Khi 'vật thể không xác định' mang nhiều ẩn ý

Vụ phóng vật thể không xác định sáng 9-3 của CHDCND Triều Tiên dường như không chỉ nhằm mục đích thử nghiệm nâng cao độ chính xác của hệ thống vũ khí mà còn nhằm chứng minh năng lực của nước này vẫn vững vàng trước dịch COVID-19 đang lan rộng toàn cầu và gây sự chú ý từ phía quốc tế.

Động thái không nằm ngoài dự đoán

Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JSC) thông báo CHDCND Triều Tiên đã bắn 3 vật thể tầm ngắn chưa xác định ra biển Nhật Bản, đây được cho là một phần trong một cuộc tập trận chung phối hợp của CHDCND Triều Tiên. Các vật thể này được bắn theo hướng Đông Bắc từ những khu vực gần thị trấn miền Đông là Sondok thuộc tỉnh Nam Hamgyong vào khoảng 7 giờ 36 phút sáng. Các vật thể trên đã bay xa 200 km và đạt độ cao khoảng 50 km.

Các vụ phóng này dường như là một phần trong cuộc tập trận pháo binh của CHDCND Triều Tiên mà trong đó có triển khai các thiết bị phóng rocket đa nòng trong đợt thao diễn mùa đông, theo sau các cuộc phóng tương tự được thực hiện hôm 28-2 và 2-3. Các nhân viên tình báo của Hàn Quốc và Mỹ đang phân tích các chi tiết khác, đồng thời khẳng định quân đội “đang giám sát tình hình trong trường hợp có thêm các vụ phóng mới và duy trì trạng thái sẵn sàng hành động”.

Cho tới nay, CHDCND Triều Tiên đã 5 lần thử nghiệm hệ thống này, bao gồm cả vụ thử hôm 2-3. Sondok là nơi họ thực hiện vụ thử hệ thống này lần đầu tiên vào tháng 8-2019. Theo các chuyên gia và các nguồn tin quân sự, vụ phóng ngày 9-3 có thể là một vụ thử khác đối với hệ thống phóng đa nòng này, có khả năng làm giảm khoảng thời gian giữa các vụ phóng trước khi đưa vào sẵn sàng triển khai.

Triều Tiên bắn 3 vật thể giữa lúc Hàn Quốc tập trung chống dịch COVID-19.

Triều Tiên bắn 3 vật thể giữa lúc Hàn Quốc tập trung chống dịch COVID-19.

Về phản ứng, từ phía Hàn Quốc, Văn phòng Tổng thống đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp gồm các bộ trưởng có liên quan tới lĩnh vực an ninh dưới hình thức một hội nghị trực tuyến, do Chung Eui-yong, Giám đốc An ninh quốc gia thuộc Văn phòng của Tổng thống chủ trì.

Vụ phóng mới nhất của CHDCND Triều Tiên diễn ra chỉ 5 ngày sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un gửi một bức thư cá nhân tới Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và chúc ông cùng nhân dân Hàn Quốc sức khỏe tốt trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona đang bùng phát. Một động thái mang tính hòa giải như vậy là điều gây bất ngờ, bởi em gái của Chủ tịch Kim Jong-un là Kim Yo-jong đã ra một tuyên bố ngay ngày hôm trước chỉ trích Văn phòng của ông Moon khi đưa ra những bình luận phê phán các vụ phóng gần đây của Bình Nhưỡng.

Về phía Mỹ, hai quan chức giấu tên cho rằng vụ phóng ngày 9-3 của CHDCND Triều Tiên không nằm ngoài dự đoán. Một trong số họ hé lộ rằng “những dấu hiệu” đã được quan sát song không nói cụ thể những dấu hiệu này là gì. Từ Bắc Kinh, Trung Quốc, Bộ Ngoại giao nước này kêu gọi tất cả các bên tham gia tham vấn và đối thoại để đạt được hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.

“Thông điệp” của ông Kim Jong-un

Các vụ phóng gần đây diễn ra sau khi CHDCND Triều Tiên “im ắng” các hoạt động tương tự như vậy trong gần 2 tháng qua. Hồi năm 2019, Bình Nhưỡng đã tiến hành 13 vụ phóng thử tên lửa giữa lúc các cuộc đàm phán với Mỹ về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên bị đình trệ.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un năm 2019 đã cảnh báo Mỹ rằng Washington có hạn chót đến cuối năm 2019 để tái khởi động các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ. Khi đến thời hạn chót đó và Washington không hề có bất kỳ động thái nào, trong thông điệp năm mới của mình, ông Kim đã tuyên bố CHDCND Triều Tiên sẽ thúc đẩy khả năng răn đe hạt nhân và sẽ không còn bị trói buộc bởi việc ngừng thử các loại vũ khí quan trọng do chính mình đặt ra. Trong thông điệp này, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên cũng “thề” sẽ “tung” ra một “vũ khí chiến lược mới” trong tương lai gần.

Giới chuyên gia nhận định rằng loại “vũ khí chiến lược” này có thể là một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa tiên tiến hoặc một loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích, những vụ thử nghiệm gần đây dường như không phải là loại “vũ khí chiến lược” như đã được ông Kim “thề thốt” trước đó.

Mặc dù những vụ thử vũ khí đóng vai trò quan trọng đối với các mục tiêu phát triển năng lực song các động thái quân sự của CHDCND Triều Tiên thường được sắp đặt để gây ra tác động chính trị tối đa ở cả trong và ngoài nước. Với người dân trong nước, nhà lãnh đạo Kim Jong-un phô diễn sức mạnh quân sự của đất nước khi phải đối mặt với những thách thức được cho là từ bên ngoài. Thay vì quay lưng hoàn toàn trước các cuộc đối thoại với Mỹ, CHDCND Triều Tiên dường như đã thực hiện các bước đi có quy mô nhỏ, nhằm đẩy mạnh khả năng kiểm soát quyền lực của ông Kim Jong-un đối với bộ máy chính trị trong nước.

Đối với tác động bên ngoài, các vụ phóng này thường được coi là nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm thu hút sự quan tâm và chú ý của thế giới. Soo Kim, một nhà phân tích chính sách làm việc tại Rand Corp, cho rằng ông Kim Jong-un cần tìm ra một số cách để duy trì sự chú ý của mình trong bối cảnh dịch COVID-19 đang khuấy động Mỹ, Hàn Quốc và nhiều chính phủ khác trên khắp thế giới.

Hiện cả Hàn Quốc và Mỹ đều đang đối phó với sự bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Sau khi tin tức về đợt bùng phát dịch bệnh ở Trung Quốc đại lục hé lộ hồi tháng 1, CHDCND Triều Tiên nhanh chóng đóng cửa biên giới của mình và cách ly tất cả người nước ngoài nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong nước.

CHDCND Triều Tiên được cho là nước có nguy cơ bị lây nhiễm cao do những hạn chế trong các dịch vụ và cơ sở hạ tầng y tế. Việc Bình Nhưỡng hiện chưa xác nhận bất kỳ ca lây nhiễm nào khiến không ít giới quan sát phải nghi ngờ.

Hà Phương (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/khi-vat-the-khong-xac-dinh-mang-nhieu-an-y-585814/