Khó khăn bủa vây doanh nghiệp ở Bình Dương

Không chỉ khó khăn do ảnh hưởng của chiến tranh, lạm phát, mà nội tại các doanh nghiệp ở Bình Dương cũng còn nhiều vướng mắc về thủ tục cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy, nỗi lo di dời nhà máy, khó tiếp cận vốn vay… Các yếu tố này đã kiềm hãm sự phát triển của doanh nghiệp, kéo theo sự sụt giảm mạnh về các chỉ tiêu kinh tế tại 'thủ phủ công nghiệp' này.

Khó chồng khó

Ngành gốm Bình Dương từng chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu gốm sứ của cả nước. Thế nhưng, sau 3 năm bị “bào mòn” bởi dịch COVID-19, rồi đình trệ sản xuất khi mất nhiều đơn hàng do chiến tranh, lạm phát nên hiện gần 100 công ty gốm sứ ở Bình Dương gần như “kiệt sức”.

Trong khi chưa tìm được hướng đi mới thì các công ty này lại thêm lo lắng về lộ trình di dời nhà máy theo Quyết định số 3210 của UBND tỉnh Bình Dương. Thời hạn di dời đã "sát nút" nhưng lại chưa rõ các chế độ hỗ trợ.

Quý I/2023, chỉ số tăng trưởng kinh tế của Bình Dương giảm mạnh do doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn để duy trì sản xuất.

Quý I/2023, chỉ số tăng trưởng kinh tế của Bình Dương giảm mạnh do doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn để duy trì sản xuất.

Ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Phước Dũ Long, ở thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương chia sẻ, cách đây 20 năm, các doanh nghiệp gốm đã từng di dời ra khỏi các khu dân cư để tránh gây ô nhiễm môi trường. Lần di dời trước, gần một nửa doanh nghiệp gốm “rơi rụng”. Giờ tiếp tục di dời nên các doanh nghiệp rất lo và đề nghị chính quyền hỗ trợ để yên tâm.

“Nhà nước phải cấp quỹ đất, miễn tiền thuê đất thời gian đầu để doanh nghiệp có thể hoạt động ổn định, tới năm thứ 10, 11 thì sẽ trả tiền thuê hằng năm. Tỉnh cần có chính sách rõ ràng về việc hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng ở vị trí đất đã di dời. Từ đó, họ có thể bán, hoặc cho thuê miếng đất đó lấy tiền phục vụ cho quá trình di dời, mở rộng nhà xưởng”, ông Vương Siêu Tín đề nghị.

Lộ trình di dời nhà máy từ năm 2024 đến 2030 theo Quyết định số 3210 của UBND tỉnh Bình Dương cũng làm hàng trăm doanh nghiệp da giày, dệt may lo lắng. Bởi sau nhiều biến cố,“sức khỏe” doanh nghiệp đã dần suy yếu. Do đó, họ đã gửi đơn kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương lùi thời gian di dời đến năm 2031 trở đi.

Các doanh nghiệp gốm hy vọng sớm có phương án và chế độ hỗ trợ để yên tâm di dời nhà máy.

Một vấn đề khác mà doanh nghiệp ở Bình Dương đang trăn trở nữa là việc thẩm duyệt, cấp phép phòng cháy chữa cháy còn nhiều vướng mắc. Các quy định hiện nay khó đáp ứng khiến cho cả ngàn nhà máy bị đình đốn hoạt động.

“Thẩm duyệt xin 7, 8 tháng không được. Công trình xây dựng xong nhưng không nghiệm thu được nên để phơi nắng, phơi sương. Bây giờ, tiền bạc doanh nghiệp khó khăn phải vay nợ ngân hàng, nhà xưởng, kho bãi… thế nhưng xây dựng xong không cho hoạt động thì tiền lãi, tiền lời ngân hàng sao chịu nổi”, bà Trương Thị Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày tỉnh Bình Dương bức xúc.

