Kho bạc Nhà nước triển khai hiệu quả lập báo cáo tài chính nhà nước

Năm 2019 là năm đầu tiên Kho bạc Nhà nước triển khai lập báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc năm 2018 và dự kiến trình Quốc hội vào tháng 5/2020. Để đảm bảo kế hoạch đề ra, hệ thống Kho bạc Nhà nước tập trung cao độ, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Ông Tạ Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước quán triệt các nội dung tại Hội nghị trực tuyến về “Hướng dẫn phân tích thuyết minh báo cáo tài chính nhà nước” (ngày 17/11/2019)

Ông Tạ Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước quán triệt các nội dung tại Hội nghị trực tuyến về “Hướng dẫn phân tích thuyết minh báo cáo tài chính nhà nước” (ngày 17/11/2019)

Đã nhận được trên 98% báo cáo cung cấp thông tin tài chính của các đơn vị

Trước xu thế và yêu cầu cải cách tài chính công theo hướng minh bạch và hiệu quả, nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện chuyển đổi kế toán từ cơ sở tiền mặt sang cơ sở dồn tích và tiến hành lập Báo cáo tài chính Chính phủ (tại Việt Nam gọi là Báo cáo tài chính nhà nước). Đây là nguồn thông tin tài chính chất lượng và đáng tin cậy cung cấp đầy đủ thông tin về việc phân bổ các nguồn lực của đất nước giúp các nhà quản lý đưa ra các quyết định tài khóa có hiệu quả và giúp nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của Chính phủ. Bên cạnh đó, việc công khai thông tin tài chính Chính phủ giúp nâng cao sự tin tưởng của người dân, các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế đối với Chính phủ.

Tại Việt Nam, trong những năm qua, các quy định, chế độ kế toán chủ yếu hướng đến cung cấp thông tin về tình hình quản lý, phân bổ dự toán ngân sách các cấp; tình hình thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) để phục vụ quyết toán NSNN.

Trong khi đó, Việt Nam chưa có báo cáo tài chính để tổng hợp thông tin tình hình tài sản và nguồn vốn của Nhà nước, nợ công và các khoản phải trả của Nhà nước, kết quả hoạt động tài chính của Nhà nước... Theo đó, các cơ quan chức năng có thẩm quyền chưa có đủ các thông tin đa chiều để đánh giá hiệu quả chi tiêu công, phân bổ các nguồn lực của đất nước... ảnh hướng đến tính hiệu quả của các quyết định quản lý.

Từ thực trạng trên, thực hiện Đề án Tổng Kế toán nhà nước theo quy định tại Luật Kế toán năm 2015, Nghị định số 25/2017/NĐ-CP ngày 14/3/2017 của Chính phủ về Báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN) và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, toàn hệ thống KBNN đã, đang phối hợp với các đơn vị liên quan trong và ngoài hệ thống tích cực triển khai lập BCTCNN năm 2018. Các quy định về BCTCNN lần đầu tiên đã được luật hóa tại Luật Kế toán năm 2015 (Điều 30, Điều 73); cụ thể hóa tại Nghị định số 25/2017/NĐ-CP.

Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 133/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 hướng dẫn lập BCTCNN; đồng thời, ban hành các Thông tư sửa đổi, hướng dẫn Chế độ kế toán áp dụng cho các đơn vị kế toán thuộc khu vực nhà nước như: Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 về hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp; Thông tư số 99/2018/TT-BTC ngày 1/11/2018 về việc hướng dẫn lập BCTC tổng hợp của đơn vị kế toán nhà nước là đơn vị kế toán cấp trên...

