Khi văn hóa, sáng tạo lên môi trường số

Các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội phát triển, được đánh giá là khu vực có nhiều tiềm năng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc tận dụng thành quả của công nghệ số cũng như nắm bắt các cơ hội cụ thể để có những phát triển mang tính đột phá chưa như kỳ vọng và chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Cứ đi rồi sẽ đến

Sự phát triển công nghệ thông tin, kỹ thuật số, Internet đã có những tác động mạnh mẽ đến văn hóa nói chung và các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo Việt Nam nói riêng. Ngay với khối di tích, bảo tàng - những nơi được mặc định là thường ít có sự linh hoạt, khó thích ứng với những thay đổi chóng mặt của thời công nghệ số cũng đã có những dấu ấn, thành tựu khả quan sau những nỗ lực chuyển đổi số.

Số hóa hiện vật phục vụ khách tham quan trở thành hình thức phổ biến nhiều năm trở lại đây.

Điển hình phải kể đến là Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với hàng loạt dự án hợp tác về chuyển đổi số như Ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA; Công nghệ tham quan bảo tàng trực tuyến 3D Tour tích hợp trên website; Dự án triển lãm trực tuyến tranh sơn mài Việt Nam,… Cùng với sự đón nhận ngày càng rộng rãi của công chúng và đánh giá tích cực từ giới chuyên môn thông qua các giải thưởng, các dự án đã góp phần lan tỏa tình yêu nghệ thuật đến với đông đảo công chúng trong nước và quốc tế. Nhưng có lẽ, ít ai biết, sau thành quả này là một hành trình dài với rất nhiều những khó khăn mà nếu không đủ quyết tâm thì sẽ khó vượt qua được.

Chia sẻ quanh câu chuyện này, TS Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, đối với lĩnh vực di sản, công nghệ số tác động, làm thay đổi quan điểm, cách thức tiếp cận cũng như sự bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Nó làm cho di sản trở nên dễ tiếp cận hơn, sống động hơn đối với công chúng. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - nơi lưu giữ những báu vật di sản nhưng từng được rất ít người quan tâm. Mỗi năm, Bảo tàng chỉ đón khoảng 50.000 lượt khách. 90% là khách quốc tế. Chỉ có 10% là khách trong nước và chủ yếu là khách nghiên cứu về mỹ thuật và quan tâm. Nhiều hướng dẫn viên du lịch của các công ty lữ hành rất sợ hướng dẫn khách vào Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vì họ không hiểu về các tác phẩm.

Để tháo gỡ được những vấn đề này, năm 2017, Bảo tàng phối hợp với một đơn vị công nghệ xây dựng đề án và phải hơn một năm sau, dự án Ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum mới có thể trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bởi đây là dự án hợp tác công - tư, huy động xã hội hóa, chưa có tiền lệ, phải tìm ra những cơ chế phù hợp để hai bên hợp tác cùng có lợi. Có đối tác từng đề nghị đầu tư với điều kiện là phải có 100.000 khách thì mới chia lợi nhuận cho Bảo tàng. Lúc này, Bảo tàng mới có khoảng 40.000 khách. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không đồng ý, vì Bảo tàng có các di sản mỹ thuật và phải có tài nguyên này thì các đơn vị công nghệ mới có thể thực hiện được dự án này. Cuối cùng, hai bên thống nhất, Bảo tàng cung cấp tài nguyên di sản mỹ thuật, đối tác đầu tư 7 tỷ cho dự án, đảm bảo về công nghệ, vận hành khai thác. Trong năm đầu, lợi nhuận được chia theo tỷ lệ 20 - 80, năm thứ 2 là 30 - 70, năm thứ 4 là 50-50. Sau nhiều lần bàn bạc, dự án mới được thông qua với thời hạn ký kết là 15 năm.

Ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Năm 2021, dự án iMuseum VFA được đưa vào sử dụng, Bảo tàng đã thu được gần 600 triệu tiền khách tham quan trực tuyến, lượng khách tham quan tăng gấp đôi, lên đến trên 100.000 khách trong năm. Sau 2 năm hoạt động, đến nay, ứng dụng được công chúng đón nhận rất cao. Với 8 ngôn ngữ, sắp tới là 9 ngôn ngữ, ứng dụng này giúp khách tham quan trải nghiệm ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ nơi nào trên thế giới. Thành công của dự án không chỉ có giá trị về mặt kinh tế mà còn có giá trị về mặt giáo dục lịch sử, văn hóa, mỹ thuật. Tuy nhiên, để có thành công này, Bảo tàng phải có đối tác đảm bảo nguồn lực về tài chính và có tình yêu đủ lớn đối với văn hóa nghệ thuật để chấp nhận bỏ ra một số tiền lớn đầu tư và thu về mỗi năm một ít.

Gặt hái nhiều thành công trong tiếp cận với khán giả trong nước và quốc tế từ quyết tâm vươn ra thị trường thế giới, studio phim hoạt hình DeeDee Animation Studio cũng gặp không ít trở ngại. Bà Lê Quỳnh Như, đồng sáng lập DeeDee Animation Studio cho hay, 7 năm trước, khi thành lập, DeeDee xác định ra thị trường nước ngoài để học hỏi về công nghệ và quy trình chuẩn của quốc tế thông qua hợp tác với các Studio lớn trên thế giới. Thời điểm này, thị trường hoạt hình ở Việt Nam rất nhỏ, gần như không có trên bản đồ hoạt hình thế giới. Lựa chọn nói trên là con đường ngắn nhất, nhanh nhất đối với một studio ở một đất nước chưa phát triển về công nghệ muốn kết nối, mở rộng quan hệ, vươn ra thị trường quốc tế. Giai đoạn đầu, Dee Dee tập trung đầu tư xây dựng sản phẩm chất lượng để giới thiệu ra thế giới, đưa đến các liên hoan phim, hội chợ hoạt hình của thế giới hàng năm. Chưa đủ dữ liệu, tài chính để mở các quầy ở nước nên phải đến từng hội thảo liên hệ với ban tổ chức phát video, đưa thông tin.

“Trên thế giới, lĩnh vực kỹ thuật số rất phẳng. Khách hàng luôn đi tìm và mong muốn có những studio làm được việc và có thể tin tưởng được. Khi cung - cầu gặp nhau, DeeDee thuyết phục đối tác bằng sản phẩm chất lượng, giá tốt hơn, thời gian làm việc linh hoạt hơn. Hợp tác thành công lần 1, họ tin tưởng hợp tác lần thứ 2, thứ 3 hoặc giới thiệu các đối tác mới. Tạo được uy tín, studio cũng tiếp cận được nguồn vốn - nhà đầu tư. Ở nước ngoài có nhiều phương thức đầu tư, như đầu tư trực tiếp vào studio, có những series đầu tư đồng sản xuất, cùng khai thác giá trị. Đơn vị nào mạnh ở khu vực nào thì khai thác ở khu vực đấy. Đến nay, DeeDee thành công với nhiều tác phẩm hoạt hình mang âm hưởng văn hóa và lịch sử Việt Nam, đạt nhiều giải thưởng, hợp tác với nhiều đối tác lớn trên thế giới trong mảng sản xuất hoạt hình như Disney Animation Studio, Warner Bros, Shin-ei Animation (studio sản xuất Doraemon), TNS (Studio sản xuất Conan - Thám tử lừng danh)…”, Quỳnh Như chia sẻ.

