Khi trẻ sơ sinh bị ghèn vàng ở mắt, các mẹ nên làm gì?

Phần lớn trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường dễ mắc các bệnh về mắt như mắt nhiều ghèn vàng, viêm tắc tuyến lệ… Nếu mẹ không biết cách xử lý, sẽ dễ xảy ra các biến chứng nặng, thậm chí có nguy cơ làm giảm thị lực. Vì thế, khi trẻ sơ sinh bị ghèn vàng ở mắt, mẹ không nên chủ quan, cần tìm hiểu cụ thể về các phương pháp chữa trị để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Trẻ bị ghèn vàng ở mắt là một chứng nhiễm trùng thông thường, do lúc sinh ra mắt bé bị chất lỏng (máu, dịch ối…) chảy vào mắt. Hoặc có thể là do mẹ vệ sinh cho bé không kĩ, nên khiến cho tình trạng ghèn vàng ngày càng nặng hơn, rỉ ra nhiều, dính vào lông mi khiến trẻ không mở mắt được.

Trẻ sơ sinh bị ghèn vàng ở mắt mẹ nên làm gì?

Khi trẻ bị ghèn vàng ở mắt, đầu tiên mẹ nên chuẩn bị bông gòn sạch, nhúng vào bát nước sôi để ấm pha với chút muối. Sau đó, vệ sinh cho bé, lau nhẹ nhàng để làm sạch ghèn, giúp bé có thể mở mắt được. Tuy nhiên, mẹ cần tránh lau sâu vào trong mắt bé để không làm tổn thương mắt.

Khi trẻ bị ghèn vàng ở mắt mẹ cần lấy bông gòn thấm nước ấm pha chút muối loãng để vệ sinh cho bé. Ảnh internet

Trên thị trường bán rất nhiều loại thuốc nhỏ mắt có công dụng làm sạch ghèn, nhỏ mắt cho trẻ sơ sinh, mẹ tuyệt đối không nên tự ý mua và sử dụng cho bé. Vì mắt bé rất yếu, dễ bị kích ứng với các thành phần của thuốc. Nên trước khi cho trẻ dùng loại thuốc nào mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa.

Tùy theo tình trạng, có trẻ sơ sinh bị ghèn 1 bên mắt, có trẻ bị cả hai mắt. Nhưng nếu bé bị nhiễm trùng nặng với biểu hiện rỉ đùn có màu vàng như mủ và tình trạng này kéo dài 3 – 5 ngày không khỏi, thì cha mẹ cần đưa bé đi bệnh viện khám ngay. Vì rất có thể, bé bị các bệnh nặng về mắt, nếu không chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến mù lòa. Tùy vào tình trạng của từng trẻ, sau khi thăm khám bác sĩ có cách điều trị riêng, có thể dùng thuốc hoặc dùng biện pháp thông tuyến lệ.

Để tránh các bệnh về mắt cho trẻ sơ sinh, mẹ nên làm gì?

Không chỉ để tránh cho trẻ sơ sinh không bị ghèn vàng ở mắt mà còn các bệnh lý khác liên quan đến mắt, đảm bảo an toàn cho đôi mắt còn non nớt của bé thì các mẹ nên lưu ý một số điều sau đây:

Không nên dùng thuốc nhỏ mắt cho trẻ nếu không có chỉ định của bác sĩ. Ảnh internet

- Cần rửa mặt cho trẻ dưới 6 tháng tuổi bằng nước đun sôi để nguội, lau mắt bằng nước ấm với một lượng muối thật loãng. Tránh lau bằng nước lạnh.

- Khăn mặt của trẻ luôn được phơi khô ngoài nắng. Tuyệt đối không dùng khăn mặt của bé để vệ sinh các vùng cơ thể khác.

- Trước khi vệ sinh mắt cho bé mẹ cần phải vệ sinh tay của mình sạch sẽ, dùng nước rửa tay diệt khuẩn để loại bỏ bớt mầm mống lây nhiễm. Bởi vì đôi tay chính là trung gian truyền bệnh do mang theo rất nhiều vi khuẩn, sức đề kháng của bé còn rất yếu nên dễ bị lây bệnh.

Theo tổ chức WHO khuyến cáo, để bảo vệ đôi mắt của trẻ sơ sinh, thì mọi trẻ phải được lau mắt ngay sau sinh và phải được nhỏ nitrate bạc 1% hay tra thuốc mỡ mắt tetracycline 1% trong vòng 1 giờ sau sinh. Sau đó, mọi sự chăm sóc cho bé mẹ có thể tham khảo bác sĩ chuyên khoa.

Mẹ cần vệ sinh tay sạch sẽ trước khi vệ sinh mắt cho trẻ. Ảnh internet

Ngoài ra, để giúp trẻ sơ sinh có sự phát triển tốt nhất về thị giác, đôi mắt luôn khỏe mạnh thì các mẹ cũng cần quan tâm đến tư thế ngủ của bé bằng cách thay đổi vị trí của giường cũi mỗi ngày. Đồng thời, kích thích mắt bé hoạt động nhiều bằng việc trò chuyện với bé, di chuyển vị trí để mắt bé tìm mẹ.

Tào Vân (TH)

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/khi-tre-so-sinh-bi-ghen-vang-o-mat-cac-me-nen-lam-gi-c21a279955.html