Khi voi Buôn Đôn không còn phải cõng khách

Trong điều kiện nhiều người đã quen với cưỡi voi mà 'đột ngột' chuyển qua 'ngắm' có thể du lịch sẽ bị ngắt quãng...

Nài voi Y Vi Sien Niê vui mừng khi voi Thông Ngân được trở về với thiên nhiên

Việc Tổ chức Động vật châu Á vừa kí cam kết và hỗ trợ cho Vườn Quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) 65.000 USD thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch truyền thống từ “cưỡi voi” sang du lịch “ngắm voi” thân thiện, đã “cởi trói” cho đàn voi Buôn Đôn. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn động vật hoang dã, bảo tồn thiên nhiên…

Voi khỏe, quản tượng vui mừng

Nài voi Y Mứh (50 tuổi) dẫn chúng tôi đi trên con đường tuần tra của Vườn Quốc gia Yok Đôn để đến vị trí voi Buôn Khăm vừa được “cởi trói”, thả về với thiên nhiên. Băng qua nhiều tán rừng, rợp màu xanh, Y Mứh nói trong vui sướng: “Tôi gắn bó với voi Buôn Khăm đã 28 năm, nhưng chưa bao giờ vui như những ngày qua. Khi nghe tin voi không phải “cõng” khách trên lưng nữa, tôi mừng đến quên cả ăn. Voi Buôn Khăm năm nay đã 48 tuổi. Tôi gắn bó với nó từ năm 1990, tính tới nay đã 28 năm. Xưa nay, ngày nào Buôn Khăm cũng “cõng khách” đến kiệt sức, không có khách thì cột lại. Voi đã được thả về thiên nhiên, không cho khách du lịch ngồi trên lưng nó nữa, giờ chỉ có chăm và trông coi nó. Du lịch như vậy, voi khỏe và sống thọ hơn”.

Đứng bên voi Buôn Khăm, Y Mứh kể: “Trước đây, voi sống được 120 tuổi. Một năm được một mùa lúa, voi chỉ kéo 2 ngày là xong. Mùa vụ kết thúc, voi lại được thả về rừng để ăn và nghỉ ngơi. Đến ngày dân làng cúng lúa mới thì đưa voi về cúng, cầu mong cho nó mạnh khỏe. Sau đó, người ta đưa voi vào làm du lịch, cột voi đứng cả ngày. Khai thác kiệt sức voi, làm cho sức khỏe và tuổi thọ của voi giảm đi. Người đồng bào mình thương voi và coi voi nhưng con, cháu trong nhà. Giờ bỏ dịch vụ cưỡi voi, voi về với rừng có đầy đủ thức ăn, trong rừng voi đau ốm tự nó kiếm thuốc, tự nó nhổ rễ cây để ăn và tự chữa bệnh. Nhìn voi khỏe mạnh không gì vui sướng bằng”.

Giữa cánh rừng bạt ngàn mùa xanh, cách voi Buôn Khăm khoảng 500m là voi Thông Ngân (voi đực, 22 tuổi) của quản tượng Y Vi Sien Niê (40 tuổi, nài voi). Đang ngắm nhìn voi Thông Ngân mải mê ăn, Y Vi Sien chia sẻ: “Từ ngày voi được thả về với rừng, được sống tự do, chúng tôi mừng lắm vì mong muốn của mình lâu nay đã được thực hiện. Trước đây, voi chở khách, bị o ép nhiều. Ngày cao điểm Thông Ngân chở 7- 8 chuyến khách, mỗi khi chở khách thì phải khóa còng số 8 ở chân và cột thêm khúc gỗ để cho voi giảm tốc độ dễ điều khiển. Mỗi lần chở khách như vậy, thấy tội cho nó lắm”.

Hình ảnh du khách cưỡi voi sẽ không còn xuất hiện tại Khu du lịch Buôn Đôn

Sẵn sàng “giải thoát” cho voi

Rời Vườn Quốc gia Yok Đôn, chúng tôi tới Khu du lịch Buôn Đôn, nơi hàng ngày có nhiều con voi phải hoạt động chở khách du lịch. Trò chuyện với PV, nài voi Y Khu, đang có voi hoạt động chở khách du lịch cho hay: “Tại đây, có 9 con voi nhà được đưa vào hoạt động chở khách du lịch, riêng mình có voi khoảng 35 tuổi. Mùa hè khách đông, 1 tháng mình kiếm trên 30 triệu đồng, riêng ngày Tết trong vòng 7, 8 ngày cũng kiếm được gần 40 triệu đồng. Tháng 9, 10 kiếm được ít hơn, khoảng trên 10 triệu đồng. Trước đây, mình nuôi voi để kéo gỗ, kéo lúa… nhưng sau đó không dùng voi để kéo nữa nên chuyển qua làm du lịch để lấy thu nhập. Voi mình nuôi, chăm sóc rất vất vả mà không làm du lịch thì không có thu nhập”.

"Trung tâm Bảo tồn voi vừa kêu gọi Tổ chức Động vật châu Á hỗ trợ chuyển đổi mô hình du lịch thân thiện với voi. Vườn Quốc gia Yok Đôn là mô hình chuyển đổi đầu tiên. Thời gian tới, nếu các tổ chức nước ngoài có nguồn kinh phí hỗ trợ tiếp thì sẽ thực hiện ở các đơn vị khác. Hiện tại, tất cả các chủ voi đều thống nhất thực hiện theo mô hình du lịch sinh thái từ “cưỡi” sang “ngắm” voi. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng là làm sao đảm bảo được thu nhập cho các chủ voi thì họ sẵn sàng chuyển đổi."

