Khó để quy định chi tiết về sự 'chuẩn mực' khi tham gia MXH

'Khó để quy định chi tiết về sự 'chuẩn mực' khi tham gia MXH' là khẳng định của nhà báo Quốc Dũng – báo Nhân Dân khi góp ý vào dự thảo bản 'Quy tắc sử dụng mạng xã hội của nhà báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam'.

Trong thực tế hoạt động báo chí, hầu hết các cơ quan báo chí chính thống đã và đang sử dụng truyền thông xã hội như là một kênh truyền thông mới để phân phối, lan tỏa thông tin đến độc giả bên cạnh các kênh truyền thông “cũ”. Xét về góc độ người dùng, nhu cầu thông tin và được thông tin của mỗi cá nhân đang ngày càng tăng trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và cuộc CMCN 4.0. So với truyền thông chính thống (mainstream media), truyền thông xã hội có vẻ như đang có nhiều lợi thế hơn trong việc thông tin, xét trên nhiều yếu tố như thời gian, không gian... Xu hướng người dùng “ưu tiên” tiếp nhận thông tin từ truyền thông xã hội đã trở nên phổ biến, và điều này không chỉ ảnh hưởng đến các cơ quan báo chí, mà còn ảnh hưởng đến cả những người làm công tác báo chí. Thậm chí, cách đây vài năm, xu hướng “social-first” (ưu tiên truyền thông xã hội trước) đã trở nên không còn xa lạ đối với các cơ quan báo chí và nhiều nhà báo.

Nhà báo Quốc Dũng

Năm 2017, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam gồm 10 điều, trong đó, Điều 5 nêu rõ nhà báo cần “Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”. Sự cần thiết của việc điều chỉnh hành vi sử dụng MXH của nhà báo bằng Quy định đạo đức người làm báo là điều không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, để cụ thể hóa việc áp dụng Điều 5 trong thực tế hoạt động báo chí, chúng ta cần “cụ thể hóa” các khái niệm nhằm xác định hành vi như “chuẩn mực” và “trách nhiệm”. Cá nhân tôi cho rằng, việc cụ thể hóa “trách nhiệm” sẽ dễ làm hơn trong việc điều chỉnh hành vi tham gia MXH của nhà báo. Bởi, đối với mỗi người làm báo, trách nhiệm là khái niệm quen thuộc khi làm “nghề”. Trách nhiệm của nhà báo khi tham gia MXH, trước hết, chính là trách nhiệm công dân của nhà báo, là trách nhiệm của nhà báo với cộng đồng và trách nhiệm nghề nghiệp của nhà báo.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, sẽ khó hơn để xác định hành vi tham gia MXH của nhà báo như thế nào là “chuẩn mực”. Theo tôi, điều này còn phụ thuộc vào mục đích sử dụng MXH của nhà báo. Từ mục đích sử dụng, nhà báo sẽ tự điều chỉnh hành vi sử dụng MXH phù hợp, khi xác định MXH đó là một “kênh phát ngôn” của cá nhân với tư cách nhà báo, thuộc một cơ quan báo chí. Nếu hành vi sử dụng MXH của nhà báo nằm ngoài mục đích nói trên, thì việc “áp đặt” nhà báo phải “chuẩn mực”, có lẽ là chưa thực sự phù hợp. Vì, xét cho cùng, mỗi cá nhân chúng ta ai cũng có lúc cần “phóng khoáng” một chút, vui đùa một chút. Miễn là, mỗi chúng ta ý thức rõ ràng được về những điều mà chúng ta sẽ chia sẻ trên MXH. Tôi tin rằng, với bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ vững vàng, bản thân mỗi nhà báo sẽ ý thức được những hành vi nên và không nên khi tham gia MXH cũng như các phương tiện truyền thông khác.

HV (Ghi)

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nghe-bao/cong-tac-hoi/kho-de-quy-dinh-chi-tiet-ve-su-chuan-muc-khi-tham-gia-mxh-45172