Kho Bạc Nhà nước Hậu Giang: Ứng dụng công nghệ thông tin giúp khách hàng giao dịch thuận lợi

Nhờ triển khai, vận hành tốt các ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ cũng như có nhiều sáng kiến cải tiến, Kho bạc Nhà nước Hậu Giang được các đơn vị sử dụng ngân sách, khách hàng giao dịch đánh giá cao về công tác phục vụ và kiểm soát các khoản chi ngân sách kịp thời, an toàn.

Triển khai hiệu quả các chương trình, ứng dụng công nghệ thông tin

Với phương châm “khách hàng là trọng tâm phục vụ”, từ nhiều năm nay, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Hậu Giang đã luôn chú trọng triển khai, vận hành và khai thác có hiệu quả các chương trình, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) cốt lõi của KBNN như: hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis); thanh toán song phương điện tử; phối hợp thu ngân sách với các ngân hàng thương mại trên địa bàn và đặc biệt là triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT).

Công chức KBNN đang thực hiện kiểm soát các khoản chi ngân sách trên dịch vụ công trực tuyến của KBNN. Ảnh: H.T

Công chức KBNN đang thực hiện kiểm soát các khoản chi ngân sách trên dịch vụ công trực tuyến của KBNN. Ảnh: H.T

Theo báo cáo từ KBNN Hậu Giang, đến nay, hệ thống DVCTT đã vận hành ổn định trong tất cả các đơn vị KBNN trên địa bàn tỉnh, đồng thời cung cấp đủ 11 thủ tục hành chính mức độ 4 cho 100% đơn vị sử dụng ngân sách (trừ khối an ninh, quốc phòng).

Đánh giá từ KBNN Hậu Giang cho thấy, từ khi triển khai DVCTT, lượng chứng từ giấy đã giảm đi rất nhiều, đồng thời rút ngắn được thời gian kiểm soát các hồ sơ, thủ tục thanh toán vốn NSNN nên đã giúp nâng cao hiệu suất lao động của các công chức trong đơn vị.

Trong năm 2021 vừa qua, KBNN Hậu Giang đã trở thành đơn vị đứng đầu về ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh (theo đánh giá của UBND tỉnh và Hội đồng đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh)

Đối với các đơn vị sử dụng ngân sách, thay vì phải trực tiếp mang chứng từ, hồ sơ thanh toán vốn NSNN đến KBNN như trước đây, thì nay chỉ cần gửi hồ sơ, thủ tục thanh toán vốn lên DVCTT và thông qua các dòng trạng thái thông báo phản hồi của KBNN trên DVCTT để theo dõi tiến trình xử lý hồ sơ của công chức KBNN vì thế đã giảm được nhiều chi phí và thời gian đi lại.

Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách hơn nữa, KBNN Hậu Giang đã triển khai phần mềm cảnh báo rủi ro trong kiểm soát chi NSNN. Phần mềm đã cung cấp thêm cho các đơn vị sử dụng ngân sách một công cụ quản lý, theo dõi biến động số dư tài khoản trên thiết bị di động để có sự chủ động trong việc chi tiêu nguồn NSNN được phân bổ.

Ngoài ra, KBNN Hậu Giang còn triển khai hệ thống tổng kế toán nhà nước với 2 chức năng: tiếp nhận báo cáo cung cấp thông tin tài chính (dành cho đơn vị dự toán) và xử lý tổng hợp báo cáo tài chính nhà nước (dành cho công chức KBNN) giúp các đơn vị dự toán cung cấp thông tin tài chính ngân sách kịp thời, đầy đủ, đúng quy định để KBNN thực hiện chức năng tổng kế toán thuận lợi, đúng yêu cầu và tiến độ theo quy định.

Nhiều sáng kiến giúp giảm thời gian kiểm soát

Tabmis là hệ thống thông tin tích hợp, có kết nối, giao diện với cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành Tài chính, hệ thống thanh toán điện tử với ngân hàng… đã góp phần không nhỏ rút ngắn thời gian thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, nếu người dùng vẫn thực hiện theo dõi và kiểm soát số dư tài khoản trung gian theo phương thức thủ công sẽ mất 1 - 2 ngày.

Công chức KBNN đang thực hiện đối chiếu số liệu với đơn vị sử dụng ngân sách để thực hiện kiểm soát, thanh toán vốn. Ảnh: H.T

Để khắc phục những tồn tại này, qua một thời gian tìm tòi, nghiên cứu, khai thác tối đa các tính năng của hệ thống Tabmis kết hợp với các tiện ích trên Microsof Excel, công chức Phòng Kế toán nhà nước - KBNN Hậu Giang đã đưa ra sáng kiến “Khai thác các tính năng của hệ thống Tabmis kết hợp ứng dụng phần mềm Microsof Excel để theo dõi, kiểm soát số dư tài khoản phải trả trung gian đối với các giao dịch chưa được xử lý hết quy trình phát sinh hàng ngày trên phân hệ quản lý chi tại hệ thống Tabmis”. Sáng kiến đã giúp rút ngắn thời gian kiểm soát xuống còn 30 phút và đảm bảo số liệu được thuyết minh một cách chính xác và kịp thời.

Với những nỗ lực cải cách, hiện đại hóa trong nghiệp vụ, nâng cao chất lượng phuc vụ, KBNN Hậu Giang luôn nhận được sự đánh giá hài lòng của khách hàng và các đơn vị sử dụng ngân sách. Đặc biệt, trong năm 2021 vừa qua, KBNN Hậu Giang đã trở thành đơn vị đứng đầu về ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh (theo đánh giá của UBND tỉnh và Hội đồng đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh).

Ngoài ra, xuất phát từ các vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai các nghiệp vụ, nhất là ở lĩnh vực đề nghị cam kết chi, cũng từ việc nghiên cứu, khai thác các tính năng của phần mềm Microsof Excel, KBNN Hậu Giang đã đưa ra sáng kiến “Ứng dụng phần mềm Microsof Excel mở sổ theo dõi dự toán đã đề nghị cam kết chi của các đơn vị sử dụng ngân sách”. Với ứng dụng này, các công chức làm công tác kiểm soát chi đã lập file theo dõi chi tiết từng số cam kết chi theo từng gói thầu, từng quyết định giao dự toán giúp tránh được sai sót có thể xảy ra như cam kết chi nhầm dự toán hoặc không đủ dự toán được giao.

Khi KBNN Hậu Giang đưa sáng kiến vào áp dụng đã tiết kiệm được thời gian kiểm soát, đảm bảo số liệu chính xác, đáp ứng kịp thời nhu cầu rà soát số liệu, giúp nâng cao chất lượng của công chức kiểm soát chi.

Với những nỗ lực cải cách, hiện đại hóa trong nghiệp vụ, nâng cao chất lượng phục vụ, KBNN Hậu Giang luôn nhận được sự đánh giá hài lòng của khách hàng và các đơn vị sử dụng ngân sách. Đặc biệt, trong năm 2021 vừa qua, KBNN Hậu Giang đã trở thành đơn vị đứng đầu về ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh (theo đánh giá của UBND tỉnh và Hội đồng đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh)./.

An Nhi

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kho-bac-nha-nuoc-hau-giang-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-giup-khach-hang-giao-dich-thuan-loi-110365.html