Khô hạn, nắng nóng gay gắt tại nhiều địa phương

Những ngày qua, khu vực Nam Bộ hầu như không mưa. Nắng nóng vẫn xảy ra tập trung nhiều tại khu vực miền Ðông Nam Bộ, nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến ở mức 35 đến 37 oC. Mực nước trên dòng chính sông Mê Công biến đổi chậm và ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2016 từ 0,1 - 0,5 m. Từ nay đến tháng 5-2020, dòng chảy tại các trạm thượng nguồn sông Mê Công ở mức tương đương trung bình nhiều năm và thấp hơn năm 2016 từ 5 - 20%. Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài và việc tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập sẽ làm cho tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trầm trọng hơn.

Vào thời điểm này, tổng diện tích rừng khô hạn trên toàn tỉnh Cà Mau vào khoảng 43.583 ha, trong đó dự báo cháy cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) là 37.639 ha. Hiện tại, mực nước tại các tuyến kênh Vườn quốc gia U Minh Hạ dao động từ 1,8 - 2,1 m, tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp U Minh Hạ dao động từ 0,9 - 1,4 m. Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, hiện mực nước dưới các tuyến kênh của lâm phần thấp hơn năm 2019 từ 0,5 - 0,8 m, có khả năng khô cạn hoàn toàn. Vì vậy, trong thời gian tới, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn.

Tây Nguyên đang bước vào cao điểm mùa khô hạn. Nắng nóng kéo dài đã khiến hàng chục nghìn héc-ta rừng tại tỉnh Gia Lai đứng trước nguy cơ cháy cao. Ðể chủ động trong công tác phòng, chống cháy rừng, tỉnh đã xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, phối hợp với người dân sống gần rừng để phát hiện, xử lý kịp thời những vụ cháy rừng khi mới bùng phát.

Tại tỉnh Ninh Thuận, tình trạng nắng nóng kéo dài khiến nhiều hồ, ao trên địa bàn dần cạn nước, trơ đáy. Lượng nước khan hiếm đã khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp buộc phải dừng sản xuất. Ước tính trong vụ đông xuân 2019-2020, toàn tỉnh có hơn 7.500 ha đất lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản phải dừng sản xuất do thiếu nước. Riêng địa bàn huyện Thuận Nam, toàn huyện đã phải ngừng sản xuất khoảng 1.800 ha lúa và hơn 1.000 ha cây màu các loại do nắng hạn. Nhiều hộ dân đang đứng trước nguy cơ thiếu đói.

Do ảnh hưởng của nắng nóng khiến hạn hán đến sớm cho nên dự kiến có khoảng 12.000 ha đất trồng lúa hè thu trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa phải ngừng sản xuất vì không đủ nguồn nước tưới. Toàn tỉnh hiện có 31 hồ chứa nước (gồm 28 hồ thủy lợi và ba hồ thủy điện). Tổng dung tích các hồ này hiện chỉ đạt 112,7 triệu m3, bằng 45% so với dung tích thiết kế, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019 (200 triệu m3, đạt 80% dung tích thiết kế).

Từ ngày 25 đến 27-3, Tổng cục Phòng chống thiên tai và Quỹ Nhi đồng liên hợp quốc (UNICEF) sẽ trao hơn 1.000 bồn, thùng chứa nước cho người dân một số địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngày 26-3, đoàn đã đến tỉnh Bến Tre trao 573 thùng chứa nước. Theo kế hoạch đến ngày 27-3, Ðoàn công tác của Tổng Cục Phòng chống thiên tai và UNICEF sẽ hoàn thành việc hỗ trợ 566 bồn chứa nước cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở tỉnh Sóc Trăng.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hiện nay ở phía bắc đang có một bộ phận không khí lạnh di chuyển xuống phía nam nước ta. Ðêm nay (27-3), bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến một số nơi ở khu vực đông bắc Bắc Bộ; gần sáng và ngày 28-3, ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở phía tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Do ảnh hưởng của rìa nam rãnh áp thấp bị nén sau chịu ảnh hưởng của không khí lạnh, cho nên từ chiều tối nay, các tỉnh vùng núi Bắc Bộ có mưa rào và dông.

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, mưa đá, lốc sét tại các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn từ ngày 24 đến 25-3 đã khiến một người chết tại Lào Cai (xã Trung Chải, huyện Sa Pa); năm nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 2.964 nhà bị hư hỏng, tốc mái (Lào Cai: 1.180 nhà, Lai Châu: 1.629 nhà, Yên Bái: sáu nhà, Tuyên Quang: 80 nhà, Bắc Kạn: 69 nhà); 449 ha lúa, 749 ha hoa màu, 201 ha cây trồng bị ngập, hư hại và 401 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; một cầu treo qua sông và sáu công trình thủy lợi tại tỉnh Lào Cai bị hư hỏng. Riêng tỉnh Ðiện Biên, thiệt hại do mưa đá, dông lốc xảy ra trên địa bàn các huyện: Tủa Chùa, Nậm Pồ, Tuần Giáo từ chiều 23-3 đến rạng sáng 25-3, khiến 303 ngôi nhà ở bị tốc mái, hư hỏng; 196,78 ha hoa màu (ngô, lúa, đậu tương) bị hư hỏng từ 30 đến 70%. Tổng thiệt hại ước 1,8 tỷ đồng. Sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã chỉ đạo các lực lượng tại chỗ hỗ trợ các hộ dân khắc phục hậu quả và sớm ổn định đời sống.

Việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp được tỉnh Quảng Bình chỉ đạo thực hiện quyết liệt với nhiều biện pháp. Nhờ vậy, đến nay không có thông báo tàu cá của ngư dân Quảng Bình vi phạm vùng biển nước ngoài. Tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ trong việc vận hành tàu cá ra, vào cảng, thực hiện nghiêm túc công tác giám sát sản lượng thủy sản qua cảng; đồng thời hỗ trợ ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Ngày 26-3, theo báo cáo của UBND huyện Mường Lát (Thanh Hóa), dông lốc, mưa đá, kèm theo mưa lớn xảy ra ngày 25-3 trên địa bàn huyện đã làm sạt lở một số tuyến đường; thiệt hại gần 500 nhà ở, 18 ha cây trồng và hơn 520 con gia súc, gia cầm bị chết. Chính quyền địa phương đang chỉ đạo các lực lượng tập trung khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43793102-kho-han-nang-nong-gay-gat-tai-nhieu-dia-phuong.html