Khiếu nại về đất đai có chiều hướng tăng

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 11/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019.

Trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, năm 2019, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn diễn biến phức tạp, trong đó trên một số lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ trở thành điểm nóng về khiếu nại, tố cáo, đó là: lĩnh vực môi trường; liên quan đến đất nông - lâm trường; liên quan đến quyền của người mua nhà ở một số dự án sai phép, nhà ở trong các khu nghỉ dưỡng….

Toàn cảnh Phiên họp (ảnh: QK)

Toàn cảnh Phiên họp (ảnh: QK)

Đáng chú ý là một số vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp có quy mô lớn nhưng việc xem xét, giải quyết quyền lợi của người bị thu hồi đất chưa thấu đáo, kịp thời nên tiếp tục diễn ra rất gay gắt (điển hình là khiếu nại, tố cáo của công dân Khu đô thị Thủ thiêm, TP Hồ Chí Minh).

Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết tiếp, về khiếu nại: So với năm 2018 giảm 5,5% số đơn và giảm 6,8% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại (67,7% tăng 5,9% so với năm 2018). Về tố cáo, so với năm 2018 giảm 11,3% số đơn nhưng tăng 6,6% số vụ việc thuộc thẩm quyền.

Sáng 11/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013 (2014-2019).

Sau 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp, trong số 90 luật, pháp lệnh được liệt kê tại Danh mục, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 69 luật, pháp lệnh, trong đó có các đạo luật mang tính nền tảng, rường cột của hệ thống pháp luật; còn 21 dự án luật, pháp lệnh nằm trong Danh mục nhưng chưa được ban hành.

Nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm 66,5% (tăng 1,2% so với năm 2018). Tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt cao (85,4%, so với mục tiêu đề ra là 85%), nhiều đơn vị có tỷ lệ giải quyết cao (trên 90%). Công tác đối thoại trong giải quyết khiếu nại được quan tâm, tiến hành công khai, dân chủ.

Báo cáo thẩm tra nội dung này do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày cho rằng: Báo cáo của Chính phủ đã phản ánh được những cố gắng, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành; những nỗ lực, cố gắng của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Tố cáo vẫn còn chưa kịp thời; kết luận, kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi Nghị định số 75/2012/NĐ-CP vẫn chưa được thực hiện.

Báo cáo của Chính phủ chưa nêu rõ sự chậm chễ này tác động như thế nào tới việc thi hành Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo năm 2018 cũng như tình hình khiếu nại, tố cáo và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, do đó đề nghị bổ sung làm rõ nội dung này trong Báo cáo trình Quốc hội.

Cạnh đó, một số ý kiến đề nghị Báo cáo cần làm rõ thêm tình hình khiếu nại có diễn biến phức tạp tại một số địa phương liên quan đến vi phạm trong lĩnh vực môi trường, tranh chấp đất đai có nguồn gốc do nông, lâm trường quản lý, việc chuyển đổi mô hình chợ truyền thống, việc thu phí tại các trạm BOT, vấn đề mua bán và quản lý nhà chung cư; đặc biệt nổi lên là một số vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc xem xét, giải quyết quyền lợi của người bị thu hồi đất đầu tư xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp có quy mô lớn (như Khu đô thị Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh…

Để nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại tố cáo, Ủy ban Pháp luật đề nghị: Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là đề xuất cụ thể đối với việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về đất đai để giảm bớt khiếu kiện…

H.Lê

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/khieu-nai-ve-dat-dai-co-chieu-huong-tang-96266.html