Khi xảy ra mâu thuẫn giữa người bệnh và nhân viên y tế, ai sẽ là người hòa giải?

Công tác xã hội trong bệnh viện có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa tinh thần và thể chất của người bệnh, giữa người bệnh với người thân, giữa người bệnh với nhân viên y tế.

Cầu nối giải quyết những mâu thuẫn

Được thành lập từ năm 2011 dựa trên cơ sở của Tổ công tác xã hội, Phòng Công tác xã hội Bệnh viên Nhi Trung ương hiện nay có 7 thành viên trong đó có 2 cử nhân về công tác xã hội. Với số lượng bệnh nhân nội trú là 1.700 bệnh nhân/ngày và 3.000 - 4.000 lượt khám/ngày, công tác xã hội tại Bệnh viện Nhi Trung ương đóng góp một vai trò rất quan trọng.

Bà Dương Thị Minh Thu - Trưởng phòng Công tác xã hội, BV Nhi Trung ương

Bà Dương Thị Minh Thu - Trưởng phòng Công tác xã hội, BV Nhi Trung ương cho biết: "Đặc thù của nghề công tác xã hội là không thể mang tiền về để đóng góp vào quỹ phúc lợi của BV, tuy nhiên, chúng tôi đã giúp đỡ nhân viên y tế giải quyết những căng thẳng rất nhiều. Ngoài ra, đối với những hoàn cảnh khó khăn khi đến điều trị tại BV cũng được chúng tôi quan tâm, chăm sóc."

Lấy dẫn chứng về việc có những ca bệnh rất nặng, không có tiền, nhưng người nhà bệnh nhân lại khúc mắc bác sĩ, dỗi đòi về, bà Thu chia sẻ, lúc đó nhân viên công tác xã hội chính là người động viên, dỗ dành, hứa hẹn và an ủi, họ đã đồng hành và rất may sau đó đứa trẻ đó đã khỏi bệnh và trở lại với cuộc sống bình thường.

"Khi xảy ra khúc mắc giữa nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân đều là do tinh thần, thái độ phục vụ chứ về chuyên môn người nhà không thể nắm được. Vậy ai là người giải quyết những khúc mắc giữa nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân, lúc đó họ sẽ không bao giờ nghe nhân viên y tế giải thích mà chính là nhân viên công tác xã hội, những người đã cùng đồng hành với họ ngay từ lúc vào bệnh viện." - Trưởng phòng Công tác xã hội, BV Nhi Trung ương cho biết thêm.

Còn theo ông Nguyễn Trung Anh - Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương: "Sự già hóa dân số hiện nay đang kéo theo mô hình bệnh tật thay đổi, người cao tuổi hiện nay đang mắc nhiều bệnh cùng một lúc khiến cho vấn đề điều trị, quản lý, chăm sóc nặng nề hơn. Vì vậy, chúng tôi xác định người làm công tác xã hội tại Bệnh viện phải thực sự là cầu nối, hỗ trợ cho người cao tuổi với xã hội cả về vật chất lẫn tinh thần."

80% Bệnh viện Trung ương sẽ có Phòng công tác xã hội

Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, công tác xã hội đã phát triển trở thành một nghề chuyên nghiệp. Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bệnh viện là nơi cần có hoạt động của công tác xã hội nhất.

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Y tế

Tại các nước phát triển, hầu hết các bệnh viện đều có phòng công tác xã hội và đây là một trong những điều kiện được công nhận là hội viện của Hội các bệnh viện. Sự hỗ trợ của nhân viên công tác xã hội đã làm tăng thêm sự hài lòng của người bệnh và gia đình bệnh nhân khi đến điều trị tại bệnh viện.

Nghề công tác xã hội ở Việt Nam chính thức được công nhận từ năm 2010 sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010. Công tác xã hội trong ngành y tế được hình thành sau đó khi Bộ Y tế ban hành Đề án "Phát triển nghề công tác xã hội trong ngành Y tế giai đoạn 2011 - 2020".

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Y tế: "Mục tiêu của công tác xã hội trong ngành y tế đó là hỗ trợ người bệnh khắc phục những khó khăn về xã hội để đạt được hiệu quả chăm sóc sức khỏe tốt nhất."

Đồng thời, nhân viên công tác xã hội cũng là cầu nối để hỗ trợ, giải quyết các mâu thuẫn, xung đột giữa người thân với người bệnh, giữa người bệnh với người bệnh và giữa người bệnh với nhân viên y tế...

"Nằm trong kế hoạch phát triển nghề công tác xã hội trong y tế, Bộ Y tế đặt ra mục tiêu sẽ thành lập phòng công tác xã hội tại 80% Bệnh viện tuyến Trung ương và 60% Bệnh viện tuyến tỉnh" -ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết.

Thế Công

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/y-te/khi-xay-ra-mau-thuan-giua-nguoi-benh-va-nhan-vien-y-te-ai-se-la-nguoi-hoa-giai-363297.html