Kho bạc Nhà nước mở rộng hợp tác với ngân hàng

Kho bạc Nhà nước (KBNN) có kế hoạch mở rộng hợp tác với các ngân hàng thương mại trong thu ngân sách và thanh toán song phương điện tử nhằm tiếp tục thực hiện lộ trình hiện đại hóa hoạt động, xây dựng thành công kho bạc số.

“Muốn đi xa phải đi cùng nhau”

Mới đây, KBNN tổ chức cuộc họp với gần một chục ngân hàng thương mại để triển khai công tác phối hợp thu ngân sách nhà nước và thanh toán song phương điện tử. Đại diện Cục Quản lý ngân quỹ, Cục Kế toán Nhà nước, Cục Công nghệ thông tin của KBNN và đại diện các ngân hàng thương mại trao đổi cụ thể về mục tiêu hợp tác, lộ trình triển khai và những bước cụ thể.

Đại diện các đơn vị KBNN trao đổi với đại diện các ngân hàng thương mại. Ảnh H.Lan

Đại diện các đơn vị KBNN trao đổi với đại diện các ngân hàng thương mại. Ảnh H.Lan

“Đây là một trong những hoạt động nằm trong lộ trình hiện đại hóa, hướng đến kho bạc số của KBNN”, Phó Tổng giám đốc KBNN Trần Thị Huệ cho biết.

Với quan điểm “muốn đi xa phải đi cùng nhau”, Phó Tổng giám đốc KBNN Trần Thị Huệ khẳng định, KBNN mong muốn và sẵn sàng hợp tác với các ngân hàng thương mại có nhu cầu và sẵn sàng đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin, nhân lực để thực hiện phối hợp thu ngân sách nhà nước và thanh toán song phương điện tử với KBNN.

Theo bà Huệ, sự hợp tác này mang lại lợi ích cho cả 3 bên. Cụ thể, KBNN sẽ tập trung nhanh khoản thu về tài khoản của mình để chủ động trong quản lý ngân quỹ. Các ngân hàng thông qua cung cấp dịch vụ công cho Chính phủ có thể mở rộng tệp khách hàng và nâng cao vị thế với khách hàng. Người nộp thuế sẽ thuận lợi hơn vì mỗi ngân hàng có thế mạnh riêng và sẵn sàng xây dựng công cụ thanh toán hiện đại để tạo thuận lợi cho người dùng. Người nộp thuế có thể nộp thuế ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào trong ngày.

Thực tế, việc tổ chức phối hợp thu ngân sách nhà nước và thanh toán song phương điện tử với các hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần của KBNN đã được triển khai từ sớm, từ xa. Ngoài các ngân hàng thương mại nhà nước đã ký kết trước đó với KBNN, từ tháng 5.2020, có thêm 5 ngân hàng thương mại tham gia phối hợp thu gồm: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và mới đây nhất là Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).

Hướng đến kho bạc không tiền mặt

Số liệu của KBNN cho biết, hệ thống kết nối thu giữa KBNN và các ngân hàng thương mại, cơ quan quản lý các đối tượng nộp ngân sách giúp tập trung thu tới trên 99% đi qua kênh điện tử về kho bạc. Đồng thời, số thu, chi ngân sách nhà nước bằng tiền mặt qua hệ thống kho bạc chỉ còn chiếm tỷ lệ dưới 1%.

Không bằng lòng với kết quả này, mới đây, KBNN phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn hệ thống đến năm 2025, phấn đấu đến năm 2025 không còn giao dịch chi bằng tiền mặt và giảm đến mức tối thiểu các giao dịch thu bằng tiền mặt tại kho bạc.

Để đạt mục tiêu này, KBNN sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách; nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, an toàn, hiệu quả và có khả năng liên thông; mở rộng phối hợp với ngân hàng thương mại…

Cụ thể, KBNN sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới tài khoản phục vụ thu ngân quỹ nhà nước tại các ngân hàng thương mại; phối hợp với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các ngân hàng triển khai thu ngân sách theo mã định danh khoản thu để giảm thiểu truyền nhận thông tin giữa các cơ quan; đẩy mạnh các hình thức thu hiện đại như thu qua QR-Code, mobile-money, ví điện tử, mobilebanking...

Định kỳ hàng năm, KBNN phối hợp với ngành ngân hàng khảo sát tình hình cung ứng dịch vụ chi thanh toán cá nhân qua tài khoản, đặc biệt là địa điểm đặt máy ATM để báo cáo Bộ Tài chính quyết định mở rộng địa bàn bắt buộc chi thanh toán cá nhân qua tài khoản cho phù hợp với thực tế.

Vy Hương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/kho-bac-nha-nuoc-mo-rong-hop-tac-voi-ngan-hang-i292360/