Khi Uber thuộc về Grab, tài xế lo thất nghiệp, vỡ nợ

Việc mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á của Grab đã được chính thức xác nhận sau rất nhiều đồn đoán. Điều này khiến nhiều người không khỏi lo lắng cho 'số phận' những lái xe của Uber sẽ ra sao?

Ứng dụng Uber chỉ hoạt động trong khoảng 2 tuần nữa.

Ngày 8/4 - Uber dừng hoạt động

Đến chiều 26/3, thông tin giá trị chuyển nhượng hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á vẫn chưa được tiết lộ cụ thể. Được biết, sau thỏa thuận, Uber sẽ nắm trong tay 27,5% cổ phần của ứng dụng gọi xe lớn nhất Đông Nam Á Grab. Trước đó, Uber cũng rút khỏi những thị trường như Trung Quốc và Nga theo chiến lược tương tự.

Cũng trong ngày 26/3, Grab Việt Nam đã đưa ra thông báo đến các tài xế Uber tại Việt Nam (bao gồm cả ô tô và xe máy) sẽ chuyển sang Grab từ tháng 4 tới. Thông báo được Grab gửi tới các đối tác cho hay: "Vào ngày 8/4/2018, cộng đồng Uber sẽ được chuyển sang ứng dụng Grab. Điều đó có nghĩa rằng, bạn - những đối tác tài xế của chúng tôi sẽ tiếp nhận được nhiều khách hàng hơn, xa hơn là gia tăng thu nhập một cách tốt nhất".

Như vậy, các tài xế Uber tại Việt Nam sẽ chính thức chuyển sang Grab từ tháng 4 tới. Điều này hoàn toàn trùng khớp với những thông tin được phía Uber đăng tải trước đó cho rằng, ứng dụng Uber trên điện thoại sẽ chỉ hoạt động thêm 2 tuần nữa. Riêng Uber Eats sẽ hoạt động cho tới cuối tháng 5, sau đó các đối tác vận chuyển và nhà hàng sẽ hoàn tất việc chuyển sang nền tảng GrabFood. Cả 2 công ty đều khẳng định sẽ làm việc chặt chẽ để hoạt động chuyển giao diễn ra nhanh chóng nhất.

Nhiều tài xế hoang mang

Nhiều tài xế Uber lo lắng trước viễn cảnh thất nghiệp. Ảnh: TL

Thông tin Grab chính thức mua lại Uber ở Đông Nam Á đã gây hoang mang cho rất nhiều tài xế Uber. Do chưa được thông tin cụ thể nên họ đang trong tình trạng lo lắngkhông biết có còn được làm việc sau khi Uber về Grab.

Anh Hoàng Hà, tài xế Uber tại Hà Nội đặt câu hỏi: “Grab thu nạp Uber. Vậy những tài xế trước đây bị Grab khóa tài khoản sẽ thất nghiệp?”. Anh Hà cho biết, rất nhiều đồng nghiệp của anh đang lái cho Uber trước kia chạy cho Grab và bị hãng này khóa tài khoản, “bây giờ làm sao xin đăng ký lại?”.

Đó cũng là câu hỏi làm “nóng” diễn đàn các hội lái xe trên mạng xã hội từ khi hay tin Grab mua Uber tại Đông Nam Á. Theo ghi nhận, không ít tài xế từng bị Grab khóa tài khoản hiện đang trong tình trạng vay ngân hàng mua xe. “Tôi lo quá, năm ngoái vay 350 triệu đồng mua xe chạy Uber. Chưa trả được nợ xe là bao thì nghe sáp nhập. Nếu Grab không cho mình chạy tiếp thì vỡ nợ”, tài xế Nguyễn Bá Hiệp (ở Đội Cung, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết.

Trước câu hỏi của hàng nghìn lái xe Uber, đại diện Grab xác nhận ứng dụng Uber cho tài xế sẽ tiếp tục hoạt động tại Đông Nam Á trong vòng 2 tuần trước khi dừng hoạt động. Tài xế nào muốn gia nhập đội ngũ Grab thì phải đăng ký lại. Đối với những lái xe trước đây đã sử dụng ứng dụng Grab sau đó ngừng sử dụng thì vẫn có thể tiếp tục hoạt động miễn là tài khoản vẫn còn hợp lệ. Nếu tài khoản bị khóa và không còn hợp lệ trong hệ thống Grab do trước đây đã vi phạm bộ nguyên tắc ứng xử của Grab trước đây thì sẽ không thể đăng ký hoạt động lại.

