Khó di dời các trường đại học: 'Hiệu trưởng các trường chỉ có 5 năm, hết nhiệm kỳ là thôi'

Trao đổi với Báo điện tử Xây dựng về nguyên nhân khó di dời các trường đại học, cao đẳng, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết: 'Muốn di dời các trường đại học phải có sự vào cuộc quyết liệt của Nhà nước và Nhà nước phải là người chủ động, hỗ trợ tài chính, chứ hiệu trưởng các trường chỉ có 5 năm, hết nhiệm kỳ là thôi. Nếu đưa ra chủ trương di dời mà lại để các trường tự chủ về tài chính thì thì việc di dời là rất khó'.

Cùng hệ thống bệnh viện, Trường Đại học Y Hà Nội trở thành áp lực lớn về hạ tầng giao thông trong những giờ cao điểm. (Ảnh: TL)

Như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin, chủ trương di dời các trường đại học đã có từ lâu, song kết quả thực hiện lại chưa như mong muốn. Gần 10 năm (kể từ 2011), 12 trường thuộc nhóm phải di dời nhưng đến nay mới chỉ có 1 trường thực hiện được.

Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội cũng được kỳ vọng trở thành khu đô thị đại học đầu tiên của Việt Nam và dù khởi công từ 2003 nhưng do vướng mắc về vốn, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng mà hơn 10 năm nay, dự án vẫn chưa thể hoàn thiện.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho biết, chủ trương di dời các trường đại học, cao đẳng nhằm giảm tải áp lực hạ tầng, dân số trong nội đô là cần thiết, nhưng để thực hiện có hiệu quả thì phải có phương án, cách làm cụ thể và Nhà nước phải là người trọng tài chính.

“Sở dĩ khó di dời các trường đại học là do chúng ta không có quyết tâm. Tôi đã từng đến Myanmar, một đất nước rất coi trọng việc phát triển giáo dục. Để giảm tải cho nội đô, họ cũng thực hiện chủ trương di dời các trường đại học. Nhưng tại đây Nhà nước phải bỏ tiền ra xây và việc xây dựng này được thực hiện tại một khu riêng biệt đã được quy hoạch, sau đó mới cho di dời các trường”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ chia sẻ.

Ông cũng cho biết: “Hiện nay vị trí các trường thuộc diện phải di dời khỏi nội đô đều là vị trí vàng, khu trung tâm, bây giờ nói di dời phải có cơ chế, chính sách, ưu đãi riêng cho các trường cũng như giáo viên. Bởi một số trường là đơn vị sự nghiệp, nhưng cũng có các trường thuộc các Bộ, ngành nên nói di dời bằng tiền tự chủ thì cũng rất khó. Trong khi, hiệu trưởng các trường nhiệm kỳ chỉ có 5 năm, xong là thôi, bây giờ bắt họ tự chủ thì sao làm được. Cái này cần có sự quyết tâm và phương án cụ thể hơn”.

“Thực tế là trường ở đâu thì sinh viên sẽ ở đó. Bây giờ muốn di dời thì Nhà nước phải tự bỏ tiền ra làm. Đầu tư xây dựng tại các khu đô thị vệ tinh đã được quy hoạch riêng biệt, có trường lớp, có phòng thí nghiệm, ký túc xá đầy đủ, sau đó mới đưa các trường ra. Có như vậy, chúng ta mới thực hiện được chủ trương”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ chia sẻ thêm.

Về vấn đề này, TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho biết: Chính phủ đã có quyết định di dời một số bộ ngành và một số trường đại học ra khỏi nội đô. HĐND thành phố đã cụ thể hóa Luật Thủ đô bằng những nghị quyết, trong đó có nêu về di dời trụ sở các Bộ, ngành, khu công nghiệp, các trường đại học, cao đẳng nhưng thực tiễn rất khó thực hiện.

Nguyên nhân là do nguồn lực đầu tư xây dựng và với cơ chế tự chủ thì đây là khó khăn, thách thức lớn đối với các trường. Vậy nên trong cơ chế chính sách, chúng ta cần phân loại các trường đại học như phân loại vốn, cơ chế chính sách về sử dụng đất và phát triển không gian.

Ví dụ như xây dựng các khu nội trú, bằng nguồn lực ở đâu đã đành nhưng tài sản sở hữu các nhà, quyền sử dụng đất là như thế nào, nó có hạn như trường học hay sẽ là lâu dài như nhà ở thông thường. Ở đây chúng ta đang thiếu các cơ chế, chính sách.

Khó khăn nữa là hệ thống hạ tầng ở khu các trường đại học chưa được như mong muốn. Chúng ta thiếu hệ thống giao thông, thiếu những khuyến khích phát triển các phương tiện giao thông công cộng nên không tạo ra sức hút.

Và dù các đô thị vệ tinh hay các khu đại học ở các tỉnh lân cận thì giao thông kết nối giữa các khu đại học này với Thủ đô trung tâm cũng chưa như mong muốn.

Hà Nội hiện nay có 6 tuyến đường vành đai, 8 tuyến trung tâm và 8 tuyến đường sắt đô thị nhưng hnay chúng ta vẫn rất lúng túng, chủ yếu là phương tiện xe buýt. Với các tuyến như vậy thì rất khó kết nối các khu đại học với khu trung tâm. Do đó, vai trò, chức năng các trung tâm đào tạo gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

Về việc một số trường thuộc di tích lịch sử, TS. Đào Ngọc Nghiêm cho biết: Luật Thủ đô đã quy định rất rõ ràng: “Một số các trường đại học cao đẳng mà không có các cơ sở đã có từ trước trong nội đô thì di dời ra ngoài và chỉ giữ các cơ sở này làm văn phòng đại diện hoặc cơ sở 1, còn chủ yếu giáo đào tạo là ở những khu vực mới”.

Như vậy đã có cơ chế thoáng mở ra, một số các trường đại học có di tích, có giá trị nhất định với nội đô và có cơ sở thì Nhà nước khẳng định đấy là cơ sở 1 đại diện cho trường, còn với cơ sở đào tạo cụ thể, các khu phát triển mới là phải theo quy hoạch chung. Nhưng rất tiếc ở đây là kế hoạch di dời như thế nào, hỗ trợ của nhà nước đến đâu, vai trò của Thủ đô như thế nào thì hiện nay chưa làm rõ.

Kim Thoa

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/kho-di-doi-cac-truong-dai-hoc-hieu-truong-cac-truong-chi-co-5-nam-het-nhiem-ky-la-thoi.html