Khó đổi thói quen ăn 'thịt ấm' sang 'thịt mát'

Là món ăn chiếm tới 70% trong bữa cơm của các gia đình Việt nên không hề khó hiểu khi lượng tiêu thụ thịt lợn của người Việt lên tới 3 triệu tấn mỗi năm. Với số lượng lớn như vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), nhất là trong bối cảnh chưa có tiêu chuẩn chính thức về 'thịt mát' và thói quen của người tiêu dùng thì vẫn 'không thể từ bỏ thịt ấm'.

Cứ tiện là mua

Nhà ông Lê Văn Chuông ở phường Thanh Bình (TP.Ninh Bình, Ninh Bình) có nghề làm nem cha truyền con nối từ 3 – 4 đời nay. Một trong những bí quyết tạo nên thành công của hầu hết các loại nem nhà ông là thịt phải tươi. Ông kể: “Trước ông nội tôi thường dậy rất sớm, từ 3-4 giờ sáng, đến các lò mổ để mua được loại thịt tươi ngon nhất. Khi ấy thịt vừa mổ xong, sờ còn ấm, mềm nhưng dính, thậm chí da lợn còn hồng hào”.

Rất khó thay đổi thói quen sử dụng thịt nóng, thịt ấm của người dân hiện nay. Ảnh: I.T

Hiện trên thị trường có 3 loại thịt: Thịt nóng (giết mổ, tiêu thụ ngay), thịt mát và thịt đông lạnh. Tuy nhiên, trên thực tế, thịt nóng được người tiêu dùng ưa chuộng và tiêu thụ nhiều nhất, nhưng ít ai biết rằng thịt nóng thường bị nhiễm khuẩn do việc vận chuyển không đúng cách, môi trường giết mổ, kinh doanh không đảm bảo vệ sinh, đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đến nay, dù vẫn kế nghiệp nghề truyền thống của gia đình nhưng anh Lê Văn Sản – con trai ông Chuông không cần phải vất vả dậy sớm nữa. Anh đặt hàng với lò mổ, cứ sáng sớm là họ chuyển hàng theo số lượng đặt sẵn, thịt đến nơi vẫn “ấm, nóng, mềm dính” như anh yêu cầu.

Khi được hỏi vì sao không dùng các loại thịt bày bán trong siêu thị để làm nem, anh Sản cười lớn: “Từ trước đến nay không ai dùng loại thịt đó bao giờ, thịt không tươi thì nem không thể ngon được”.

Thậm chí, khi người viết “trình” ra những nguy cơ mất ATTP khi sử dụng các loại thịt không được bảo quản đúng cách, anh Sản vẫn một mực khẳng định: “Nhà tôi làm nem 3-4 đời nay, chưa có ai ăn bị đau bụng hay ngộ độc bao giờ”.

Biết đấy nhưng vẫn thua… thói quen

Chị Nguyễn Kim H- là cán bộ của Sở NNNPTNT tỉnh Ninh Bình, dù đã biết về tiêu chuẩn thịt mát được sắp được ban hành, chị cũng vẫn giữ thói quen: Đi chợ gần nhà mua “thịt nóng”. Chị thừa nhận rất khó để thay đổi thói quen này vì “nhà vừa gần chợ, vừa tiện, chỉ cần bước vài bước chân đã có thể mua đầy đủ nguyên liệu cho cả ngày, hơn nữa muốn mua đóng gói sẵn, phải vào siêu thị cách nhà 4-5km nên chỉ khi nào cần các đồ dùng thiết yếu tôi mới đi mua một lần”.

Chị Nguyễn Thúy Điệp ở Cầu Giấy (Hà Nội) thường xuyên mua rau, thịt tại hệ thống siêu thị Big C. Tuy nhiên, lý do mà chị đưa ra không phải vì hiểu biết về lợi ích của thịt mát mà vì “siêu thị gần nhà”. Để đảm bảo ATTP nên chị Điệp thường đi mua 1 lần cho cả tuần. “Thịt tươi hay không thì cũng như nhau vì về vẫn chia nhỏ và trữ trong ngăn đá, vì thế có hôm tôi mua luôn thịt đông lạnh cho nhanh” – chị Điệp cho biết.

Thừa nhận những hạn chế, khó khăn của việc triển khai bán “thịt mát” tới tay người tiêu dùng, TS Trần Đăng Ninh - Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm Kiểm chứng và Tư vấn chất lượng nông lâm thủy sản (Nafiqad) nhấn mạnh: “Không phải người Việt chưa biết đến “thịt mát”. Nhưng, thói quen tiêu dùng và đặc biệt là hệ thống cung ứng sản phẩm thịt của Việt là bán ngay thịt sau giết mổ tại chợ nên “thịt ấm” từ trước đến giờ đang chiếm ưu thế”.

TS Trần Đăng Ninh cũng cho biết thêm: Sử dụng “thịt mát” sẽ đảm bảo các yếu tố như: ATTP; đảm bảo chất lượng dinh dưỡng sản phẩm và đặc biệt thời hạn bảo quản dài, giúp cho sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng chất lượng cao, giá trị sản phẩm vì thế sẽ nâng lên. Đây là điểm ưu thế so với chế biến, phân phối “thịt ấm”. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia phân tích thị trường, thực tế, thói quen lâu nay, người tiêu dùng vẫn ra chợ trực tiếp mua thịt về chế biến mà để thay đổi ngay thói quen này không phải dễ.

“Nhiều người đang lầm tưởng mua thịt tươi tại các chợ truyền thống hoặc thịt đông lạnh trong siêu thị mới đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, nếu không được giết mổ và bảo quản đúng cách thì cả hai loại thịt trên đều có thể là “ổ” vi khuẩn, gây mất ATTP” - ông Ninh khẳng định.

Tố Loan

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/thi-truong-nong-san/kho-doi-thoi-quen-an-thit-am-sang-thit-mat-920838.html