Kho bạc Nhà nước Nam Định: Những dấu hiệu chạy chức, chạy quyền

Theo đơn tố cáo, từ nhiều năm nay tại KBNN tỉnh Nam Định, dưới sự điều hành, quản lý của Giám đốc KBNN, việc điều động, bổ nhiệm cán bộ theo cảm hứng, có dấu hiệu chạy chức chạy quyền.

>> Sai phạm ở Kho bạc Nhà nước tỉnh Nam Định: Bàn tay” nào che mắt dư luận?

>> Có hay không lợi ích nhóm?

>> Cố ý làm trái, gây thiệt hại nghiêm trọng

>> Mang của công cho mượn

>> Lãng phí ngân sách nhà nước?

>> Kho bạc Nhà nước tỉnh Nam Định: “Khuất tất” việc bổ nhiệm cán bộ (?!)

Không chỉ vi phạm Luật Ngân sách, gây lãng phí lớn trong đầu tư xây dựng cơ bản, khuất tất trong quản lý nhà nước, quản lý tài sản công, Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh Nam Định còn có những dấu hiệu chạy chức, chạy quyền, bổ nhiệm cán bộ trái quy định. Báo Kinh doanh và Pháp luật xin tiếp tục phản ánh tới bạn đọc những sai phạm của ông Vũ Văn Yên - Giám đốc KBNN, một điển hình về “dốc lòng trục lợi”…

Theo đơn tố cáo của bà Phạm Thị Liên, từng là Phó Trưởng phòng Kho quỹ (nay là nhân viên thu ngân) tại KBNN tỉnh Nam Định thì từ nhiều năm nay tại KBNN tỉnh Nam Định, dưới sự điều hành, quản lý của ông Vũ Văn Yên, việc điều động, bổ nhiệm cán bộ trong cơ quan đã thực hiện theo cảm hứng, có dấu hiệu chạy chức chạy quyền, điển hình nhất là trường hợp ông Đỗ Hữu Sỹ. Ngoài ra, còn hai trường hợp khác là ông Hoàng Đức Hồng và ông Nguyễn Tiến Phú.

Cổng ra vào trụ sở KBNN Nam Định tại số 167, Mạc Thị Bưởi, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định.

Qua điều tra, chúng tôi được biết, ông Đỗ Hữu Sỹ vốn là giám đốc KBNN huyện Nghĩa Hưng (Nam Định). Trong thời gian công tác tại đây, ông Sỹ đã gây mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng với cấp dưới là bà Khương Thị Huệ, Phó giám đốc. Lấy lý do ông Sỹ có đơn xin chuyển công tác về gần nhà, ông Yên ra tay giúp đỡ ông Sỹ bằng cách “đền bù xứng đáng” cho bà Huệ, giao cho bà này tiếp tục đảm nhiệm chức Phó giám đốc phụ trách nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có mảng Kiểm soát chi của KBNN huyện Nghĩa Hưng.

Đồng thời, ông Yên ký Quyết định số 73/QĐ-KBNĐ ngày 26/3/2014 điều động ông Sỹ về làm nhân viên tại Phòng Thanh tra KBNN tỉnh Nam Định từ ngày 01/4/2014, được bảo lưu hệ số phụ cấp chức vụ trong thời gian 6 tháng. Không hiểu ông Sỹ đã “hậu tạ” chu đáo cấp trên như thế nào mà chỉ chưa đầy 2 tháng sau, vào ngày 27/5/2014, ông Yên lại có Quyết định số 119/QĐ-KBNĐ bổ nhiệm ông Sỹ giữ chức Phó Trưởng phòng Thanh tra KBNN tỉnh Nam Định.

Theo một số cán bộ, nhân viên đã và đang làm việc tại KBNN tỉnh Nam Định thì ông Sỹ không đủ điều kiện để trở thành Phó Trưởng phòng Thanh tra vì chưa từng là thanh tra viên. Để trở thành thanh tra viên ông Sỹ phải có chứng chỉ đã bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra theo Điểm b, Khoản 2, Điều 6 - Thông tư 19 /2013/ TT-BTC. Thế nhưng, ông Sỹ vẫn được Giám đốc Yên bổ nhiệm, trong khi ai cũng biết rằng trong khoảng thời gian chưa đầy 2 tháng ông Sỹ không thể vừa làm hồ sơ nhập học, vừa học nghiệp vụ thanh tra, vừa chờ để được cấp chứng chỉ hoàn thành lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Thanh tra, lại vừa chờ thực hiện quy trình bổ nhiệm làm Thanh tra viên.

Rõ ràng, việc ông Sỹ trở thành Phó Trưởng phòng Thanh tra đã vi phạm Điểm b, Khoản 4, Nghị định số 97/2012/NĐ - CP Hướng dẫn thực hiện Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 về quy định tiêu chuẩn của một Thanh tra viên. Và đối chiếu với quy định Pháp luật, việc bổ nhiệm ông Sỹ đã vi phạm Điểm 1.1, Khoản 1, Điều 22, Quy chế bổ nhiệm được ban hành theo Quyết định số 1835/QĐ-BTC ngày 01/08/2011 của Bộ Tài chính. Theo quy định này, việc bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ phải nằm trong nguồn cán bộ quy hoạch, nhưng ông Sỹ mới từ nơi khác chuyển về nhận công tác tại Phòng Thanh tra nên không thuộc nguồn cán bộ quy hoạch.

