Khiếu nại, tố cáo còn phức tạp, gay gắt

Ngày 14/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018. Tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân từ cuối năm 2017 đến nay nhìn chung còn diễn biến phức tạp và gay gắt khi tăng cả về số lượng đơn thư và số vụ việc, trong khi việc giải quyết của chính quyền địa phương còn chậm, chưa phù hợp với thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Văn Pha phát biểu tại buổi thảo luận ngày 14/11. Ảnh: Quang Vinh

Tăng số đơn lẫn số vụ

Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2018, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: Năm 2018, tổng số đơn khiếu nại, tố cáo tăng 11,8%, tổng số vụ việc khiếu nại tố cáo tăng 4,7% nhưng số lượt đoàn đông người không tăng so với năm 2017. Về khiếu nại so với năm 2017 tăng 3,3% số đơn và 1,6% số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước. Số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại (61,8%). Về tố cáo so với năm 2017 tăng 41,1% số đơn và 16,3% số vụ việc. Nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỷ lệ 59%, tăng 5,6% so với năm 2017.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, báo cáo của Chính phủ vẫn chưa phân tích được số liệu những vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan theo ngành dọc ở địa phương như bảo hiểm xã hội, thuế, hải quan, thi hành án dân sự; chưa phân tích cụ thể việc xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài; chưa có đánh giá xu hướng phát triển của các vụ việc khiếu kiện tập trung đông người ẩn chứa yếu tố phức tạp, nhạy cảm hoặc có sự kích động, lôi kéo của các thế lực thù địch, gây mất an ninh, trật tự xã hội tại một số địa phương.

“Bên cạnh đó, thời gian qua đã phát sinh một số khiếu nại phức tạp trong các lĩnh vực kinh tế, dân sự mà không phải là khiếu nại các cơ quan hành chính nhà nước, như khiếu nại mức thu phí tại các Trạm BOT đường bộ; khiếu nại việc không bàn giao nhà, không làm thủ tục cấp sổ đỏ của chủ đầu tư nhà chung cư hoặc chậm tiến độ thi công so với hợp đồng đã ký kết, chậm giải ngân hoặc ngừng giải ngân nguồn vốn đã được ngân hàng ký cam kết”-ông Định dẫn chứng và nhìn nhận đây cũng là những vấn đề thực tế cuộc sống đặt ra, là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện đông người, đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm, có hướng giải quyết, xử lý hài hòa quyền lợi của người dân, của nhà đầu tư và của Nhà nước để bảo đảm ổn định xã hội.

Tăng cường đối thoại với dân

Chỉ rõ tình hình khiếu nại, tố cáo còn diễn biến phức tạp, còn tình trạng người dân căng khẩu hiệu, biểu ngữ, đến nhà các lãnh đạo cấp cao tại Trung ương để gây áp lực cho việc giải quyết, và chủ yếu các nội dung khiếu nại tố cáo vẫn là lĩnh vực đất đai, theo ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An), việc giải quyết khiếu nại tố cáo tại địa phương còn chậm, giải quyết chưa đúng, chưa phù hợp với thực tiễn, chất lượng giải quyết một số vụ việc chưa cao. Theo thống kê của Thanh tra Chính phủ, đã có 56 trường hợp được minh oan, trả lại quyền lợi. Cán bộ giải quyết khiếu nại, tố cáo còn để xảy ra sai xót trong chuyên môn, nhiều nơi phải bị khởi tố hình sự.

Để nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo, theo ông Mão cần tăng cường đối thoại với người dân. Đồng thời tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh sai phạm trong công tác quản lý đất đai, tái định cư đảm bảo hài hòa lợi ích của người bị mất đất đến nơi ở mới phải bằng nơi ở cũ. “Kiên quyết xử lý người không thực hiện kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo mà cố tình khiếu nại tố cáo kéo dài”-ông Mão cho hay. Quan điểm trên cũng nhận được sự đồng tình của ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu).

Nguyên nhân gia tăng số lượng đơn thư, có nơi phức tạp làm ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự, được ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đánh giá là do chất lượng giải quyết khiếu nại tố cáo tại cơ sở chưa cao, nhất là tại cấp xã, huyện. Chưa kể có việc cán bộ còn thách thức người dân khiếu kiện. Nếu vụ việc được xem xét kịp thời ngay từ đầu thì người dân sẽ đồng tình, còn ngược lại sẽ phát sinh khiếu nại tố cáo vượt cấp, bên cạnh đó sự thoái hóa của cán bộ công chức hiện nay đang là một trong những nguyên nhân gây khiếu kiện.

