Khi trường học tham gia phòng, chống thiên tai

Những kết quả và bài học kinh nghiệm thực hiện mô hình trường học an toàn và định hướng thực hiện mô hình trường học an toàn trong phòng, chống thiên tai đã được chia sẻ trong hội thảo diễn ra ngày 25-9 tại Hà Nội.

Những kết quả, bài học, kinh nghiệm về triển khai mô hình Trường học an toàn tại một số địa bàn tiêu biểu đã được chia sẻ tại Hội thảo.

NDĐT- Những kết quả và bài học kinh nghiệm thực hiện mô hình trường học an toàn và định hướng thực hiện mô hình trường học an toàn trong phòng, chống thiên tai đã được chia sẻ trong hội thảo diễn ra ngày 25-9 tại Hà Nội.

Cô Nguyễn Thị Cúc, Phó Hiệu trưởng Trường THCS số 1 Nam Lý (Quảng Bình) cho biết, trước đây, chỉ khi có thiên tai xảy ra mới huy động giáo viên và mọi người tham gia để ứng phó mà không có kế hoạch cụ thể, đặc biệt là thiếu kiến thức về phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, đến cuối tháng 10-2017, trong khuôn khổ chương trình giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam phối hợp Văn phòng dự án tỉnh Quảng Bình và Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Đồng Hới đã triển khai thực hiện dự án “Trường học đô thị an toàn cho vùng đô thị tỉnh Quảng Bình”, trong đó, Trường THCS số 1 Nam Lý được chọn là điểm trường tham gia dự án. “Đây là một tin vui vì Trường được chọn là một trong bốn trường được tham gia dự án”, cô Cúc nói.

Cô Cúc cho biết, sau khóa tập huấn trường học an toàn, đánh giá khả năng, tình trạng dễ bị tổn thương, Ban Quản lý dự án, Đội học sinh nòng cốt, Ban phòng, chống thiên tai trường học an toàn tại trường đã được thành lập. Các thành viên được phân công trách nhiệm, trang bị kiến thức và kỹ năng, kiến thức về phòng, chống thiên tai.

Khóa tập huấn sơ tán, sơ cứu tại các điểm trường ở tỉnh Quảng Bình.

Bên cạnh việc lợp lại mái phòng học khu nhà B của trường bằng tôn, các hội thi vẽ tranh, rung chuông vàng hay truyền thông nhóm và diễn tập phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai... cũng được triển khai, hội tụ những kiến thức của các môn: Văn, Toán, Lý, Hóa, Sinh, Mỹ thuật... Tất cả đều có liên quan và có thể vận dụng kiến thức nhằm tuyên truyền cho các em về phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai. “Đây là sân chơi thật sự bổ ích cho cả giáo viên và học sinh toàn trường. Đồng thời thu hút lực lượng lớn tham gia có cả bảo vệ, phụ huynh, các ban, ngành địa phương”, cô Cúc nhấn mạnh.

Bên cạnh các hoạt động bổ ích ở Trường THCS số 1 Nam Lý, tại Trường THCS Bắc Nghĩa (Quảng Bình) rất chú trọng hoạt động diễn tập phòng, chống bão của dự án.

Giáo viên Lê Thị Bích Hồng chia sẻ: “Thật may mắn khi vào năm học 2017-2018, Trường THCS Bắc Nghĩa được tham gia dự án và tôi là thành viên trong Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão của trường. Tôi và các thành viên khác được tham gia các khóa tập huấn với nhiều nội dung, nhưng tâm đắc nhất vẫn là diễn tập phòng, chống bão”.

Cô Hồng cho biết, công tác diễn tập diễn ra khẩn trương. Với nhiệm vụ phát thanh bản tin, cô đã liên tục truyền đến mọi người những thông tin mang tính cấp bách để tất cả thành viên nhanh chóng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, nhằm giảm nhẹ thiên tai gây ra. Khi bão đến, ai cũng hiểu rằng công việc ưu tiên hàng đầu là bảo vệ an toàn cho học sinh, giáo viên và tài sản nhà trường. Đến lúc cơn bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, cô Hồng lại hướng dẫn học sinh về nhà.

“Sau lần diễn tập ấy, trường tôi vững vàng hơn trong việc ứng phó thiên tai. Học sinh đến trường với cảm giác an toàn, tài sản cũng được bảo vệ tốt hơn mỗi khi dông, lốc kéo đến”, cô Hồng nói.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, như các địa bàn dự án còn phân tán, dàn trải; chưa có hệ thống văn bản pháp lý tạo khung thống nhất để định hướng hoạt động trường học an toàn trong môi trường học đường... Nhằm khắc phục hạn chế, nhiều ý kiến đóng góp đã được đưa ra tại Hội thảo, trong đó có: Kiến nghị Bộ GD và ĐT sớm phê duyệt đưa nội dung ứng phó với thiên tai, thảm họa vào chương trình giáo dục phổ thông, đặc biệt trong bối cảnh chuẩn bị cải cách sách giáo khoa; nhân rộng mô hình tới các địa phương trong cả nước; mở rộng đối tượng tham gia trực tiếp, triển khai nhiều hoạt động diễn tập ứng phó thực tế…

Hoạt động thiết thực về phòng, chống thiên tai tại trường học được các em học sinh vẽ lại sinh động.

Với một nước chịu nhiều tác động thiên tai như Việt Nam, rõ ràng nghiên cứu các vấn đề liên quan đến giải pháp thiết kế xây dựng công trình chống chịu và giảm nhẹ tác động thiên tai, đặc biệt giải pháp công trình trường học an toàn trước các hiểm họa thiên tai là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lớn về kinh tế, xã hội và nhân văn. Vì vậy, công tác phòng chống thiên tai cần được xác định là một nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, cộng đồng và mỗi cá nhân.

Hội thảo “Chia sẻ kết quả và bài học kinh nghiệm thực hiện mô hình trường học an toàn và định hướng thực hiện mô hình trường học an toàn trong phòng, chống thiên tai”, do Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the children - SC), Plan quốc tế tại Việt Nam phối hợp Cục cơ sở vật chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức, với mong muốn tăng cường khả năng chống chịu với thiên tai cho trường học và đặc biệt cho giáo viên, học sinh, sinh viên.

Xây dựng mô hình trường học an toàn là một hoạt động trong dự án “Tăng cường khả năng chống chịu thiên tai tại miền trung Việt Nam”, được khởi động vào tháng 10-2015, do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Dự án được thực hiện bởi sự phối hợp của liên minh gồm năm tổ chức: Hội Chữ thập đỏ Mỹ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Catholic Relief Services, Plan International tại Việt Nam, Cứu trợ trẻ em và Helo Age International tại Việt Nam, nhằm bảo đảm tính an toàn, giảm thiểu tối đa tổn thất về người và môi trường học đường khi xảy ra thiên tai, thảm họa, thông qua việc xây dựng cơ sở vật chất có tính chống chịu cao và trang bị kiến thức, kỹ năng dự phòng, ứng phó với thiên tai cho giáo viên, học sinh, sinh viên.

MINH KHANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/37732102-khi-truong-hoc-tham-gia-phong-chong-thien-tai.html