Khó hoàn thành một số mục tiêu về giáo dục vùng dân tộc thiểu số

Ngày 10-9-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1557/QĐ-TTg về Phê duyệt một số chỉ tiêu thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015. Trong đó, đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỉ lệ mù chữ của nữ người DTTS dưới 10%, tỉ lệ người DTTS từ 10 tuổi trở lên biết chữ là 98%, tỉ lệ trẻ học tiểu học đúng độ tuổi và học hết tiểu học là 97% trở lên. Tuy nhiên, trên cơ sở phân tích thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS, các mục tiêu này khó có thể hoàn thành nếu không có giải pháp hiệu quả và không xác định được đối tượng trọng tâm để tác động chính sách.

Giải pháp để hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học là nâng cao cơ sở vật chất và chuẩn bị tốt tiếng Việt cho trẻ. Ảnh: Bích Nguyên

Chúng tôi có dịp công tác tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang trong những ngày mới vào năm học 2017-2018. Tại chợ phiên Phó Bảng, chúng tôi gặp 4 em nhỏ nô đùa, dạo chơi trong chợ. Trò chuyện với chúng tôi, 2 em gái nói tên là Giàng Thị Xay và Giàng Thị Lúa, đều 10 tuổi, người dân tộc Mông, xã Phố Là. Cô bé Xay thật thà cho biết, em không thích đi học và đã bỏ học khi học hết lớp 3, mặc dù bố mẹ vẫn động viên đi học. Điều đáng buồn là dù đã học hết lớp 3, nhưng Xay vẫn không biết đọc sách.

Sau khi gặp Xay, theo chân cán bộ Đồn Biên phòng Phó Bảng, chúng tôi tới nhà anh Ly Mí Già, Trưởng thôn Phố Là A, xã Phố Là. Nói về công tác giáo dục, anh Già cho biết, bây giờ hầu hết trẻ em đều được đi học và nói được tiếng phổ thông. Tình trạng trẻ em bỏ học do đói nghèo... không còn phổ biến như trước đây, nhưng không phải đã hết. Thực tế, tình trạng mù chữ vẫn còn trong cộng đồng, chủ yếu là phụ nữ độ tuổi trên 35, do trước đây họ không được đi học, mà vợ anh là một ví dụ. Anh vẫn thường dạy vợ tiếng phổ thông, nhưng do nhiều nguyên nhân, cho đến nay, chị vẫn không nói được từ nào.

Những em nhỏ mà tôi đã gặp và vợ anh Già chỉ là những ví dụ điển hình trong tổng số hàng nghìn người DTTS không biết đọc, biết viết tiếng phổ thông hiện nay. Theo số liệu điều tra năm 2015, vẫn còn 20,8% người DTTS từ 15 tuổi trở lên không biết đọc, biết viết chữ phổ thông, cao gần gấp 4 lần bình quân chung cả nước. Trong 53 DTTS, chỉ có 7 dân tộc có tỉ lệ người biết đọc, biết viết tiếng phổ thông đạt trên 90%. Hầu hết các dân tộc còn lại đều có khoảng cách rất xa so với bình quân chung cả nước, đặc biệt có 7 dân tộc (Hà Nhì, Cơ Lao, Brâu, Mông, Mảng, Lự, La Hủ) có hơn 50% dân số không biết chữ.

Một trong các mục tiêu đặt ra đến năm 2020 trong Quyết định 1557 là tỉ lệ biết chữ từ 10 tuổi trở lên của đồng bào các DTTS đạt 92% và đến năm 2025 đạt 98%. Phân tích của Viện Nghiên cứu phát triển Mê Công cho thấy, theo quyết định này, bình quân mỗi năm, cả nước sẽ có thêm khoảng 2% số người DTTS từ 15 tuổi trở lên biết chữ. Điều đó có nghĩa là, đến năm 2020 sẽ có thêm 10% và đến năm 2025 sẽ có thêm khoảng 20% số người DTTS từ 15 tuổi trở lên biết chữ. Với tốc độ này, chỉ có 11 DTTS có khả năng hoàn thành mục tiêu mà Quyết định 1557 đề ra. 42 DTTS còn lại (năm 2015 đang có tỉ lệ đạt dưới 78%) sẽ khó có thể đạt mục tiêu đã xác định, đặc biệt là 24 DTTS có tỉ lệ biết chữ từ 15 tuổi trở lên đang ở mức dưới 70% năm 2015.

Vợ anh Ly Mí Già là một trong số rất nhiều phụ nữ DTTS mù chữ. Ảnh: Bích Nguyên

Theo Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội năm 2015, còn 17 DTTS chỉ có 50% nữ giới từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết tiếng phổ thông, trong đó, dân tộc Lự và La Hủ là thấp nhất với tỉ lệ 23-25%. Trong khi đó, tại Quyết định 1557 đề ra mục tiêu đến năm 2020, cả nước chỉ còn dưới 20% và đến năm 2025 còn dưới 10% nữ giới người DTTS không biết đọc, biết viết tiếng phổ thông. Để đạt được mục tiêu này, mỗi năm cả nước bình quân phải giảm được 2% tỉ lệ nữ giới người DTTS mù chữ.

Về phổ cập giáo dục tiểu học, 20 dân tộc có tỉ lệ nhập học thấp, đặc biệt là 8 dân tộc có tỉ lệ nhập học đúng độ tuổi tiểu học dưới 85% bao gồm: Lô Lô, Brâu, Rơ Măm, Khmer, Pà Thẻn, Raglay, La Chí, Hre sẽ rất khó đạt được mục tiêu theo Quyết định 1557.

Các chuyên gia cho rằng, để phát triển giáo dục nói chung cho khu vực DTTS, giải pháp cơ bản và quyết định nhất vẫn là tập trung giải quyết vấn đề đói nghèo và chậm phát triển. Trong đó, chú ý đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và các điều kiện bảo đảm dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn có cơ hội tiếp cận và sử dụng...

Liên quan trực tiếp đến 4 mục tiêu giáo dục đã được ban hành tại Quyết định 1557, cần nhanh chóng giải quyết bài toán về giáo dục mầm non. Theo bà Nay H’Tuyết, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, cần chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi vùng dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 và tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc cấp tiểu học; chú trọng đến công tác bồi dưỡng giáo viên là người DTTS. Bên cạnh đó, cần có cách tiếp cận phù hợp trong việc thực hiện xóa mù chữ. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 692/2013/QĐ-TTg, ngày 4-5-2013 phê duyệt “Đề án xóa mù chữ đến năm 2020”. Tuy nhiên, việc thực hiện đề án chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Do vậy, cần phải có sự thay đổi, mà trước hết là sự điều chỉnh cơ chế, chính sách từ phía Chính phủ, đặc biệt là vai trò tham mưu của Bộ Giáo dục - Đào tạo, UBND các tỉnh có liên quan, có thể bổ sung hoặc lựa chọn cách thức phù hợp với điều kiện văn hóa - xã hội của từng địa bàn, từng dân tộc; bổ sung thêm những cách thức dạy học khác nhau.

Bích Nguyên

Nguồn Bnews: http://bienphong.com.vn/kho-hoan-thanh-mot-so-muc-tieu-ve-giao-duc-vung-dan-toc-thieu-so/