Khó khăn cho những chuyến tàu

Vận tải đường sắt đang đứng trước mối lo lớn khi hàng loạt chuyến tàu tạm dừng hoạt động bởi dịch bệnh Covid-19, cùng với đó là những vướng mắc về lương của 11.000 lao động.

Cụ thể, nhiều chuyến tàu khởi hành từ Hà Nội sẽ tạm dừng hoạt động từ 16/3. Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, sẽ tạm dừng chạy thường nhật với các đôi tàu QT1/QT2 chặng Hà Nội - Quán Triều (Thái Nguyên); đôi tàu DD5/DD6 chặng Hà Nội - Đồng Đăng (Lạng Sơn) và đôi tàu 51501/51502 chặng Yên Viên (Hà Nội) - Hạ Long (Quảng Ninh). Những đôi tàu này sẽ chỉ chạy vào chủ nhật hàng tuần.

Khách đi tàu giảm mạnh

Cũng từ ngày 16/3, tuyến Hà Nội - Hải Phòng tạm dừng chạy tàu HP1 (khởi hành từ Hà Nội lúc 6h hàng ngày), tàu LP2 (khởi hành từ Hải Phòng lúc 6h10 hàng ngày). Tạm ngừng chạy tàu HP2, LP7 vào các ngày thứ 2 đến thứ 5 và thứ 7 hàng tuần, chỉ chạy vào thứ 6 và chủ nhật hàng tuần. Như vậy, trừ thứ 6 và chủ nhật, tuyến Hà Nội - Hải Phòng sẽ chỉ còn 1 đôi tàu mỗi ngày (thay vì 3 đôi tàu như hiện nay). Khách đã mua vé trên những tàu dừng sẽ được đường sắt hoàn, đổi vé miễn phí.

Trước đó, cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, khách đi tàu hỏa giảm mạnh, nên Cty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội đã phải giảm tần suất khai thác tàu từ Hà Nội đi Lào Cai, và Hà Nội đi Vinh. Đường sắt đã phải dừng khai thác các chuyến tàu liên vận tới Trung Quốc trong khi các chuyến nội địa cũng bị sụt giảm hành khách nghiêm trọng.

Lãnh đạo Cty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho hay, việc dừng các tàu thường xuyên do vắng khách, khách trả vé nhiều, trong khi học sinh, sinh viên vẫn tiếp tục nghỉ học. Về thời gian tàu hoạt động trở lại đơn vị này cũng chưa thể tính trước do phụ thuộc vào lượng hành khách đi tàu. Từ sau Tết Nguyên đán 2020, lượng vé bán ra của Công ty giảm 16% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu bán vé chỉ đạt 222,4 tỷ (giảm 11% so với cùng kỳ). Doanh thu vận tải hành khách tháng 2 giảm 50% so với cùng kỳ, dự kiến tháng 3 của đơn vị này tiếp tục giảm sâu hơn.

Tương tự, tại khu vực phía Nam, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn thông báo tạm dừng chạy đôi tàu SQN1/2 Sài Gòn - Quy Nhơn; đôi tàu SPT1/2 Sài Gòn - Phan Thiết chuyển sang chỉ chạy thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần. Còn tàu SE21/22 có hành trình Sài Gòn - Huế và ngược lại cũng điều chỉnh cắt bớt hành trình, chỉ chạy Sài Gòn - Đà Nẵng và ngược lại.

Theo Tổng Giám đốc Cty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn Đào Anh Tuấn, từ ngày bùng phát dịch Covid-19 tới nay, khách đi tàu giảm khoảng 50% so với cùng kỳ, với hàng chục nghìn vé bị trả lại, các công ty lữ hành hủy tua. Thiệt hại sơ bộ của đơn vị tới nay đã lên tới hơn 40 tỷ đồng. Cty đã có văn bản kiến nghị các bộ, ngành xem xét có chính sách hỗ trợ đường sắt như giảm phí hạ tầng, phí điều hành; các ngân hàng cho khoanh, giãn nợ, giảm lãi suất và áp dụng các biện pháp để giảm chi phí quản trị vì không có thu.

Tạm vay 165 tỷ đồng để chi trả lương cho người lao động

Cùng với các hàng loạt chuyến tàu ngưng hoạt động, thì mới đây vụ lùm xùm về giao vốn bảo trì cho ngành đường sắt khiến 11.000 người lao động có thể không được trả lương cũng khiến ngành đường sắt có nguy cơ phải dừng chạy tàu nếu không kịp thời được giao vốn.

Gỡ khó vụ việc này, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Vũ Quang Khôi cho hay: Trong khi chờ cấp có thẩm quyền quyết định phương án giải quyết những vướng mắc hiện nay, Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (VNR) thời gian qua đã chủ động họp bàn thống nhất các nội dung khó khăn, vướng mắc của từng phương án để báo cáo Bộ GTVT. Đặc biệt, hai bên đã thống nhất chỉ đạo, kiểm tra 20 đơn vị đang thực hiện việc bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đảm bảo an toàn chạy tàu. “Tổng Cty Đường sắt Việt Nam đã cho 20 đơn vị bảo trì đường sắt tạm vay 165 tỷ đồng để chi trả lương cho người lao động làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông đường sắt”- ông Vũ Quang Khôi thông tin.

Đánh giá về hoạt động của ngành đường sắt, với góc nhìn của một chuyên gia giao thông, TS Phạm Sanh cho rằng: Suốt thời gian dài vừa qua ngành đường sắt đã quá tập trung vào phát triển vận tải hành khách, dẫn đến các toa hàng hóa không được chú trọng đầu tư nên cũ kỹ, lạc hậu, hiệu quả không cao. Ngoài ra, ngành đường sắt cũng chưa kết nối được vào các khu công nghiệp hoặc các cảng biển, gây nhiều phiền phức cho các doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển hàng hóa, cụ thể phải thuê thêm xe chuyên chở hàng từ ga ra cảng và ngược lại khiến vận tải hàng hóa của ngành đường sắt chưa hấp dẫn.

Đề xuất giải pháp thúc đẩy ngành đường sắt phát triển, theo TS Phạm Sanh, để vực dậy lĩnh vực vận tải hàng hóa bằng đường sắt, phải huy động vốn tư nhân tham gia đầu tư bằng cách kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào thay đổi bộ mặt đường sắt, thay đổi hệ thống trang thiết bị, hoàn thành mô hình vận tải container bằng đường sắt, nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi phí vận chuyển, thúc đẩy ngành đường sắt phát triển...

Hạnh Nhân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/kho-khan-cho-nhung-chuyen-tau-tintuc461690