Khó có phương án hoàn hảo...

Để có cơ sở đề xuất với Thủ tướng quyết định ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xây dựng 2 phương án nghỉ Tết để lấy ý kiến các bộ, ngành.

Cụ thể, phương án 1 sẽ nghỉ 7 ngày, từ thứ sáu ngày 20.1.2023 đến hết thứ năm ngày 26.1.2023, tức ngày 29 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão. Phương án 2, nghỉ 9 ngày, từ thứ bảy, ngày 21.1.2023 đến Chủ nhật ngày 29.1.2023, tức ngày 30 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 8 tháng Giêng năm Quý Mão.

Quan điểm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chọn phương án nghỉ Tết Nguyên đán 7 ngày là hợp lý vì bảo đảm tổng số ngày nghỉ liên tục không quá dài, đồng thời hài hòa thời gian nghỉ trước và sau Tết. Thế nhưng theo ý kiến của Bộ Tài chính, nên chọn phương án nghỉ 9 ngày. Lý do là bởi phương án này vừa bảo đảm đúng quy định của pháp luật, vừa hài hòa, phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để công chức, viên chức, người lao động chủ động có thêm thời gian nghỉ ngơi, đoàn tụ bên gia đình, nhất là người đi làm xa.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lại có ý kiến rằng nên nghỉ Tết 8 ngày, theo đó, người lao động sẽ nghỉ Tết bắt đầu từ ngày 28 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão, sau đó, người lao động đi làm vào ngày mùng 7 tháng Giêng để bù cho ngày nghỉ trước Tết vào ngày 28 tháng Chạp… Lý do, theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu là bởi do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, 2 năm qua hầu hết công nhân lao động đã có những cái tết không trọn vẹn bên gia đình khi phải hạn chế đi lại. Không ít lao động phải ở lại địa phương nơi mình làm việc, trong khi công nhân là lao động di cư chiếm tỷ lệ tương đối lớn.

Mặt khác, địa hình nước ta trải dài từ Bắc đến Nam nên việc di chuyển là yếu tố rất cần thiết và cần phải quan tâm, nhất là khi các điều kiện về hạ tầng giao thông, đi lại còn nhiều khó khăn. Bởi vậy, phải tìm giải pháp thuận lợi nhất cho người lao động. Việc tổ chức nhiều ngày nghỉ trước Tết cũng giảm áp lực về giao thông, tránh tình trạng ùn tắc. Chúng tôi đề xuất nghỉ 8 ngày một mặt để đáp ứng mong muốn của công nhân lao động được nghỉ tết sớm nhưng cũng là chia sẻ chung với Chính phủ, người sử dụng lao động trong bối cảnh đang trong giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế. Nhiều doanh nghiệp cũng muốn cho người lao động nghỉ Tết sớm vì nếu không cho nghỉ sớm họ cũng không yên tâm làm việc - ông Hiểu nhấn mạnh.

Năm nào cũng có ý kiến khác nhau rằng, Tết Nguyên đán nên nghỉ bao nhiêu ngày. Các cơ quan chức năng cũng khó có phương án hoàn hảo. Thậm chí đã từng có ý kiến cho rằng nên gộp nghỉ Tết Dương lịch và Âm lịch hoặc chỉ nên nghỉ Tết Dương lịch. Thế nhưng dù lập luận như thế nào thì việc nghỉ Tết Nguyên đán vẫn là nhu cầu chính đáng, hợp pháp. Bởi nghỉ Tết Nguyên đán, ngoài yếu tố truyền thống, văn hóa, đây còn là dịp để kích cầu tiêu dùng, tạo điều kiện cho không ít ngành, lĩnh vực phát triển.

Cho nên không thể lấy lý do tăng trưởng, thúc đẩy GDP hoặc do đã “lạc hậu” so với thế giới, với xu hướng phát triển chung của xã hội để rút ngắn hoặc bãi bỏ. Điều quan trọng là những ngày nghỉ này được sử dụng như thế nào cho hợp lý, an toàn, không là “dịp” để nảy sinh các tiêu cực. Và quan trọng nhất là ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ, mọi công việc, mọi lĩnh vực phải "vào việc" ngay và hiệu quả, tránh tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi!"

Hân Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-de-hom-nay/kho-co-phuong-an-hoan-hao-i301119/