Khó bỏ văn hóa 'làm việc đến chết' ở Trung Quốc

Tư tưởng làm việc thêm giờ đã ăn sâu vào nhiều người lao động xứ tỷ dân, khiến nỗ lực xóa bỏ văn hóa '996' của các nhà lập pháp gặp khó.

Về mặt pháp lý, Trung Quốc hứa hẹn duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Luật lao động chỉ cho phép nhân viên làm việc 8 tiếng/ngày hay 44 tiếng/tuần, thời gian làm thêm không được vượt quá 36 tiếng/tháng, theo Inkstone.

Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn trái ngược. Nhiều người lao động ở xứ tỷ dân phải chịu văn hóa làm việc mệt mỏi ăn sâu vào tư tưởng, thậm chí làm việc đến chết. Điều này khiến các nhà lập pháp nước này quan ngại sâu sắc.

Nhưng nhiều người tin rằng văn hóa “996” - làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần - sẽ sớm thay đổi.

 Văn hóa làm việc “996” khét tiếng của Trung Quốc đang nhận được cái nhìn nghiêm túc từ các nhà lập pháp. Ảnh: Gilles Sabrie/Bloomberg.

Văn hóa làm việc “996” khét tiếng của Trung Quốc đang nhận được cái nhìn nghiêm túc từ các nhà lập pháp. Ảnh: Gilles Sabrie/Bloomberg.

Nỗ lực xóa bỏ

Li Guohua, đại biểu của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), đề nghị các cơ quan quản lý kìm hãm văn hóa làm việc quá sức và cảnh cáo các công ty tồn tại “996”.

Một đại biểu khác của CPPCC, Wang Meihua, chỉ ra rằng trên các ứng dụng nhắn tin hiện đại, nhân viên thường xuyên phải ở chế độ chực chờ vì “không trả lời tin nhắn tức thì sẽ bị coi là không làm tròn nghĩa vụ”.

Các quan điểm, được đưa ra trong cuộc họp chính trị quan trọng của Trung Quốc, đã tạo nên nhiều cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng.

Nhiều người cho rằng không thể làm gì để hạn chế tình trạng làm việc quá sức ở Trung Quốc. Số khác chỉ ra rằng những căng thẳng của xã hội hiện đại sẽ buộc nhiều người phải làm công việc thứ 2, nếu mức lương của họ giảm do các quy định làm việc chặt chẽ hơn.

Geoffrey Crothall, phát ngôn viên của China Labour Bulletin - tổ chức phi chính phủ nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền của người lao động tại Trung Quốc, nhận định “điều rất đáng khích lệ là vấn đề làm thêm giờ quá mức và văn hóa làm việc độc hại đang được thảo luận với mức độ cao như hiện nay”.

Tuy nhiên, theo ông, để có sự thay đổi thực sự trong văn hóa làm việc, Trung Quốc không thể chỉ dựa vào các quy định và giám sát hành chính tốt hơn. Điều cần thiết là công đoàn phải vào cuộc và đảm bảo nhân viên được trả lương tương xứng với công sức bỏ ra.

Li Chaoyue, lập trình viên ở Bắc Kinh, thường xuyên làm việc 12 tiếng/ngày tại công ty công nghệ của mình. Cô cho biết bản thân đã “nâng ly chúc mừng” đề xuất này song nghĩ rằng chỉ riêng quy định sẽ không loại bỏ được văn hóa làm việc quá sức.

Tỷ phú Jack Ma từng lên tiếng ủng hộ văn hóa làm việc “996”. Ảnh: Xu Jinquan/Xinhua.

Li nói: “Các nhà lập pháp cần tìm ra lý do thực sự đằng sau việc nhiều công ty ép nhân viên làm thêm giờ và cố gắng giải quyết những vấn đề đó. Không ít công ty công nghệ yêu cầu làm hơn 8 tiếng/ngày vì họ đang chạy đua để chiếm lĩnh thị trường mới nhằm thu về lợi nhuận và trả lương cho nhân viên”.

Theo nữ lập trình viên, đối với người lao động, vấn đề lớn nhất là tài chính. Nhiều nhân viên phải làm thêm giờ để kiếm đủ tiền trang trải sinh hoạt ở các thành phố đắt đỏ như Bắc Kinh. Họ thậm chí làm công việc thứ 2 nếu công ty không cho làm thêm giờ.

Văn hóa “996” đã được xem xét kỹ lưỡng hơn vào năm 2021, sau cái chết của 2 nhân viên tại công ty thương mại điện tử Pinduoduo, được cho là xuất phát từ căng thẳng liên quan đến công việc.

Dư luận Trung Quốc phẫn nộ khi Pinduoduo sa thải 1 nhân viên vì công bố đoạn video 15 phút chỉ trích văn hóa làm việc quá sức.

Pinduoduo sau đó cho biết nhân viên này bị sa thải vì “liên tục đăng tải các bình luận ác ý và cực đoan trên mạng xã hội”.

Ngày 10/3, chủ đề “đề xuất điều chỉnh lịch trình 996” đã lọt top xu hướng trên nền tảng Weibo của Trung Quốc.

“Tôi làm việc quá sức trong nửa năm thì được chẩn đoán mắc bệnh cường giáp. Chi phí y tế của tôi là 3.500 nhân dân tệ/tháng. Giờ khi tôi bắt đầu đi làm đúng giờ, công ty lại hạ lương trong hợp đồng mới”, một ý kiến được nhiều người quan tâm nhất.

“Khi còn trẻ, chúng ta đánh đổi sức khỏe để kiếm tiền. Khi già đi, chúng ta đánh đổi tiền bạc để lấy sức khỏe. Chúng ta đang làm tất cả điều này vì gì?”, một người khác nói.

Nhiều công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc được biết với yêu cầu nhân viên làm việc nhiều giờ, bao gồm Alibaba, JD.com, 58.com và Pinduoduo.

Các công ty công nghệ này đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của Trung Quốc, nhưng giờ đây, người dân nước này thường xuyên đặt câu hỏi rằng liệu những hy sinh của họ có xứng đáng hay không.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kho-bo-van-hoa-lam-viec-den-chet-o-trung-quoc-post1193570.html