Khó khăn 'bủa vây' ngành dệt may

Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới ảnh hưởng nặng nề đến ngành dệt may của Việt Nam- ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn. Dự báo 6 tháng cuối năm nay, thị trường xuất khẩu của ngành này có nguy cơ giảm tới 30-40% so với năm trước.

Covid-19 vẫn ảnh hưởng dai dẳng đến ngành dệt may

Covid-19 vẫn ảnh hưởng dai dẳng đến ngành dệt may

“Thách thức thực sự” ở nửa cuối năm

Ông Lê Tiến Trường- Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nói: “Thách thức thực sự đối với chúng ta lại là thời gian tới đây và trước mắt là trong 6 tháng còn lại của năm 2020”.

Theo ông Lê Tiến Trường, những dự báo về khó khăn với ngành dệt may trong 6 tháng đầu năm nay do tác động của Covid-19 là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, ngành dệt may vẫn còn có một nguồn hàng kéo lại, đó là các sản phẩm khẩu trang và PPE (trang bị bảo hộ cá nhân).

Do đó, các cơ sở sản xuất của tập đoàn chưa bị lâm vào tình trạng thiếu việc làm trầm trọng, vẫn có thanh khoản tốt do bán hàng khẩu trang và PPE chủ yếu thu tiền trực tiếp, kể cả ứng trước. Thêm vào đó, đơn giá thời gian đầu cho xuất khẩu các sản phẩm này tương đối hiệu quả.

“Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm, thị trường và nhu cầu PPE đang và sẽ thu hẹp rất nhanh. Đã có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu này sẽ gần như trở về mức cầu bình thường từ tháng 9-2020. Trong khi đótại Việt Nam, việc các nhà sản xuất ồ ạt lao vào mặt hàng này trong giai đoạn vừa qua đã dẫn tới nguồn cung lớn hơn cầu.

Giá cả đã tới giới hạn của chi phí. Mặt hàng PPE không còn dễ tiêu thụ và mang lại hiệu quả. Việc trông đợi vào nhu cầu PPE như 6 tháng đầu năm là không còn thực tế”- ông Lê Tiến Trường nói.

Ngoài ra, việc khó đoán định thời gian chấm dứt dịch bệnh cũng khiến nhu cầu mua sắm có xu hướng giảm đi.

“Việc tổng cầu giảm sẽ đẩy cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia sản xuất dệt may trở nên khốc liệt hơn. Giá thấp hơn. Áp lực của người mua lớn hơn. Đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm vừa qua, do Việt Nam không bị ngừng sản xuất như Trung Quốc hay Bangladesh vì cách ly xã hội, nhờ đó thị phần của dệt may Việt Nam tại Mỹ và EU đã tăng lên. Cuộc chiến giành lại thị phần sẽ diễn ra gay gắt trong thời gian tới”- Tổng giám đốc Vinatex nhận định.

Dự báo 6 tháng cuối năm, thị trường xuất khẩu có nguy cơ giảm tới 30-40% so với năm trước. Giá bán cũng sẽ chịu áp lực giảm; Việc làm không đủ cho toàn bộ hệ thống.

Tiếp tục tìm kiếm đơn hàng

Bà Phạm Thị Phương Hoa – Tổng Giám đốc Tổng công ty May Hưng Yên cho biết, hiện may Hưng Yên vẫn đang duy trì hoạt động sản xuất khá ổn định và có thể chia đều việc làm cho người lao động, song thu nhập của người lao động đã giảm sút.

“Hiện nay, chúng tôi đã có đơn hàng đến hết quý 3 và đang tìm kiếm đơn hàng cho quý 4”- Tổng giám đốc May Hưng Yên nói.

Dự báo lạc quan hơn về tình hình thị trường các tháng cuối năm, ông Nguyễn Văn Miêng - Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Dệt May Nam Định cho hay, nếu như đối với ngành sợi trước đây, tỷ trọng sợi xuất khẩu từ 65% trước đây đã giảm xuống còn 45%. Doanh nghiệp này đã bù đắp sự thiếu hụt đó bằng cách đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa.

Với mặt hàng vải, hiện Dệt May Nam Định đang sản xuất khoảng 1,2 triệu mét/tháng, đến quý 3-4 năm nay, nhiều khả năng công ty sẽ bị sụt giảm khoảng 230-300.000 mét. Hiện công ty đang mở rộng thị trường ra các tỉnh phía Bắc.

“Nhìn chung, các mặt hàng sợi, vải, nhuộm của Dệt May Nam Định từ nay đến cuối năm dự kiến sẽ có tăng trưởng, chúng tôi có thể sẽ tiến rất gần đến kế hoạch đã đề ra, mặc dù 6 tháng đầu năm chúng tôi đang bị lỗ”- ông Nguyễn Văn Miêng nói.

Theo báo cáo của Vinatex, do ảnh hưởng của Covid-19, 6 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu hợp nhất của tập đoàn ước giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2019; Lợi nhuận hợp nhất ước giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức thiệt hại này thấp hơn so với dự báo.

Hà Linh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/kho-khan-bua-vay-nganh-det-may/861220.antd