Để phát triển bền vững, cần sự đồng hành tích cực từ cơ quan quản lý

Thực tế, sau nhiều dò dẫm tìm đường, sản phẩm văn hóa, sáng tạo Việt Nam có những thay đổi và bước đầu ghi dấu ấn với bạn bè quốc tế. Theo ông Trần Thăng Long, Trưởng bộ phận nghệ sĩ nội địa, tác phẩm và marketing, Universal Music Việt Nam, năm 2019, nghệ sĩ Việt Nam đầu tư từ 1-2 tỷ cho 1 MV, trong khi Thái Lan, Philippine chỉ đầu tư khoảng 300 triệu/1MV; thế mà doanh thu nhạc số của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/6 Thái Lan. Nghệ sĩ Việt đầu tư cao nên 1 năm ra 1 sản phẩm và chỉ đầu tư vào những gì thời thượng, “bắt trend”, không mạnh dạn đầu tư những dự án mang tính thể nghiệm. Đến năm 2023, các nghệ sĩ tăng ứng dụng công nghệ, có nhiều các sản phẩm âm nhạc ứng dụng công nghệ tiệm cận hơn với khu vực. Âm nhạc đến với mọi người bằng nhiều kênh, nhiều sản phẩm khác nhau.

Ứng dụng công nghệ giúp các sản phẩm văn hóa nghệ thuật hấp dẫn hơn. Ảnh: Phong Sơn

Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp khác, với những công ty non trẻ, khi ra thị trường thế giới, phải thật chủ động, sẵn sàng dấn thân, chịu đựng được thất bại và luôn tỉnh táo, thận trọng, vì sẽ phải đối diện với nhiều vấn đề như mức độ am hiểu luật pháp, cách đàm phán hợp đồng với đối tác lớn để đảm bảo quyền lợi… Thay vì đơn thương độc mã vươn ra thị trường thế giới, thời gian qua, thông qua các diễn đàn, hội thảo, những khó khăn của các đơn vị đã được các cơ quan Nhà nước, tổ chức hiệp hội lắng nghe.

Tuy nhiên, để phát triển tốt hơn, lâu dài hơn, các đơn vị vẫn cần được Nhà nước đồng hành nhiều hơn, nhất là chia sẻ những khó khăn về mặt pháp lý, quảng bá ở các sự kiện lớn dưới thương hiệu chung của Việt Nam. Cơ quan quản lý nên có những đầu mối cụ thể để kết nối, thay vì để mạnh đơn vị nào đơn vị ấy lo, hoặc các tổ chức do các đơn vị tự tập hợp với nhau, doanh nghiệp chưa thực sự tin tưởng vì chưa chắc chắn về độ uy tín, mức độ hỗ trợ... Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ về chính sách, nhất là về thuế.

Từ kinh nghiệm tổ chức các chương trình biểu diễn, phát hành các sản phẩm sáng tạo của bản thân và các nghệ sĩ trong môi trường số nói riêng, trong việc đưa sản phẩm văn hóa tiếp cận khán giả nói chung, nhạc sĩ kiêm nhà sản xuất âm nhạc Quốc Trung cũng cho rằng, các nhà quản lý nên có sự linh hoạt và cần tiếp cận tác phẩm nghệ thuật với sự thấu hiểu khi triển khai thực thi các chính sách, quy định của Nhà nước. Sản phẩm sáng tạo có những đặc thù riêng so với những sản phẩm tiêu dùng khác. Chưa kể, tiếng Việt rất đa tầng, đa nghĩa. Nếu người làm quản lý suy diễn thì sẽ rất khó cho hoạt động sáng tạo, phổ biến tác phẩm.

Quan hệ giữa cơ quan quản lý, nghệ sĩ, nhà sản xuất phải được xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp một cách chuyên nghiệp, cùng hướng tới một lợi ích là vì sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo. Với các nghệ sĩ, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, công nghệ, trí tuệ nhân tạo đang mang lại rất nhiều thuận lợi. Nghệ sĩ có thể sáng tạo dựa trên những cái có sẵn để “tạo trend”, những thành công nhất thời, nhưng nếu lạm dụng thì sẽ lười sáng tạo, dần mất năng lực sáng tạo - yếu tố quan trọng để cạnh tranh ra thị trường quốc tế, khó phát triển bền vững.

Minh Hà

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/khi-van-hoa-sang-tao-len-moi-truong-so-i707452/