Khi web-drama hòa vào dòng chảy chính thống

Với sự phát triển của mạng xã hội, những sản phẩm điện ảnh bây giờ không còn bị phụ thuộc vào đài truyền hình nữa. Và đây là cơ hội để web-drama xuất hiện. Từ khoảng năm 2010, khán giả bắt đầu làm quen với khái niệm này, họ nhanh chóng đón nhận và yêu thích nó.

Có thể hiểu một cách đơn giản, web-dram là các thước phim được đạo diễn, thiết kế, đầu tư để có thể đến với khán giả thông qua hệ thống internet. Web-drama nở rộ là do mạng lưới internet quá phổ biến và tiện lợi, tính truyền thông mạnh mẽ hơn rất nhiều so với truyền hình. Một lý do nữa là các nhà đạo diễn không muốn “đứa con tinh thần” của mình bị cắt xén thời gian chiếu cho phù hợp với thời gian của đài truyền hình hoặc bị hoãn phát sóng... Hơn nữa, khi đưa sản phẩm của mình lên web, doanh thu của họ không những lớn hơn rất nhiều mà còn có doanh thu định kỳ hàng tháng nhờ bán quảng cáo.

Web-drama nhắm vào đối tượng

khán giả nào?

Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội do dịch COVID-19, các nghệ sĩ Việt Nam liên tiếp ra mắt các web-drama mới với nội dung đa dạng. Cuộc đua này vốn đã hấp dẫn nay càng tăng nhiệt bởi sự đầu tư nghiêm túc của các ê-kíp sản xuất. Những tác phẩm web-drama thường hướng về giới trẻ. Do vậy, nội dung của các bộ phim này thường mang đậm yếu tố hài hước, gây cười.

Gần đây, danh sách các web drama nổi bật và sắp ra mắt có Nhà trọ có quá trời phòng phần 2 của diễn viên Nam Thư; Bánh bèo hữu dụng, Thằng khờ 3 của Quách Ngọc Tuyên... Một số dự án mới vừa bấm máy như: Tâm sắc tấm của diễn viên Ngọc Thanh Tâm; Đệ nhất kỹ nam của Lê Dương Bảo Lâm... Nổi bật phải kể đến web-drama học đường mang tên Đừng làm bạn nữa do Han Sara và Tùng Mara đảm nhiệm vai chính vừa được ra mắt đầu tháng 11.

Web-drama Đừng làm bạn nữa hút khán giả với nhiều tình huống cười ra nước mắt, đặc biệt là sự tham gia của dàn diễn viên trẻ đang được yêu thích.

Nội dung phim xoay quanh tình bạn thắm thiết giữa cặp đôi nhân vật chính cùng những tình tiết khó đỡ, thậm chí được lấy cảm hứng từ chính đời thật của 2 diễn viên. Những nhân vật trong phim với những tính cách khác nhau là Hân (Han Sara) - cô gái mạnh mẽ, trượng nghĩa, cá tính bên cạnh 2 cậu bạn thân: Tùng (Tùng Maru) - yếu đuối, ấm áp cùng Mạnh (Kus) - lém lỉnh, tinh ranh. Tuyến nhân vật phụ là Phúc (Đặng Trần Nhậm) và Nhã (Tâm Thanh) sẽ là kẻ mang đến không ít phiền toái cho bộ ba bạn thân này. Dễ dàng nhận thấy web-drama Đừng làm bạn nữa hút khán giả với nhiều tình huống cười ra nước mắt, đặc biệt là sự tham gia của dàn diễn viên trẻ và đang được yêu thích.

Dấu hỏi về chất lượng

Không chỉ nghệ sĩ trẻ, gần đây, hầu hết những tên tuổi nghệ sĩ có tên tuổi đều đã thử nghiệm lĩnh vực web-drama và cho ra mắt sản phẩm mới. Trong cuộc cạnh tranh đầy hấp dẫn đó, ý thức về chất lượng luôn được chú trọng. Tính đến thời điểm hiện tại, một số phim đã nhận được đánh giá cao của khán giả thông qua số lượt xem trên YouTube như: Tay buôn buông tay, Ghe bẹo ghẹo ai của Võ Đăng Khoa; Ai chết giơ tay của Huỳnh Lập; Nam phi liên hoàn kế, Nhà trọ có quá trời phòng của Nam Thư; Thập tam muội của Thu Trang; Bố già của Trấn Thành; Kẻ săn tin của Minh Hằng; Xin chào Papa của Tuấn Trần; Bánh bèo hữu dụng, Thằng khờ của Quách Ngọc Tuyên; Yêu lại từ đầu của Việt Hương; Đại Kê chạy đi của NSND Hồng Vân...

Từ năm 2018 về trước, số lượng phim web-drama còn ít, nội dung chủ yếu hài hước, thậm chí là phim hài không có nội dung (hay còn gọi hài nhảm). Giữa năm 2019 tới nay, những bộ phim theo hình thức này được công chiếu đã cho thấy sự phát triển nhất định về đề tài, nội dung, diễn xuất trong phim. Việc đầu tư sản xuất các web-drama không chỉ giúp nghệ sĩ mang hình ảnh của mình đến gần hơn với công chúng, mà còn giúp họ có cơ hội thể hiện nhiều hơn.

Không chỉ đảm nhận các vai chính, họ còn cho thấy sự đa năng khi kiêm nhiệm thêm nhiều vai trò khác. Trong Nhà trọ có quá trời phòng phần 2, Nam Thư đảm nhận đến 3 vai trò: diễn viên chính, đồng đạo diễn và đồng tác giả kịch bản. Bên cạnh diễn xuất, Tuấn Trần giữ vai trò sản xuất, điều phối ê-kíp trong Xin chào papa. Dù dành nhiều thời gian luyện tập cho các phân cảnh hành động trong phim Kẻ săn tin, Minh Hằng đồng thời là tác giả kịch bản và giám đốc sản xuất cho dự án của mình. Đây cũng là xu hướng chung của web-drama của các nghệ sĩ hiện nay.

Sự nỗ lực của các nghệ sĩ, những nhà sản xuất phim dưới hình thức web-drama là điều đáng ghi nhận. Rõ ràng, khi đã hòa vào dòng chảy chính thống và thị hiếu khán giả ngày một nâng cao, các web-drama được sản xuất cẩu thả, cố tình câu khách dần bị xóa sổ. Đối với các nghệ sĩ chuyên nghiệp, mỗi sản phẩm chính là định danh thương hiệu cá nhân, do đó cuộc đua chất lượng trên sân chơi này đang ngày càng hấp dẫn.

Việt Sơn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khi-web-drama-hoa-vao-dong-chay-chinh-thong-n182937.html