng công ty Hàng không Việt Nam trong việc phối hợp vận chuyển tạng miễn phí và tạo điều kiện tối đa để kíp y, bác sĩ đi cùng có thể sử dụng chuyến bay đáp ứng kịp thời việc cứu chữa những người bệnh chờ ghép tạng giữa các vùng miền trong cả nước.

Tại buổi lễ, GS, TS Trịnh Hồng Sơn và ThS Nguyễn Hoàng Phúc (Phó Giám đốc Trung tâm ĐPGTQG) đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng vì những cống hiến cho sự nghiệp ghép tạng của Việt Nam. Ban Giám đốc Trung tâm cũng được Thủ tướng tặng Bằng khen.

THIÊN LAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/38408802-khi-trai-tim-khong-song-tham-lang.html