Khó đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng

Lãi suất cho vay vẫn khó có khả năng giảm và tăng trưởng tín dụng năm 2018 khó đạt 17%. Các yếu tố vĩ mô cả trong nước và thế giới đều chưa ủng hộ cho nới lỏng chính sách tiền tệ.

Hoạt động nghiệp vụ tại VietcomBank chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Thắt “van” tín dụng
Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 27/9, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 10,08%. So với mức tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm là 7,86% thì tín dụng chỉ tăng khoảng 2,22% trong quý III. Nhìn vào mục tiêu tăng trưởng tín dụng được đặt ra hồi đầu năm nay là 17 - 18%, dự báo ngành ngân hàng khó hoàn thành, khi chỉ còn hơn 2 tháng nữa là hết năm.
Theo các chuyên gia, đây là diễn biến trái với mọi năm khi tín dụng thường tăng rất mạnh thời điểm chuẩn bị chạy nước rút cho mùa kinh doanh cuối năm. So với năm ngoái, tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới có phần bất ổn hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Vì vậy, dường như các chính sách kiểm soát tín dụng của NHNN cũng chặt chẽ hơn. Thực tế, NHNN đã đưa ra những thông điệp hướng tới việc kiểm soát chặt tín dụng bằng cách ban hành Chỉ thị 04 với điều khoản không điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam hiện là 135%, cao gần nhất châu Á và chính sách tiền tệ cần điều chỉnh lượng thanh khoản trong khu vực ngân hàng sao cho lãi suất liên ngân hàng gắn với lãi suất chính sách và đưa tăng trưởng tín dụng về mức phù hợp với các yếu tố căn bản.
Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam Sebastian Eckardt

TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế cho rằng, kiểm soát tăng trưởng tín dụng là khả thi và năm 2018 chỉ khoảng 15% là đủ. Lý do là, tăng trưởng GDP trong 3 quý đầu năm khá tốt, nền kinh tế có thể đạt được mức tăng trưởng 6,7% mà không nhất định phải dùng công cụ tăng trưởng tín dụng. Khi tăng trưởng tín dụng đã khả quan, Nhà nước nên quan tâm đến việc ổn định tiền đồng, kiểm soát lạm phát. TS Cấn Văn Lực cũng đồng quan điểm: “Dư địa tín dụng còn nhiều, song trong bối cảnh hiện nay, không nên đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng quá cao, nhất là khi áp lực lạm phát đang có dấu hiệu gia tăng”.
Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF)… đều cho rằng Việt Nam cần phải hạ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng xuống dưới 17% và hướng tới giảm xuống dưới 14% nhằm củng cố sự ổn định vĩ mô.
Lãi suất có xu hướng tăng
Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT nhận định, NHNN đang có xu hướng thặt chắt chính sách tiền tệ và các mức lãi suất cơ bản sẽ tăng lên trong năm 2019. Nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng lãi suất tiền gửi gần đây là NHNN siết lại tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay dài và trung hạn kể từ năm 2019. NHNN cũng chủ động nâng lãi suất để ứng phó với việc USD tăng giá do chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại toàn cầu.

Trong điều kiện thị trường vốn phát triển hạn chế, đến nay, các ngân hàng thương mại chú trọng nhiều hơn đến phát triển hoạt động dịch vụ, đa dạng hóa các loại dịch vụ về tài chính ngân hàng để tạo nguồn thu ổn định, bền vững. Đây là hướng đi đúng.
TS Vũ Thành Tự Anh - Đại học Fulbright Việt Nam

Thay vì mở rộng tín dụng, NHNN đang chú trọng tới chất lượng tăng trưởng và một trong những nhiệm vụ trọng tâm là triển khai tiếp các bước tái cơ cấu, xử lý nợ xấu một cách căn bản, triệt để hơn. Hạn chế vốn vào lĩnh vực rủi ro cũng như tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng phù hợp với yêu cầu thực tiễn của Việt Nam và các thông lệ, chuẩn mực quốc tế...
Trong bối cảnh như vậy, các ngân hàng buộc phải lựa chọn khách hàng. Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần chia sẻ: “Các ngân hàng vẫn đang hỗ trợ tối đa DN. Mặt khác, lựa chọn rất kỹ DN để cho vay vì các ngân hàng đều chịu mức trần tín dụng rất hạn chế. Đặc biệt, hiện nay, việc xin nới “room” tăng trưởng tín dụng là rất khó”.

Trâm Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/kho-dat-muc-tieu-tang-truong-tin-dung-328158.html