Ông Nguyễn Công Chung
Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk

“Nếu chuyển đổi theo mô hình du lịch voi thân thiện mà thu nhập bằng hoặc cao hơn thu nhập hiện tại thì mình sẵn sàng chuyển đổi, sẵn sàng đưa voi vào làm du lịch thân thiện. Làm được như vậy là tạo điều kiện thuận lợi cho voi có thời gian dưỡng sức và không bị bóc lột sức khỏe. Cái đó là điều tốt. Chứ hiện tại voi mình đi làm du lịch sức khỏe nhiều lúc không tốt”, nài voi Y Khu cho hay.

Ông Đàng Năng Long (ngụ thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk), một gia đình có bề dày truyền thống về nuôi voi, hiện sở hữu và chăm sóc 7 con voi đánh giá: “Bên cạnh giá trị tâm linh với người Tây Nguyên, voi còn là phương tiện mưu sinh, giải quyết vấn đề đời sống của những người có voi. Vì vậy, chủ voi đưa voi vào làm du lịch. Thế nhưng khi voi làm du lịch vì lợi nhuận rồi không chú ý đến sức khỏe của voi. Bước chuyển đổi từ du lịch cưỡi voi sang du lịch “ngắm voi”, trải nghiệm cùng đời sống của voi là hướng đi đúng đắn để bảo tồn voi. Voi được về với tự nhiên, voi sẽ khỏe mạnh. Khi đó, voi có nơi giao duyên, gặp gỡ và giao phối sẽ duy trì được bầy đàn”.

Tuy vậy, ông Long cũng cho rằng, xưa nay du khách đến với Tây Nguyên chỉ có một loại hình giải trí là cưỡi voi. Trong điều kiện nhiều người đã quen với cưỡi voi mà “đột ngột” chuyển qua “ngắm” có thể du lịch sẽ bị ngắt quãng, lượng khách sẽ không đến nhiều như trước. “Nếu chúng ta ồ ạt thực hiện sẽ thất bại. Vì vậy, chúng ta phải làm điểm, một nơi cưỡi và một nơi ngắm. Nơi thăm, ngắm phải yêu cầu rừng đẹp và quy hoạch bài bản. Các điều kiện trong rừng phải được đảm bảo như: Đường đi, có lô cốt tránh khi voi tấn công, đài quan sát voi. Vì voi là động vật hoang dã, chỉ về với tự nhiên 6 tháng thì nó sẽ trỗi dậy bản năng của loài vật. Khi khách du lịch tiếp cận sẽ rất nguy hiểm”, ông Long nói.

Hướng đi đúng để bảo tồn voi

Ông Vũ Đức Giỏi, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ Vườn Quốc gia Yok Đôn cho biết: “Đây là dự án chỉ dành riêng cho Vườn Quốc gia Yok Đôn với 3 con voi của vườn. Tổ chức Động vật châu Á muốn Vườn Quốc gia Yok Đôn đi đầu trong chuyển đổi mô hình du lịch từ “cưỡi” qua “ngắm” voi. Qua đó, tạo thói quen cho khách du lịch, không phải cưỡi voi mới là du lịch mà chúng tôi sẽ cung cấp cho du khách nhiều kiến thức hơn về voi, để du khách hiểu và trải nghiệm cùng voi. Tổ chức Động vật châu Á muốn chuyển đổi hẳn từ du lịch “cưỡi” voi qua du lịch trải nghiệm cùng voi, thực hiện ngừng du lịch “cưỡi” voi.

Theo ông Giỏi, voi ăn trong tự nhiên mới đủ chất, một ngày ăn 300kg thức ăn. Tuy nhiên, khi hoạt động chở khách, cả ngày phục vụ khách nhưng chỉ được mấy cây mía, trong khi đây không phải thức ăn chính của voi. Vì vậy, voi bị ảnh hưởng về thể chất, tinh thần và sức khỏe. “Giờ chuyển đổi qua mô hình này thì quá tuyệt vời rồi”, ông Giỏi chia sẻ.

Ông Phạm Tuấn Linh, Phó giám đốc phụ trách Vườn Quốc gia Yok Đôn đánh giá, việc sử dụng voi làm du lịch như cách làm truyền thống (cưỡi voi) gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tuổi thọ của voi. Vườn có 3 cá thể voi phục vụ công tác tuần tra và hoạt động du lịch sinh thái. Cách đây 3 năm đơn vị đã bắt đầu chuyển đổi từ mô hình sử dụng voi làm du lịch thông thường sang hình thức du lịch thân thiện như ngắm voi. Sau đó, hoạt động du lịch mới này đã thu hút được du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài.

Hiện nay, với sự hỗ trợ của Tổ chức Động vật châu Á, những con voi của vườn được tự do đi lại, kiếm ăn dưới những tán rừng, thể hiện những tập tính tự nhiên của chúng, những tiếp xúc với con người sẽ được hạn chế tối đa.

Được biết, hiện tại toàn tỉnh Đắk Lắk chỉ còn 45 cá thể voi nhà. Hơn 30 năm nay chưa ghi nhận tình trạng voi nhà sinh sản nên vấn đề bảo tồn voi đang được xem xét, nghiên cứu.

Ngọc Hùng

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/khi-voi-buon-don-khong-con-phai-cong-khach-d268556.html