Để chuẩn bị cho việc lập BCTCNN năm 2018, thời gian qua, Bộ Tài chính và KBNN đã ban hành nhiều công văn hướng dẫn, cụ thể như sau: Công văn số 2728/ BTC-KBNN của Bộ Tài chính ngày 11/03/2019 và Công văn số 5772/ BTC-KBNN ngày 21/05/2019 sửa đổi, bổ sung Công văn số 2728/ BTC-KBNN hướng dẫn gửi Báo cáo cung cấp thông tin tài chính để triển khai lập BCTCNN năm 2018; Công văn số 1800/KBNN-KTNN ngày 17/04/2019 của KBNN hướng dẫn triển khai lập BCTCNN năm 2018; Công văn số 2636/ KBNN - KTNN ngày 4/6/2019 của KBNN về công tác chuẩn bị, triển khai lập BCTCNN.

Mặc dù cơ sở pháp lý cho hoạt động này đã được ban hành khá đầy đủ, các hướng dẫn cụ thể đã được KBNN phổ biến đến các đơn vị, nhưng việc triển khai tổng hợp, lập BCTCNN tại Việt Nam là một nhiệm vụ mới, tương đối phức tạp với nguồn thông tin đầu vào chủ yếu là thông tin tài chính do hơn 50 nghìn đơn vị bên ngoài cung cấp.

Trong khi đó, cán bộ KBNN chủ yếu am hiểu kế toán ngân sách nên việc lập BCTCNN trong những năm đầu khó tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc đòi hỏi hệ thống KBNN một mặt phải nỗ lực, đồng lòng và quyết tâm lớn triển khai thực hiện, mặt khác cần phải trang bị kiến thức giúp cán bộ KBNN hiểu được thông tin tài chính của đơn vị để phục vụ cho việc tổng hợp, lập BCTCNN. Theo số liệu thống kê của KBNN, đến nay KBNN đã nhận được trên 98% báo cáo cung cấp thông tin tài chính của các đơn vị.

Khẩn trương triển khai lập báo cáo tài chính nhà nước

Để hoàn thành việc lập BCTCNN năm 2018 phù hợp với các quy định hiện hành, trong thời gian tới tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Đối với KBNN Trung ương

Tiếp tục đôn đốc các đơn vị gửi báo cáo cung cấp thông tin tài chính của các đơn vị; chỉ đạo các đơn vị KBNN thực hiện tổng hợp, lập BCTCNN tỉnh.

Tháng 1/2020, tổng hợp, lập BCTCNN toàn quốc và trình Bộ Tài chính để trình Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội cùng Báo cáo quyết toán NSNN (tháng 3/2020); báo cáo Quốc hội (tháng 5/2020).

Đối với KBNN địa phương

Chủ động triển khai các hoạt động lập BCTCNN theo quy định, trong đó, cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan tài chính địa phương trong việc đôn đốc, hỗ trợ các đơn vị cung cấp thông tin khẩn trương hoàn thiện, gửi Báo cáo cung cấp thông tin tài chính năm 2018 cho KBNN đồng cấp; phản ánh kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai về KBNN để có giải pháp tháo gỡ kịp thời; để hoàn thành lập Báo cáo tổng hợp thông tin tài chính huyện năm 2018 và BCTCNN tỉnh năm 2018, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh phù hợp quy định hiện hành (trong tháng 11-12/2019).

Để lập thành công BCTCNN, bên cạnh sự quan tâm, ủng hộ của các cấp lãnh đạo; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương cùng với phương pháp và bước đi chắc chắn, phù hợp, toàn hệ thống KBNN cần tiếp tục đồng lòng, quyết tâm khẩn trương triển khai, lập BCTCNN; trong đó, đặc biệt tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thách thức.

Việc lập thành công BCTCNN sẽ không chỉ góp phần nâng cao vai trò, vị thế của KBNN trong nền tài chính công quốc gia mà quan trọng hơn là đặt nền móng quan trọng, làm tiền đề cho các giai đoạn hoàn thiện tiếp theo, góp phần vào công cuộc cải cách quản lý tài chính công tại Việt Nam để tiến đến một nền tài chính ngày càng công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 – Tháng 11/2019

Bình Minh

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/su-kien-tai-chinh/kho-bac-nha-nuoc-trien-khai-hieu-qua-lap-bao-cao-tai-chinh-nha-nuoc-316854.html