Mặt khác, trong bối cảnh này, các doanh nghiệp ở Bình Dương cũng đang rất “khát vốn” và không có nguồn tiền để trả nợ, đầu tư. Lãi suất vay cao cũng là cản trở lớn, tác động đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sáng Ban Mai ở thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương ví von, trong bối cảnh sức khỏe tài chính của doanh nghiệp yếu và chưa thể phục hồi thì việc khó tiếp cận vốn giống như không có "ôxy" để thở: “Nếu có nguồn vốn doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh và có lãi thì ngân hàng thu hồi được nợ, giải ngân được sẽ tăng mức tăng trưởng tín dụng. Nếu ngân hàng cứ khăng khăng đảm bảo có tài sản thế chấp thì rất khó trong tình hình hiện nay. Về lãi suất cố gắng giảm từ 1-2% so với hiện nay, đảm bảo mức lãi suất trở về năm 2022. Từ đó, doanh nghiệp kích thích được sản xuất và tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng tốt hơn”.

Giải quyết từng kiến nghị

Trước những khó khăn bủa vây, các doanh nghiệp kiến nghị lãnh đạo tỉnh Bình Dương cần soi từng đầu việc để tìm giải pháp tháo gỡ sớm nhất, thông qua những chính sách trong thẩm quyền. Nếu những vướng mắc không sớm được gỡ bỏ thì hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tiếp tục đình trệ, kéo theo các chỉ số tăng trưởng kinh tế của tỉnh sẽ đi xuống.

Vấn đề di dời nhà máy ngoài khu công nghiệp ở phía Nam lên phía Bắc, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết, hiện thống kê sơ bộ có khoảng 2.900 doanh nghiệp thuộc diện phải di dời, hoặc chuyển đổi công năng. Sở và các ngành đang tham mưu UBND tỉnh Bình Dương ban hành tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp buộc di dời hoặc chuyển đổi công năng và những chính sách hỗ trợ.

Để vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp ở Bình Dương đã "tự lực cánh sinh" tìm đơn hàng nhưng cũng cần tỉnh quan tâm để tháo gỡ các vướng mắc để duy trì đà tăng trưởng.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương khẳng định, việc di dời để doanh nghiệp ổn định hơn: “Chúng tôi cùng với các hiệp hội, doanh nghiệp lập ra các nhóm để nắm bắt các vấn đề từ cơ sở. Nếu góc độ Sở Công thương cái nào giải quyết được sẽ nhanh chóng xử lí. Vấn đề liên quan đến các sở, ngành thì tổng hợp gửi các đơn vị thì tham mưu giải quyết. Hoặc có đề xuất với cấp trên thì sở cũng tổng hợp kịp thời”.

Vấn đề vốn vay cho doanh nghiệp, ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Dương thông tin, đơn vị đã có văn bản chỉ đạo từng ngân hàng thương mại. Hiện các ngân hàng cũng đã đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng nhưng vẫn phải phù hợp quy định pháp luật và đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống.

“Các ngân hàng đã cố gắng tiết giảm tối đa mọi chi phí để giảm lãi suất tối đa cho doanh nghiệp nhưng phải có lộ trình không thể nói giảm là giảm ngay được. Về phía Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo sát sao các ngân hàng thương mại, chúng tôi kỳ vọng quý II lãi suất thực hiện giảm với độ sâu từ 1-1,5% trên địa bàn”, ông Võ Đình Phong nói.

Đối với vấn đề cấp phép phòng cháy chữa cháy, mới đây, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã kiến nghị với Chính phủ có hướng giải quyết vì đây là quy định của Bộ Công an.

Theo thống kê của UBND tỉnh, quý I/2023, các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của Bình Dương giảm mạnh. Riêng chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 0,15%, trong khi ở quý I/2022 tăng 7,2%; GRDP xếp thứ 9 cả nước từ dưới lên… Để đạt các mục tiêu đặt ra trong năm 2023, lãnh đạo tỉnh Bình Dương nhận định, khó khăn của doanh nghiệp là của mình nên đã chỉ đạo các sở, ngành tìm “lời giải” cho từng vấn đề./.

Thiên Lý/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/kho-khan-bua-vay-doanh-nghiep-o-binh-duong-post1014140.vov