Khó khăn cho nhà đầu tư trong nước

Tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư dự án xây dựng một số đoạn cao tốc bắc - nam (phía đông) giai đoạn 2017 - 2020. Tám dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) sẽ được đấu thầu quốc tế rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, điều kiện khá ngặt nghèo về tài chính trong hồ sơ có thể khiến nhiều nhà đầu tư trong nước 'không có cửa' tham gia dự tuyển.

Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Đấu thầu rộng rãi quốc tế

Khoảng 300 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, đại sứ quán các nước và nhà đầu tư; trong đó, hơn một nửa là nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia hội nghị đã cho thấy sức hút mạnh mẽ của các dự án đầu tư xây dựng một số đoạn tuyến đường bộ cao tốc bắc - nam. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 52/2017/QH-2014 thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến bắc - nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 118.700 tỷ đồng, gồm 55 nghìn tỷ đồng vốn nhà nước và hơn 63.700 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách. Dự án được chia thành 11 dự án thành phần, gồm ba dự án đầu tư công gồm Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2. Có tám dự án đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT gồm Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu,... Trước mắt, sẽ đầu tư 11 dự án với tổng chiều dài 654 km, đi qua địa phận 13 tỉnh, thành phố; gồm ba dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước, tám dự án đầu tư theo hình thức PPP; tổng mức đầu tư các dự án khoảng 118 nghìn tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước tham gia 55 nghìn tỷ đồng.

"Các tiêu chí lựa chọn sơ tuyển nhà đầu tư đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, tuân thủ đúng pháp luật và phù hợp thông lệ quốc tế, bảo đảm công bằng, bình đẳng, cạnh tranh và minh bạch, không phân biệt nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Bất kỳ nhà đầu tư nào đáp ứng đủ năng lực, kinh nghiệm, cung cấp dịch vụ tốt nhất với chi phí hợp lý sẽ được lựa chọn để thực hiện dự án", Thứ trưởng Nguyễn Nhật khẳng định. Theo quy định, tám dự án đầu tư theo hình thức PPP sẽ được đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư. Để bảo đảm việc triển khai tuân thủ đúng quy định, phù hợp thông lệ quốc tế, được sự chấp thuận của Chính phủ, sự hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới, Bộ GTVT đã huy động hai tư vấn giao dịch quốc tế hàng đầu thế giới là Deloitte và Ernst & Young tham gia hỗ trợ Bộ rà soát cấu trúc tài chính của dự án, xây dựng hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu và dự thảo hợp đồng,...

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư nhận định, dự án này sẽ thắt chặt năng lực tài chính đối với nhà đầu tư tham gia, dẫn đến các khả năng nhà đầu tư trong nước gặp khó khăn về huy động vốn. Việc nhà đầu tư trong nước đạt các tiêu chí tối thiểu theo quy định về đấu thầu và Nghị quyết 20/NQ-CP của Chính phủ (như vốn chủ sở hữu bảo đảm tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư; đã triển khai dự án có tổng vốn đầu tư tối thiểu bằng 50% tổng vốn đầu tư dự án đang xét; dự án có vốn chủ sở hữu nhà đầu tư đã góp tối thiểu bằng yêu cầu vốn chủ sở hữu dự án đang xét; đã thi công dự án/gói thầu có giá trị bằng 30% giá trị xây lắp của dự án đang xét;...) rất ít ỏi cho nên sẽ phải liên danh với các nhà đầu tư khác trong và ngoài nước, bảo đảm năng lực và kinh nghiệm theo yêu cầu. "Ngoài ra, trong điều kiện dư nợ tín dụng dài hạn của các tổ chức tín dụng trong nước đang ở mức cao, tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn đã ở mức giới hạn theo quy định, trong khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có chủ trương giảm dần tỷ lệ này dẫn đến khả năng huy động nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước cũng gặp nhiều khó khăn", Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho hay.