Đưa ra giải pháp, ông Tám cho rằng, cần coi trọng đối thoại với người dân trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. “Trong tình hình phức tạp của mạng xã hội, có nhiều thông tin sai lệch. Cho nên thông qua đối thoại sẽ cung cấp thông tin cho người dân hiểu qua đó tránh phát sinh khiếu nại, tố cáo kéo dài” - ông Tám nói.

Quốc hội thảo luận Dự án Luật Kiến trúc; thông qua Nghị quyết phân bổ ngân sách năm 2019

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Kiến trúc. Các ĐB đã bày tỏ quan điểm nhất trí cao về Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành luật. ĐB Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng) cho rằng, hoạt động kiến trúc là đặc thù, vừa là phát triển kinh tế vừa là sáng tạo, nâng cao chất lượng cuộc sống, hình thành văn hóa của đất nước. Cho nên cần bổ sung chính sách của Nhà nước về hoạt động kiến trúc. Theo ông Khải, Luật phải tuân thủ quy chuẩn quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc, đảm bảo an toàn hài hòa với thiên nhiên, đất đai, và thích ứng với biến đổi khí hậu, tài nguyên thiên nhiên. Quản lý kiến trúc phải khoa học, bền vững, điều chỉnh quy hoạch quy chế thường xuyên sẽ làm mất tính ổn định do đó phân cấp quản lý quy chế quản lý kiến trúc loại 1,2,3, 4 do UBND cấp tỉnh, thành duyệt phê chuẩn, còn những công trình quốc gia, quản lý kiến trúc phải do Thủ tướng phê duyệt.

Cũng trong chiều 14/1, với 90,31% ĐBQH có mặt tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019. Nghị quyết này quyết nghị: Tổng số thu ngân sách Trung ương là 810.099 tỷ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 601.201 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách Trung ương là 1.019.599 tỷ đồng, trong đó dự toán 321.354 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Nghị quyết cũng yêu cầu, Chính phủ chỉ đạo và hướng dẫn các bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ vốn đầu tư phát triển ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách trung ương; bố trí vốn để thu hồi vốn ứng trước nguồn ngân sách Trung ương trong giai đoạn 2016-2020 còn lại chưa thu hồi; kiên quyết cắt giảm số vốn bố trí không đúng quy định; xử lý nghiêm các trường hợp để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Bớt vô cảm thì khó khăn không tồn tại lâu thế

Theo ĐB Nguyễn Văn Pha (Đoàn Nam Định) một tồn tại, hạn chế lớn nhất nhưng không được báo cáo của Chính phủ đề cập đến chính là trách nhiệm rất lớn của chính quyền một số địa phương. Dẫn chứng “năm 2015 thực hiện chương trình phối hợp giữa UBTƯMTTQ Việt Nam-Thanh tra Chính phủ-Bộ Tư pháp-Liên đoàn luật sư Việt Nam-Hội Luật gia Việt Nam” với tư cách Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam và làm trưởng đoàn, ông có đến một tỉnh phía Nam xem xét cụ thể một vụ việc tồn đọng về thi hành án dân sự.

“Lúc đó bản án đã có hiệu lực 14 năm. Tòa xử 4 lần và khẳng định xét xử đúng pháp luật, có 10 văn bản của Bộ Tư pháp gửi chính quyền địa phương đề nghị xử lý dứt điểm vụ án nhưng địa phương không làm được. Và địa phương đưa ra lý do duy nhất là một cụ 80 tuổi và mang xăng bên mình, nếu cưỡng chế thì đốt tự thiêu”- ông Pha kể, và cho biết: Khi đến nơi hỏi chính quyền và công an tỉnh thì công an tỉnh nói nếu quyết tâm thì vẫn làm được. Khi quay về tỉnh làm việc với Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự của tỉnh do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban thì đồng chí này nói vì sắp chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc nên xin hứa sau Đại hội đảng các cấp thì thi hành. Đến nay, Đại hội đảng các cấp đã xong, Đại hội Đảng toàn quốc đã xong và đồng chí đó đã lên một vị trí rất cao nhưng bản án chưa thi hành. “Rõ ràng, nếu như có ý thức phục vụ nhân dân, bớt vô cảm, coi khó khăn của dân như khó khăn của người nhà mình thì khó khăn không tồn tại lâu thế”-ông Pha nhấn mạnh.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-hoi/khieu-nai-to-cao-con-phuc-tap-gay-gat-tintuc422707