Khi văn học phải là nhân học

Hiện nay, việc xâm phạm bản quyền tác giả trên internet ngày càng gia tăng với tần suất và mức độ tinh vi, phức tạp. Thực thi bảo hộ bản quyền tác giả, quyền liên quan trên internet vì vậy đang là thách thức và khiến không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia cũng trở nên lúng túng.

Bất luận thế nào, giá trị đích thực của văn học nghệ thuật là hướng con người đến những giá trị chân - thiện - mỹ. Những tác phẩm hay, những tác phẩm còn mãi với thời gian chính là những tác phẩm chưa đựng được những giá trị đó.

Vở cải lương “Người con của Vạn Thắng Vương” của nhà văn Nguyễn Toàn Thắng.

Vở cải lương “Người con của Vạn Thắng Vương” của nhà văn Nguyễn Toàn Thắng.

Văn học là nhân học. Chính vì vậy, sáng tác, sáng tạo văn học, nghệ thuật là vì cuộc sống, vì hạnh phúc của con người. Nền tảng đạo đức xã hội và niềm tin của mỗi người có bền chặt, được củng cố tăng cường hay không phụ thuộc phần lớn vào tiếng nói của người nghệ sĩ thông qua những tác phẩm có giá trị.

Chúng ta có thể thấy, nhiều tác phẩm nghệ thuật qua các giai đoạn, thời kỳ đã trở thành tiếng gọi của non sông, tiếng lòng của nhân dân, Tổ quốc trước những giờ phút trọng đại của dân tộc. Từ những tác phẩm văn nghệ dân gian đến dòng văn học viết như bài thơ “Nam quốc sơn hà” tương truyền của Lý Thường Kiệt, “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, văn thơ của Hồ Chí Minh và các chí sĩ cách mạng, văn học lãng mạn và hiện thực phê phán những năm 1930-1945.

Nước ta là một quốc gia đa dân tộc được hội tụ bởi các lớp trầm tích văn hóa đặc trưng. Thiên nhiên tươi đẹp, không gian văn hóa độc đáo, văn hóa dân gian, dân ca, dân vũ phong phú, là cảm hứng và là nguồn đề tài vô tận cho các văn nghệ sĩ sáng tạo.

Không thể phủ nhận rằng, đội ngũ văn nghệ sĩ đã làm phong phú và bền vững hơn bản sắc văn hóa. Bản sắc văn hóa ấy là linh hồn, là cội nguồn của sự trường tồn, là mục tiêu quan trọng góp phần xây dựng văn hóa con người trong thời kỳ mới. Chính vì thế, văn học nghệ thuật là nền tảng tinh thần xã hội, là động lực phát triển bền vững của đất nước.

Bên cạnh đó, những ca khúc cách mạng của nhạc sỹ Đỗ Nhuận, Phạm Duy, Văn Cao, Nguyễn Văn Tý, Phạm Tuyên, Huy Du, Hoàng Việt hay những bức họa làm say đắm bao thế hệ của họa sỹ Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái… đã phản ánh sinh động lịch sử tâm hồn của cha ông, có sức mạnh to lớn trong việc cổ vũ, động viên tinh thần, lực lượng của nhân dân trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc.

Và tự thân các tác phẩm nghệ thuật có giá trị đã vượt qua sự sàng lọc khắc nghiệt của thời gian, công chúng, bạn đọc, trở thành điểm tựa tinh thần, tạo động lực, niềm tin để mỗi người thêm yêu Tổ quốc, quê hương mình, sống và ứng xử với nhau có tình có nghĩa.

Dù chịu nhiều sức ép của thời đại công nghệ số, cuộc cách mạng công nghiệp với nhiều loại hình nghệ thuật giải trí tân tiến, hiện đại; sự suy giảm trầm trọng của văn hóa đọc; sự kém mặn mà của độc giả, công chúng; sự hụt hẫng, thiếu vắng của những tác phẩm lớn; văn học nghệ thuật phát triển chưa tương xứng, chưa thật sự được coi trọng như các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh, trong khi đạo đức xã hội và lòng tin của con người ở nhiều nơi rơi vào khủng hoảng.

Thực trạng đó cần tiếng nói mạnh mẽ, tâm huyết, có trách nhiệm với cái nhìn nhân ái, khoan dung của người nghệ sĩ. Bằng tài năng, trí tuệ và sự nhạy cảm tâm hồn, trái tim đồng điệu, nghệ sĩ qua tác phẩm của mình sẽ thức tỉnh bản chất hướng thiện trong mỗi con người để nhân lên những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Con người là chủ thể của mọi sự phát triển, còn văn hóa tạo ra hệ thống các giá trị chuẩn cho con người vươn tới, từ đó hình thành nên phẩm chất con người. Trong văn hóa thì văn học nghệ thuật là loại hình, lĩnh vực quan trọng, đặc biệt, tinh tế, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người.

