Khó đưa được thực phẩm sạch vào bếp ăn nhà máy, trường học

Nhu cầu của công nhân tại các KCX-KCN trên địa bàn TP HCM là tiếp cận được thực phẩm sạch, an toàn, giá cả phải chăng. Hiện, KCX – KCN mà Hepza quản lý có khoảng 300 bếp ăn tập thể. Hepza rất mong muốn các DN đưa sản phẩm chất lượng vào các bếp ăn này để phục vụ công nhân.

Đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP HCM (Hepza) cho biết, nhu cầu của công nhân tại các KCX-KCN trên địa bàn TP HCM là tiếp cận được thực phẩm sạch, an toàn, giá cả phải chăng. Hiện, KCX – KCN mà Hepza quản lý có khoảng 300 bếp ăn tập thể. Hepza rất mong muốn các DN đưa sản phẩm chất lượng vào các bếp ăn này để phục vụ công nhân.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) lại “phản pháo”, bởi họ đã có “chân rết” cung cấp. DN cung cấp thực phẩm sạch dù rất muốn vẫn khó tìm được đường vào...

Theo đánh giá sơ kết của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh về chương trình bình ổn thị trường triển khai từ đầu tháng 4-2017 đến cuối tháng 3-2018 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, các DN đã thực hiện 1.402 chuyến bán hàng lưu động, tập trung tại các KCX-KCN, quận ven – huyện ngoại thành. Các DN đã cung ứng hàng hóa ổn định vào 67 bếp ăn tập thể, phục vụ gần 60.000 suất ăn cho công nhân mỗi ngày.

Trứng sạch có truy xuất nguồn gốc, doanh nghiệp than khó đưa vào bếp ăn tập thể.

Tuy nhiên, ông Trần Công Khanh - đại diện Hepza cho rằng, tại các KCX – KCN do Hepza quản lý có 290.000 công nhân. Nhu cầu hiện nay đối với công nhân là muốn tiếp cận được thực phẩm sạch, an toàn, giá cả hợp lý. Chương trình bán hàng lưu động của các DN vào các KCX-KCN là thiết thực, nhưng các mặt hàng bán vẫn còn đơn điệu, chưa phong phú về chủng loại, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của công nhân.

Hiện nay tại các KCX-KCN của Hepza, có 298 bếp ăn tập thể do các DN tổ chức nấu, còn lại là thuê suất ăn sẵn bên ngoài. Nhu cầu cần các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng của các DN là rất lớn.

Ông Khanh phản ánh: Tình trạng mua bán hàng hóa bán lề đường, ở trước cổng các KCX - KCN hiện rất phức tạp, nhếch nhác. Muốn dẹp được tình trạng này thì cần sự hỗ trợ của các DN để tổ chức nhiều chuyến hàng lưu động hơn nữa, sản phẩm phải đa dạng, phong phú, và có uy tín. Việc bán hàng cho công nhân chỉ hiệu quả nếu bố trí được thời gian, vị trí thích hợp. Để việc kết nối đưa sản phẩm sạch vào gần 300 bếp ăn ở đây, DN cần giới thiệu đến các bếp ăn những sản phẩm tốt, chất lượng, giá cả phải chăng, phương thức thanh toán hợp lý... để có sự lựa chọn phù hợp.

Một đại diện khác của Hepza cũng cho rằng, chỉ có 10-12 DN bán hàng lưu động trong KCX-KCN, rất hạn chế mặt hàng, chủ yếu chỉ là bánh kẹo, nước mắm... Nhu cầu tiêu dùng mạnh trong KCX-KCN đó là các mặt hàng tươi sống như thịt gà, thịt vịt, thịt heo... DN có thể đóng gói khoảng 20.000 đồng/gói là phù hợp. Trước đây từng có Công ty Phú An Sinh bán thịt gà, thịt vịt rất chạy. Rồi doanh nghiệp San Hà chuyên bán thịt gia cầm, DN Ba Huân bán trứng… đều rất được tín nhiệm, nhưng không hiểu sao họ bỏ đi hết.

Đại diện của một số KCX - KCN cho rằng, DN không chịu đưa hàng hóa sạch vào trong các bếp ăn tập thể để phục vụ cho số lượng lớn người lao động, nhưng chính các DN bán hàng lại “phản pháo” điều này.

Bà Phạm Thị Huân – Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Ba Huân bức xúc: “DN Ba Huân tham gia chương trình bình ổn đã 15 năm. Không có DN nào không muốn phát triển việc bán hàng trong KCN, nơi có đông công nhân, hoặc là khu đông dân cư. Chúng tôi sẵn sàng đưa hàng sạch, hàng bình ổn vô các KCN để bán cho bếp ăn tập thể. Nhưng, ai cho chúng tôi vô?

Tôi đã từng chạy đến KCN Hiệp Phước năn nỉ để đưa hàng sạch vào bán nhưng đều nghe câu trả lời: Chỗ này gửi, chỗ kia gửi, người quen, người thân gửi, vì vậy tôi không vô được. Tôi cũng đã từng sắm xe đưa hàng qua KCN Hiệp Phước bán từ sáng tới chiều, nhưng chỉ được 500 ngàn đồng, không đủ trả tiền tiền thuê 2 người bán hàng với 1 tài xế.

Hầu như các bếp ăn ở những KCN đều có “mắt xích” của họ. Họ mua hàng trôi nổi, hàng chợ chiều chợ chạy chứ không chấp nhận mua hàng sạch của chúng tôi. Đây là rào cản rất lớn. Nếu Hepza muốn kết nối với DN thì thì Hepza mở cửa hàng đi, chúng tôi sẽ đem hàng vào bán giá rẻ hơn 5 -10% thị trường, nhưng bảo đảm hàng tươi hàng tốt”.

Bà Huân khẳng định cũng đã từng đi “gõ cửa” nhiều trường học từ mầm non tới cấp 2, cấp 3, quốc tế, xin cho DN bán hàng với giá bình ổn nhưng đều bị gạt ra. “Tôi nghĩ cần phải có người nhạc trưởng, người đứng ra tổ chức, kết nối. Chúng tôi sẵn sàng ký gửi lấy tiền chậm trả”, bà Huân chia sẻ.

Đại diện DN Nông Gia Trang cũng cho rằng, DN có đi chào mời kiểu gì ở KCX và trường học thì cũng không vào được. Muốn vào đó là phải chung chi. Chi cho bếp trưởng là 25%, còn lại DN tự tính làm sao có lãi thì đưa vô. Nhưng nếu quyết tâm làm hàng sạch, giá tương xứng thì không đưa vô được.

DN này kiến nghị, cơ quan chức năng cần yêu cầu các công ty nấu ăn trong KCX - KCN, trong trường học, phải cung cấp được giấy chứng nhận VietGap hay giấy ATTP. Nếu họ mua hàng hóa trôi nổi bên ngoài thì sẽ không có những giấy này.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cũng thừa nhận khó khăn trong việc gắn kết các sản phẩm thực phẩm vào các bếp ăn tập thể.

Bà Trang cho biết Sở Công thương sẽ có buổi làm việc để cùng ngồi lại để xem xét, đưa ra những giải pháp, để kiến nghị UBNDTP có chỉ đạo cụ thể. Quan điểm riêng của bà Trang là bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học, bếp ăn cho công nhân thì hàng hóa phải có xuất xứ. Sở cũng sẽ tăng cường kiểm tra các bếp ăn tập thể này.

Thúy Hà

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/kho-dua-duoc-thuc-pham-sach-vao-bep-an-nha-may-truong-hoc-486782/