'Khó chồng khó', ngành nhôm Việt Nam đề xuất tháo gỡ, tăng năng lực cạnh tranh

Ngày 17/5, tại Hà Nội, Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam phối hợp cùng Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp ngành nhôm Việt Nam 2023.

Toàn cảnh Diễn đàn doanh nghiệp ngành nhôm Việt Nam 2023, ngày 17/5. (Ảnh: Vân Chi)

Toàn cảnh Diễn đàn doanh nghiệp ngành nhôm Việt Nam 2023, ngày 17/5. (Ảnh: Vân Chi)

Diễn đàn nhằm kết nối các nhà sản xuất nhôm trên cả nước, mang đến cái nhìn tổng thể về ngành nhôm hiện nay, nhận diện cơ hội và thách thức của doanh nghiệp; tham khảo khuyến nghị từ các chuyên gia, từ đó thảo luận đưa ra các giải pháp để hạn chế rủi ro cho ngành nhôm Việt Nam và doanh nghiệp mình trong thời gian tới.

Thách thức "bủa vây"

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Minh Kế - Chủ tịchHội Nhôm thanh định hình Việt Nam cho biết, hiện trạng ngành nhôm Việt Nam vô cùng khó khăn. Nhu cầu thị trường giảm mạnh, các nhà máy đang hoạt động ở mức xấp xỉ 30% công suất, dòng tiền cạn kiệt. Một số doanh nghiệp trong nước đang bán phá giá gây nhiễu loạn thị trường. Do đó, cần có biện pháp lành mạnh thị trường, tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nhôm Việt Nam để tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

“Hội tiếp tục kiến nghị giảm thuế xuất khẩu nhôm dạng thanh, que và hình; đây là nhóm sản phẩm thế mạnh của nhôm Việt Nam hiện nay”,ông Kế đề xuất.

Theo ông Kế, những năm 2016-2018, nhôm Trung Quốc dư thừa sản lượng, tràn vào bán phá giá khiến doanh nghiệp nhôm nội địa đã lâm vào cảnh ngừng hoạt động, công nhân mất việc. Năm 2019, khi Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá đối với nhôm định hình có xuất xứ từ Trung Quốc, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chống buôn lậu và gian lận thương mại đã ngăn chặn được nhôm Trung Quốc bán phá giá tại Việt Nam.

Năm 2019, Việt Nam đã áp thuế chống bán phá giá với nhôm định hình có xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế tạm thời từ 2,49% đến 35,58%. Quyết định áp thuế chống bán phá giá sẽ hết hiệu lực từ tháng 10/2024, thời hạn nộp hồ sơ rà soát cuối kỳ đến tháng 9/2023.

"Giai đoạn năm 2019 - 2020, việc áp thuế chống bán phá giá nhôm định hình xuất xứ từ Trung Quốc đã từng là sự cứu cánh cho các doanh nghiệp ngành nhôm Việt Nam trước bờ vực phá sản, mất đi thị trường trong nước. Do đó, các nhà sản xuất cần xem xét lại tình hình hiện nay và thống nhất quan điểm với Hội để đề nghị Bộ Công Thương gia hạn Quyết định thêm 5 năm", ông Kế cho hay.

Tuy nhiên, vấn đề là sau khi bị áp thuế, các nhà sản xuât Trung Quốc lại chuyển hướng sang đầu tư trực tiếp tại Việt Nam để tránh bị áp thuế. Việc chuyển cứ điểm sản xuất cũng giúp nhôm Trung Quốc tận dụng được các ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại mà nhôm Việt Nam được hưởng, nhằm tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước như Mỹ, EU, Anh...

Điều này cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu của các nhà máy nhôm Việt Nam. Các đơn vị lại thêm lần nữa đối mặt với nguy cơ mất thị trường trong nước lần thứ hai như những năm 2018-2019 trước khi áp thuế chống bán phá giá; đồng thời đối mặt với rủi ro bị điều tra/áp thuế lẩn tránh phòng vệ thương mại khi nhôm Việt Nam xuất khẩu sang EU, Mỹ.

Cùng với vấn đề phòng vệ thương mại, ông Vũ Văn Phụ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam lo ngại, ngành nhôm Việt Nam đang dư thừa công suất.

Ông Vũ Văn Phụ phân tích, số nhà máy sản xuất nhôm khoảng 100 nhà máy, chủ yếu là sản xuất nhôm định hình. Năng lực sản xuất nhôm tăng mạnh, khoảng trên 1,2 triệu tấn/năm, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Vài năm gần đây, công suất của ngành nhôm bắt đầu dư thừa. Sản lượng chỉ đạt 70% công suất thiết kế, lượng hàng hóa đã vượt xa nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Quý I/2023, các nhà máy chỉ hoạt động ở mức 30 - 40% công suất, chủ yếu duy trì việc làm cho người lao động, doanh thu thấp, dòng tiền khó khăn.