Hơn nữa, ông Sỹ vừa nhận công tác chưa thể có kinh nghiệm và càng không thể thành thạo nghiệp vụ Thanh tra. Không hiểu vì lý do gì, gần 5 tháng sau, vào ngày 25/10/2014, ông Yên lại có Quyết định số 233/QĐ-KBNĐ điều động ông Sỹ giữ chức Phó Trưởng phòng, phụ trách Phòng Tổng hợp KBNN tỉnh Nam Định. Rồi đến ngày 01/10/2015, ông Yên lại có Quyết định bổ nhiệm ông Sỹ giữ chức Phó Trưởng phòng Kiểm soát chi? Như vậy, chỉ trong vòng 01 năm, 9 tháng, ông Đỗ Hữu Sỹ đã được giám đốc Vũ Văn Yên điều động, bổ nhiệm tới 4 lần, đảm nhiệm tới 4 chức vụ khác nhau?

Trong khi Pháp luật hiện hành đã quy định về điều động bổ nhiệm cán bộ công chức phải được thực hiện theo kế hoạch hàng năm. Việc xáo trộn liên tiếp trong điều động, bổ nhiệm như trường hợp của ông Sỹ tại KBNN tỉnh Nam Định là trái với nguyên tắc khiến đội ngũ cán bộ công chức không thể đảm bảo “vừa hồng, vừa chuyên” được.

Trước việc quản lý nhân sự bất thường của ông Vũ Văn Yên, Giám đốc KBNN Nam Định, bà Phạm Thị Liên đã mạnh dạn đứng ra làm đơn tố cáo lên lãnh đạo Kho bạc Nhà nước. Tuy nhiên, khi xác minh nội dung tố cáo, ông Nguyễn Hồng Hà, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước lại chỉ xác minh việc ông Sỹ được điều động bổ nhiệm là “có các quyết định, có họp bàn, thống nhất” chứ không hề xác minh việc làm đó có theo đúng quy hoạch hay không?

Đơn tố cáo gửi báo Kinh doanh & Pháp luật của bà Phạm Thị Liên.

Việc xác minh của Kho bạc Nhà nước chỉ cho thấy “có quyết định” còn quyết định đó có đúng quy định không, có tuân thủ pháp luật không và ông Sỹ được bổ nhiệm có đúng đối tượng không thì… không cần xác minh? Vì vậy, kết luận giải quyết tố cáo của Kho bạc Nhà nước đã cho rằng việc điều động, bổ nhiệm ông Sỹ 4 lần như vậy là đúng? Và dĩ nhiên, phải kết luận bà Liên là tố cáo sai.

Rõ ràng, ông Hà đã “quên mất” việc cho xác minh xem ông Sỹ có nằm trong nguồn cán bộ quy hoạch hay không, đã là thanh tra viên hay chưa, có chứng chỉ “hành nghề” không? Ông Hà cũng “quên mất” ông Sỹ mới được điều động về Phòng Thanh tra KBNN tỉnh Nam Định, liệu đưa lên lãnh đạo những thanh tra đã nhiều năm lão luyện có thuận lợi, hợp lý không?

Là Tổng Giám đốc, chắc chắn ông Hà quá hiểu việc làm của ông Yên đã vi phạm Kế hoạch điều động hàng năm của Kho Bạc Nhà nước (Công văn số 1736/KBNN-TCCB ngày 16/7/2015) và Điểm 1.1, Khoản 1, Điều 22, Quy chế bổ nhiệm được ban hành kèm theo Quyết định số 1835/QĐ-BTC ngày 01/8/2011 của Bộ Tài chính? Và hậu quả của việc quản lý, điều động, bổ nhiệm cán bộ theo “cảm hứng” của ông Yên, lại được lãnh đạo Kho bạc Nhà nước hậu thuẫn, bao che đã làm mất niềm tin của đội ngũ cán bộ công chức KBNN tỉnh Nam Định đối với lãnh đạo cấp trên.

Ngoài trường hợp ông Đỗ Hữu Sỹ được “thăng tiến đến chóng mặt” nói trên, Giám đốc Vũ Văn Yên còn có những dấu hiệu sai phạm khác trong việc bổ nhiệm ông Hoàng Đức Hồng làm Phó Giám đốc KBNN huyện Nghĩa Hưng và lấy phiếu tín nhiệm để bổ nhiệm ông Nguyễn Tiến Phú làm Phó Giám đốc KBNN thành phố Nam Định.

Được biết, ông Hoàng Đức Hồng là em vợ của giám đốc Yên, trước đây làm doanh nghiệp, được nhận vào làm Kế toán viên KBNN huyện Nghĩa Hưng, sau đó được bổ nhiệm làm Kế toán trưởng KBNN huyện Nam Trực. Đến tháng 4/2015, ông Yên đã bổ nhiệm “ông em vợ” này làm Phó Giám đốc KBNN huyện Nghĩa Hưng với lý do “ông Hồng đã được quy hoạch chức danh Phó Giám đốc KBNN cấp huyện”?

Còn ông Nguyễn Tiến Phú, vốn là tổ trưởng Tổ Tổng hợp - Hành chính KBNN thành phố Nam Định. Tại thời điểm đơn vị chưa kiện toàn, sắp xếp xong đội ngũ lãnh đạo hiện có (tháng 9/2015) Giám đốc Yên vẫn tự ý thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm để bổ nhiệm chức danh Phó Giám đốc KBNN thành phố Nam Định đối với ông Phú.

Dư luận cho rằng ông Yên đã cố tình vi phạm quy định của Kho bạc Nhà nước đã đề ra tại Công văn số 2358/KBNN-TCCB ngày 18/9/2014 - 1 minh chứng nữa về dấu hiệu chạy chức, chạy quyền tại KBNN tỉnh Nam Định cần phải được làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của Pháp luật.

NHÓM PVĐT/KD&PL

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/kho-bac-nha-nuoc-nam-dinh-nhung-dau-hieu-chay-chuc-chay-quyen-post15799.html