Như vậy, có thể nói văn học nghệ thuật là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và xây dựng, phát triển văn hóa con người. Với vai trò như vậy, văn học nghệ thuật mang sứ mệnh và trách nhiệm rất lớn. Trong các chức năng lớn của văn học nghệ thuật như chức năng nhận thức, chức năng thẩm mỹ, chức năng giáo dục là chức năng chủ chốt góp phần điều chỉnh xã hội, xây dựng một xã hội lành mạnh hơn.

Trong đời sống xã hội ngày nay, có thể dễ dàng nhận thấy sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đặc biệt là sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận đã trở thành lực cản đối với sự phát triển của đất nước. Sự xuống cấp đó chắc chắn một phần do chúng ta chưa coi trọng, phát huy vai trò của văn học nghệ thuật trong việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người.

Có một thực tế, nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật ngày càng rời xa chức năng giáo dục, thẩm mỹ; chức năng giải trí bị biến dạng, chạy theo thị hiếu tầm thường, thậm chí là thấp kém của một bộ phận công chúng. Điều đáng lo ngại là các tác phẩm này lại được quảng bá, tiếp thị với mục đích thu lợi nhuận của các nhà sản xuất, phát hành.

Các tác phẩm tốt, có chiều sâu tư tưởng và mang đậm dấu ấn nghệ thuật, thẩm mỹ lại ít được công chúng quan tâm, thậm chí nhiều tác phẩm hay không đến được công chúng vì thiếu một chiến lược quảng bá, giới thiệu hiệu quả. Hoạt động nghiên cứu, phê bình, lý luận văn học, nghệ thuật chưa phát huy tốt nhiệm vụ định hướng thị hiếu công chúng, trong nhiều trường hợp, để báo chí làm thay nên đôi khi việc đánh giá, thẩm định tác giả, tác phẩm còn thiếu chính xác.

Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội cho rằng, tình trạng xuống cấp về mặt đạo đức trong xã hội hiện nay đáng báo động, đề nghị nghiên cứu ban hành đạo luật về lĩnh vực này hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đủ mạnh nhằm chấn chỉnh những hành vi vi phạm đạo đức, nhất là đạo đức truyền thống.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, việc ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức xã hội hiện nay là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, mỗi gia đình, nhà trường và toàn xã hội.. Riêng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang đẩy mạnh xây dựng đạo đức, lối sống mới thông qua xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa bằng cách nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa - thể thao, các sinh hoạt văn nghệ, hoạt động cộng đồng, phong trào văn hóa góp phần nâng cao đời sống tinh thần và thể chất của nhân dân, lành mạnh hóa lối sống.

Lấy môi trường văn hóa lành mạnh, đời sống văn hóa phong phú đẩy lùi nguy cơ con người sa vào các tệ nạn xã hội hay tha hóa về đạo đức, lối sống. Phát huy sứ mệnh của văn học nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sỹ đối với xây dựng đạo đức, nâng cao văn hóa ứng xử bằng việc đề cao vai trò giáo dục đạo đức của văn học nghệ thuật, hướng con người tới chân, thiện, mỹ.

Làm sao để ngày càng có nhiều bộ phim, tác phẩm, vở diễn, chương trình nghệ thuật có chất lượng cao, góp phần bồi dưỡng tâm hồn, xây dựng nhân cách, giáo dục đạo đức, đấu tranh với những biểu hiện xuống cấp đạo đức. Đồng thời kiên quyết chấn chỉnh, xử lý các vi phạm đạo đức trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn, bản quyền tác giả, mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh, tổ chức lễ hội, du lịch, thể dục thể thao, nhất là những hành vi bạo lực, phản cảm, ứng xử thiếu văn hóa. Siết chặt quản lý các sản phẩm, dịch vụ văn hóa độc hại.

Nước ta là một quốc gia đa dân tộc được hội tụ bởi các lớp trầm tích văn hóa đặc trưng. Thiên nhiên tươi đẹp, không gian văn hóa độc đáo, văn hóa dân gian, dân ca, dân vũ phong phú, là cảm hứng và là nguồn đề tài vô tận cho các văn nghệ sĩ sáng tạo. Không thể phủ nhận rằng, đội ngũ văn nghệ sĩ đã làm phong phú và bền vững hơn bản sắc văn hóa.

Bản sắc văn hóa ấy là linh hồn, là cội nguồn của sự trường tồn, là mục tiêu quan trọng góp phần xây dựng văn hóa con người trong thời kỳ mới. Chính vì thế, văn học nghệ thuật là nền tảng tinh thần xã hội, là động lực phát triển bền vững của đất nước.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/khi-van-hoc-phai-la-nhan-hoc-95109.html