Anh Quân, lái xe Uber thì tỏ mối quan tâm khác: “Uber sát nhập về Grab thì liệu tiền bên Uber có thanh toán cho mình không?”. Anh Quân cho biết trong quá trình chạy Uber, anh đã có một khoản tiền thưởng hơn 3 triệu do chạy vào giờ cao điểm dựa vào chính sách hoạt động của công ty. “Bây giờ, còn 2 tuần nữa, không biết có “đòi” được không”, anh Quân băn khoăn.

Chưa hết, rất nhiều tài xế Uber đều tỏ ra lo lắng khi chuyển công ty làm việc sẽ bị giảm mức chiết khấu. Anh Nguyễn Thắng, lái xe Uber ở Hà Nội cho biết: “Mình chạy tài khoản Uber đang chiết khấu 20%. Nếu sang Grap liệu có được giữ mức chiết khấu đó không?”. Một số tài xế khác tỏ ra bi quan bởi “khi Uber và Grab về một nhà, lượng tài xế đông đảo, mức chiết khấu sẽ tăng”.

Trong khi đó anh Nguyễn Văn Đức (ở Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Ngày 26/3, tôi chạy từ 7h sáng đến 4h chiều chưa kiếm được 150. 000 đồng. Nghe tin sáp nhập, có lẽ tôi bán tài khoản nhường sân cho anh em khác thôi”.

Các tài xế Uber cho rằng, họ cảm thấy như bị lừa khi trở thành đối tác doanh nghiệp này. Nguyên nhân là trước đây Uber quảng cáo thu nhập, chính sách hỗ trợ rất hấp dẫn. Các tài xế nhận định, sau khi thu hút được một lượng lớn đối tác, hãng taxi công nghệ này dần tăng chiết khấu, giảm hỗ trợ, trong khi các chi phí khác ngày một tăng khiến đời sống lái xe chồng chất khó khăn. Nhiều người phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ khi vay tiền người thân, ngân hàng hay cắm cả sổ đỏ để mua xe. Khi họ “đâm lao phải theo lao”, để “cày cuốc” kiếm tiền trả nợ xe thì công ty bị bán.

Sau khi bị mua lại, tâm tư của hầu hết các tài xế Uber tiếp tục được làm việc và mong muốn phía Grab giảm chiết khấu để giảm bớt gánh nặng tài chính cho lái xe. Theo anh Hoài Nam, lái xe Uber trú tại Hoàng Mai (Hà Nội), 95% tài xế mua xe đều phải vay ngân hàng. Trước tình hình sáp nhập, rất nhiều lái xe bi quan cho rằng anh em lái xe “chết”, các khoản nợ ngân hàng cũng trở thành nợ xấu.

Grab ra đời năm 2012 tại Kuala Lumpur (Malaysia), hiện là ứng dụng gọi xe với hơn 86 triệu lượt tải, hiện đã phủ sóng tại 178 thành phố trải dọc theo các quốc gia như Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Campuchia.

Uber là ứng dụng kết nối dịch vụ vận tải có mặt từ rất sớm tại Việt Nam, song không nắm giữ được lợi thế lâu dài. Trong khi Uber gặp nhiều vấn đề trong vận hành và nghi vấn trốn thuế, Grab lại nằm trong đề án thí điểm về ứng dụng công nghệ của Bộ GTVT. Về mặt dịch vụ, Grab cũng đa dạng hóa với nhiều hình thức vận tải như xe ôm, taxi, xe đường dài, giao vận,... trong khi Uber ngày càng thu hẹp.

Hà Phương

Nguồn Đấu Thầu: http://giadinh.net.vn/thi-truong/khi-uber-thuoc-ve-grab-tai-xe-lo-that-nghiep-vo-no-20180327084520445.htm