Khó giải bài toán thiếu điện

Trong 5 năm qua, tổng công suất hệ thống điện đưa vào vận hành chỉ đạt 65,3% khiến tình trạng thiếu điện ngày càng nan giải hơn. Dù năm 2011, điện thiếu hụt không căng thẳng như dự báo, song với điều kiện thời tiết thất thường, đặc biệt tình trạng chậm tiến độ quen thuộc của các dự án điện, thiếu điện vẫn là bài toán khó cho các năm tới.

Theo các chuyên gia, tình trạng thiếu điện có thể được giải quyết bằng hai giải pháp chính là tăng nguồn cung và nâng cao hiệu quả sử dụng điện. Nhưng cả hai giải pháp này dù đã được rốt ráo thực hiện trong nhiều năm qua, vẫn chưa đạt hiệu quả cao.

Tại một hội thảo mới đây được tổ chức tại Hà Nội, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN cho biết, từ năm 2006 đến nay, việc thực hiện các dự án điện theo Tổng sơ đồ điện VI luôn luôn bị chậm tiến độ. Cụ thể, năm 2006, công suất chỉ tăng thêm 756 MW, chỉ đạt 87,8% so với yêu cầu đặt ra là 861 MW. Năm 2007, tỷ lệ thực hiện lại chỉ đạt 61,9% so với yêu cầu. Năm 2008, tỷ lệ này là 68,8%, năm 2009 là 63% và năm 2010 chỉ đạt 62,3%.

Theo ông Ngãi, nếu thực hiện đúng theo Tổng sơ đồ VI, sẽ không thiếu điện. Tuy nhiên, do liên tục chậm tiến độ, nên mới có tình trạng cắt điện luân phiên, gây bức xúc như thời gian qua.

Hiện tại, ngoại trừ một số dự án đang được triển khai đúng tiến độ như thủy điện Sơn La, Sê San 3, Sê San 4, các nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Cà Mau 1, 2... hầu hết các nhà máy còn lại đều chậm tiến độ như thủy điện sông Ba Hạ, Pleikrong, Bản Vẽ, nhiệt điện Nhơn Trạch 1, Uông Bí, Hải Phòng 1, Quảng Ninh 1, Vũng Áng 1... Việc các nhà máy phải điều chỉnh tiến độ chậm lại 1, 2 năm là phổ biến, thậm chí chậm đến 3 năm như nhiệt điện Uông Bí MR 1, Mạo Khê, Nông Sơn...

Trong suốt 5 năm (giai đoạn 2006 - 2010) tổng công suất đưa vào vận hành là 9.528 MW, chỉ đạt 65,3% so với tiến độ được duyệt. Lưới điện truyền tải cũng chỉ thực hiện được 50% so với tiến độ được duyệt.

Cái khó theo các chủ đầu tư vẫn là vốn. Theo ông Lê Tuấn Phong, Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công thương), theo qui hoạch, tổng công suất các nguồn điện dự kiến tăng thêm trong giai đoạn 2016 - 2020 là 28.600 MW, trong đó nhiệt điện than đóng vai trò chủ đạo khoảng 16.380 MW, nhiệt điện khí khoảng 4.943 MW, thủy điện 2.191 MW, điện hạt nhân 1.000 MW và nhập khẩu gần 950 MW. Để đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục cho nhu cầu xã hội, chương trình phát triển hệ thống điện sẽ có qui mô rất lớn. Ước tổng vốn đầu tư cho 20 năm tới là khoảng 124 tỉ USD, bình quân mỗi năm là 6,8 tỉ USD. Tuy nhiên, theo các chủ đầu tư, số vốn này rất khó đáp ứng được.

Giải pháp được xem là khả thi hơn để giải quyết một phần bài toán thiếu điện là nâng cao hiệu quả sử dụng. Theo cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Việt Nam đứng thứ 3 châu Á về sử dụng điện năng kém hiệu quả. Giai đoạn 1990 - 1998, Việt Nam tiêu thụ 1,5 đơn vị điện năng tạo ra được 1 đơn vị GDP. Từ 1998 đến nay, để tạo ra 1 đơn vị GDP mức tiêu thụ điện năng đã "tăng trưởng” lên đến 1,83 đơn vị. JICA cho rằng, muốn thực hiện chỉ tiêu tiết kiệm điện 5 - 8% của giai đoạn 2011 - 2015, mức hỗ trợ kinh phí đầu tư thay thế thiết bị của Việt Nam phải cao hơn 10 lần so với hiện nay, tương ứng khoảng 200 tỉ đồng/năm.

Cũng theo khuyến cáo của tổ chức này, kêu gọi, vận động nâng cao ý thức tiết kiệm điện là chưa đủ. Việc cần làm là chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng điện, gắn với ý thức thay đổi thiết bị sử dụng điện năng của các DN sản xuất, cơ quan hành chính… với sự hỗ trợ tích cực kinh phí Nhà nước.

Vĩnh Hòa

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/kho-giai-bai-toan-thieu-dien-406942.html