Khó khăn của các phóng viên chiến trường ở Dải Gaza

Hàng trăm phóng viên người Palestine buộc phải sơ tán từ thành phố Gaza về phía Nam và làm việc trong nỗi lo sợ về tính mạng khi mắc kẹt giữa vòng xung đột Israel - Hamas.

Phóng viên Wael Al-Dahdouh của đài Al-Jazeera bế trên tay con con trai nhỏ vừa thiệt mạng trong một vụ không kích ở trại Nuseirat ngày 25/10. Ảnh: AFP

Đối với họ, những chiếc lều bạt dựng ngay trong sân bệnh viện đã trở thành phòng làm việc vào ban ngày và nơi tá túc vào ban đêm.

Một số làm việc cho các cơ quan truyền thông địa phương. Những người khác làm việc cho các tổ chức tin tức quốc tế. Nhưng tất cả đều phải đối đầu với một thử thách giống nhau khi họ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ giữa tình trạng bạo lực và gian khổ do cuộc chiến Israel - Hamas gây ra.

Từ khi chiến tranh nổ ra, Liên đoàn nhà báo Palestine cho biết trên 20 thành viên đã thiệt mạng tại vùng lãnh thổ này.

Các đại diện truyền thông trên lãnh thổ Palestine, trong đó có hãng thông tấn Pháp AFP, từng làm việc tại các văn phòng ở thành phố Gaza. Tuy nhiên, các đòn pháo kích dữ dội phá hủy nhiều tòa nhà đã buộc các cơ quan báo chí phải cử phóng viên về phía Nam, mặc dù các cuộc tấn công của Israel đã diễn ra trên toàn bộ lãnh thổ Gaza.

Hàng trăm nhà báo hiện sống và làm việc trong lều bạt tại Bệnh viện Nasser thuộc thành phố Khan Yunis.

Khi không ra ngoài lấy tin, họ ở lều làm việc vào ban ngày và ngủ lại vào ban đêm, nếu pháo kích không xảy ra quá gần.

Khuôn viên bệnh viện Nasser đầy ắp các nam, nữ phóng viên mặc áo in dòng chữ "Báo chí". Họ đội mũ bảo hiểm vì thường xuyên xảy ra các vụ nổ nguy hiểm gần đó.

Bệnh viện Nasser hiện cũng là nơi cư trú của khoảng 30.000 người Palestine phải di dời do chiến tranh.

Điều kiện vệ sinh chỉ ở mức cơ bản. Nhưng ít nhất máy phát điện tại bệnh viện này có thể giúp các nhà báo sạc điện thoại di động, máy tính xách tay, máy ảnh và các thiết bị khác để có thể tiếp tục công việc. Nguồn cung cấp nước thường xuyên bị cắt và không có phòng tắm.

Bên trong lều, một số người ngủ trên nệm, những người khác nằm ngay trên mặt đất, đắp tạm lên người bất cứ thứ gì họ tìm thấy.

Để có không gian riêng tư, nhiều phụ nữ phải ngủ trong ô tô đậu trong khuôn viên bệnh viện.

Chia sẻ với AFP, bà Wissam Yassin tại kênh truyền hình tiếng Arab Alhurra của Mỹ nói: “Tôi đã làm việc ở Bệnh viện Nasser được hai tuần. Tôi ngủ trong xe. Tôi uống rất ít nước để không phải đi vệ sinh”.

Các vụ đánh bom nổ ra ở xung quanh bệnh viện khiến bà cùng đồng nghiệp nhiều lần phải bỏ máy quay để chạy và không lên sóng trực tiếp được

“Tôi tắm nhờ tại một gia đình không quen biết ở gần bệnh viện, buổi tối tôi ngủ trên xe”, nữ phóng viên Yassin kể lại.

Bà đã đưa tin về một số đợt tấn công của Israel ở Dải Gaza, nhưng chưa từng trải qua những điều kiện khó khăn như lần này. Bà rời khỏi nhà ở Gaza vào sáng 7/10 và chưa có cơ hội quay lại kể từ đó.

“Đôi khi tôi tránh nhận cuộc gọi của cô con gái Bana 9 tuổi vì con bé sẽ khóc rất đau lòng và tôi không có lời nào để dỗ dành con cả”, người mẹ này tâm sự.

Nhóm phóng viên dùng điện thoại tác nghiệp khi xe cứu thương đưa các nạn nhân của giao tranh đến một bệnh viện ỏ Deir el-Balah, Gaza.

Cô Houda Hijazi, 25 tuổi, lớn lên ở Tây Ban Nha và chuyển đến Gaza 5 năm trước. Cô làm phóng viên cho một đài truyền hình tiếng Tây Ban Nha. Cô là một trong số các nhà báo đang làm việc ở sân bệnh viện Nasser.

Hijazi phải bỏ lại gia đình ở thành phố Gaza, vì ở Khan Yunis không còn đủ chỗ cho họ. Cô nói với AFP: “Đây là cuộc chiến tranh quy mô lớn đầu tiên mà tôi đưa tin”.

“Tình hình thật tồi tệ. Tôi không thể gặp gia đình mình hai tuần rồi. Tôi luôn nghĩ về họ và điều đó càng tạo thêm áp lực cho tôi”, cô nói.

Cô Hijazi cũng có quốc tịch Tây Ban Nha và về mặt lý thuyết, cô có thể rời Dải Gaza nếu cửa khẩu Rafah với Ai Cập được mở lại. Nhưng cô quyết tâm ở lại để làm tròn nhiệm vụ. Dù vậy, cô vẫn muốn đưa gia đình rời khỏi Gaza nếu có thể.

Anh Mohammad Daher là phóng viên tại đài truyền hình Roya của Jordan. Anh sơ tán gia đình từ thành phố Gaza đến Nuseirat, sau đó cùng các đồng nghiệp làm việc tại Bệnh viện Nasser ở Khan Yunis.

Người đàn ông 34 tuổi cho biết đã vài ngày rồi anh không cạo râu. “Tôi sẽ cạo râu khi chiến tranh kết thúc. Chúng tôi hầu như không thể sử dụng nhà vệ sinh”, anh nói.

Theo phóng viên đài TRT World của Thổ Nhĩ Kỳ, Nizar Saadawi, 36 tuổi, ngoài những thách thức về vệ sinh, họ còn gặp phải thử thách về liên lạc do các vụ tấn công gây thiệt hại cơ sở hạ tầng.

Phóng viên Saadawi nói: “Việc giữ liên lạc với đồng nghiệp, gia đình và các nguồn tin của chúng tôi đang trở nên khó khăn”.

Giữa làn bom đạn và đổ nát, các phóng viên chiến trường Gaza vẫn miệt mài tác nghiệp trong nỗi lo đau đáu về sự an toàn của gia đình họ.

Hôm 25/10, đài truyền hình Al Jazeera có trụ sở tại Qatar thông báo rằng vợ và hai con của phóng viên Wael Al-Dahdouh của đài này ở Gaza đã thiệt mạng trong một cuộc không kích.

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Theo AFP)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/kho-khan-cua-cac-phong-vien-chien-truong-o-dai-gaza-20231026152438952.htm