Ràng buộc chặt chẽ

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, việc đấu thầu các dự án cao tốc bắc - nam là cách làm mới của Bộ GTVT, nhằm công khai minh bạch, nhưng trên thực tế, huy động vốn tại các dự án còn rất nhiều khó khăn. "Đấu thầu PPP cao tốc bắc - nam có thể nhìn nhận như hình thức "chìa khóa trao tay", dựa trên cơ sở thiết kế kỹ thuật đã có, mặt bằng sạch, khi đã bỏ thầu nhà đầu tư có quyền tiết kiệm chi phí nhờ việc cải tiến công nghệ, được hưởng giá trị gia tăng về kinh tế", ông Nguyễn Đức Kiên nói. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư có nhiều biến động và dự toán chỉ khái toán con số đầu tư, việc xác định dự án "ngốn" bao nhiêu cần phải được Kiểm toán Nhà nước xác định con số thực tế, từ đó tính toán thời gian thu phí hoàn vốn cho từng dự án cao tốc. Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (Bộ GTVT) Nguyễn Danh Huy cho biết, phần giải phóng mặt bằng, Chính phủ có kế hoạch cụ thể và xác định phần giải phóng mặt bằng là thách thức lớn, cho nên chỉ đạo các tỉnh có dự án đi qua quyết liệt triển khai, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư nhằm đáp ứng tiến độ dự án. Nhà nước cam kết cơ bản giao mặt bằng sạch trước khi triển khai dự án. Vấn đề tiên quyết để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài chính là bảo lãnh ngoại tệ và bảo lãnh doanh thu tối thiểu. Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đối với bảo lãnh ngoại tệ, pháp luật đã ban hành đầy đủ hướng dẫn nhà đầu tư có quyền mua ngoại tệ được quyền chuyển lợi nhuận vốn hợp pháp về nước họ. Trường hợp cần thiết, ngân hàng sẽ bảo lãnh ngoại hối, điều hành tỷ giá duy trì ổn định, chứng tỏ năng lực điều hành của Chính phủ và Nhà nước.

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long, việc đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về vốn, kinh nghiệm sẽ giúp dự án cao tốc bắc - nam tránh được "vết xe đổ" của dự án mở rộng quốc lộ 1 trước đây. Nhưng chính điều này lại khiến "khe cửa" cho doanh nghiệp trong nước hẹp lại, một số doanh nghiệp nước ngoài tiềm lực mạnh có thể thâu tóm dự án. Dù vậy, không thể hạ thấp tiêu chuẩn để các doanh nghiệp trong nước có thêm cơ hội, ai muốn tham gia cuộc chơi đều phải tính đến phương án liên danh, kết hợp để đáp ứng đủ tiêu chuẩn. Điều quan trọng là hợp đồng phải có ràng buộc chặt chẽ, quy định cụ thể về tiến độ, chất lượng. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài, ban đầu đều đáp ứng các điều kiện đấu thầu, nhưng quá trình thực hiện lại phát sinh nhiều vấn đề về tiến độ, chất lượng cũng như vốn đầu tư. Nếu có quy định, ràng buộc chặt chẽ, dự án sẽ tránh rơi vào "cái bẫy" này như từng xảy ra tại một số dự án trước đây. Thời gian vừa qua, một số nhà đầu tư nước ngoài (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,...) đều bày tỏ sự quan tâm và tìm hiểu về dự án này. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GTVT cũng như một số chuyên gia đều cho rằng, nếu phía cơ quan nhà nước không có cơ chế quản lý chặt chẽ, sẽ không thể kiểm soát được việc thi công chậm, đội vốn lớn có nguy cơ xảy ra. Thậm chí, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải bồi thường do không lường trước được các rủi ro như chậm giải phóng mặt bằng, chậm bố trí vốn Nhà nước,... bất kể nhà đầu tư đến từ quốc gia nào.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, điều quan trọng đối với các dự án PPP là phải hoàn thiện ngay Luật PPP để bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư và Nhà nước. Vướng mắc hiện nay là hành lang pháp lý chưa đầy đủ, chưa tương thích giữa hệ thống pháp luật trong nước và hệ thống pháp luật quốc tế. Vì thế, cơ quan chức năng cần bảo đảm sự minh bạch trong hệ thống pháp lý, quy trình triển khai dự án, để giám sát được các dự án, khắc phục những hạn chế. Dự án PPP đang được điều chỉnh bởi Luật Đầu tư công và nghị định, các bộ, ngành nên học tập kinh nghiệm các nước, cần chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa Nhà nước và tư nhân, đó chính là công thức thành công của PPP. Hiện, cao tốc bắc - nam không áp dụng Luật Đầu tư công, trong khi khuôn khổ pháp lý cho loại hình PPP chỉ ở cấp nghị định là chưa đủ, cần hoàn thiện ngay và trình Quốc hội luật về PPP, tạo cơ sở pháp lý vững chắc và bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm, minh bạch, nhất quán trong chính sách.

Bài và ảnh: MINH TRANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/40247202-kho-khan-cho-nha-dau-tu-trong-nuoc.html