“Cần xem xét quy hoạch tổng thể ngành nhôm, sản xuất nhôm nguyên chất và tăng cường tái chế nhôm, tiếp cận nguyên liệu 'xanh', ông Vũ Văn Phụ kiến nghị, đồng thời cho rằng cơ quan chức năng xem xét nghiên cứu xây dựng quy hoạch chính sách phát triển ngành; duy trì có hiệu quả biện pháp phòng vệ thương mại trong nước; xem xét cẩn trọng các dự án vốn FDI vào ngành nhôm Việt Nam; giảm thuế xuất khẩu nhôm profile; tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Còn phụ thuộc vào nhôm nguyên liệu

Theo ông Vũ Văn Phụ - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam, ngành công nghiệp bauxite-alumin của Việt Nam mới chỉ phát triển trong hơn 10 năm trở lại đây với sự có mặt của 2 công ty thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt nam. Toàn bộ lượng alumin sản xuất tại Việt Nam đều được xuất khẩu. Việt Nam hiện chưa có năng lực luyện nhôm, doanh nghiệp trong ngành nhôm vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào nhôm nguyên liệu, phế liệu nhập khẩu để sản xuất các sản phẩm từ nhôm.

Theo chiến lược phát triển của ngành nhôm, nhà máy luyện nhôm đầu tiên tại Việt Nam - Nhà máy Luyện nhôm Đắk Nông, đang được xây dựng với công suất 450.000 tấn/năm và dự kiến sẽ cho ra mẻ nhôm đầu tiên sử dụng alumin từ Nhà máy Nhôm Nhân Cơ vào năm 2024.

Ngành nhôm Việt Nam đang đứng trước muôn trùng khó khăn. (Nguồn: VnEconomy)

Theo Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam, Việt Nam nằm trong Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đại diện cho thị trường lớn nhất và cũng được dự đoán là thị trường phát triển nhanh nhất trong giai đoạn 5 năm tới, do tiêu thụ ngày càng tăng từ các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Ông Vũ Văn Phụ dự báo tốc độ tăng trưởng ngành nhôm Việt Nam năm 2023 đạt 7%.

Các sản phẩm chính ngành nhôm là phôi nhôm thỏi Ingot, phôi nhôm Billet, nhôm định hình Profile và nhôm công nghiệp. Sản phẩm nhôm định hình được kỳ vọng sẽ thống trị thị trường với động lực là ngành xây dựng.

Bên cạnh đó, Việt Nam là thị trường xây dựng tăng trưởng thứ 4 của khu vực châu Á, với các mục tiêu lớn về cơ sở hạ tầng, nhà ở thì đây chính là động lực phát triển của ngành trong giai đoạn tiếp theo.

Quan trọng là khâu liên kết

Tại Diễn đàn, đại diện cơ quan quản lý, chuyên gia có chung nhận định, trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, doanh nghiệp ngành nhôm còn đối diện với nhiều khó khăn hơn.

TS. Trần Đình Thiên nhìn nhận, trong bối cảnh cạnh tranh phức tạp hơn trước, các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp nhôm đang bị suy kiệt, suy yếu. Thế giới đang có sự dịch chuyển trong khi thực lực doanh nghiệp ngành nhôm yếu, buộc các doanh nghiệp nhôm phải tìm cách chống đỡ.

"Liên kết doanh nghiệp, tổ chức lại như thế nào, trên nền tảng tư duy như thế nào để chống đỡ với khó khăn, thách thức hiện nay là điều rất quan trọng. Đã có chiến lược ngành nhôm có chưa? Và chiến lược ngành nhôm theo nghĩa là kết quả của sự tập hợp lực lượng doanh nghiệp thì doanh nghiệp đã làm được hay chưa, hay vẫn là 'mạnh ai ấy lo'? Mỗi doanh nghiệp ngành nhôm phải liên kết lại với nhau, định hình lại chiến lược và lấy chiến lược đó để 'thức tỉnh' các chính sách, cơ chế để tạo cơ hội cho ngành nhôm phát triển", TS Trần Đình Thiên khuyến nghị.

Cùng góc nhìn, theo ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), hầu hết doanh nghiệp mới tập trung ở khâu đầu và khâu cuối, mà để lỡ mất phân khúc ở giữa luyện nhôm do giá thành sản xuất quá cao. Do đó, việc liên kết và chuỗi giá trị của ngành là hết sức quan trọng.

Về kiến nghị cơ quan chức năng duy trì có hiệu quả biện pháp phòng vệ thương mại trong nước, ông Chu Thắng Trung cho biết, theo quy định của pháp luật, mỗi biện pháp phòng vệ thương mại được duy trì được 5 năm.

"Sau thời gian này, chúng ta sẽ phải xem xét, rà soát xem có tiếp tục gia hạn hay không. Trước thời hạn đó 1 năm, ngành sản xuất trong nước phải có đề xuất lên cơ quan chức năng yêu cầu rà soát lại và duy trì có hiệu quả biện pháp phòng vệ thương mại. Cơ quan chức năng sẽ tiếp nhận hồ sơ, rà soát, đánh giá theo đúng quy định, khoảng thời gian này cũng phải mất ít nhất 1 năm, khi đó mới có thể đưa quyết định và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét việc sẽ tiếp tục ra hạn biện pháp chống bán giá hay không.

Việc gia hạn và mức thuế chống bán phá giá chúng ta không thể quyết định một cách tùy tiện mà phải dựa vào dữ liệu, kết quả điều tra của cơ quan chức năng và thông tin từ các doanh nghiệp ngành nhôm cung cấp", ông Chu Thắng Trung thông tin.

Vân Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kho-chong-kho-nganh-nhom-viet-nam-de-xuat-thao-go-tang-nang-luc-canh-tranh-227426.html