Khó khăn trong công tác quản lý đất đai ở Phú Quốc

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản ở tỉnh Kiên Giang. Đáng chú ý là việc buông lỏng quản lý rừng tại huyện Phú Quốc, dẫn đến tình trạng các hộ dân lấn chiếm đất rừng diễn ra trong một thời gian dài nhưng chậm được ngăn chặn, xử lý.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã chuyển đổi hơn 6.984ha đất rừng sang mục đích khác (rừng phòng hộ hơn 5.752ha, Vườn quốc gia hơn 1.231ha), trong đó có hơn 3.321ha rừng bị chuyển đổi phải lập phương án trồng rừng thay thế.

Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có một phần rất nhỏ, hơn 211ha/3.321ha (chưa đến 10%) diện tích rừng được lập phương án trồng thay thế với tổng số tiền các chủ đầu tư phải nộp để trồng là hơn 35 tỷ đồng.

Trong số này, các chủ đầu tư mới chỉ nộp hơn 20,2 tỷ đồng, còn nợ gần 15 tỷ đồng. Còn lại diện tích hơn 3.000ha đất rừng đã giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư nhưng các chủ đầu tư chưa lập phương án trồng rừng thay thế trình cấp thẩm quyền thẩm định và phê duyệt để tổ chức trồng hoặc nộp tiền rừng thay thế.

Tình trạng phá cây, lấn chiếm đất rừng tại Núi Cây Khế (ấp Búng Gội, xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc) hiện nay vẫn phức tạp. Theo anh H. và các hộ dân xung quanh khu vực rừng bị lấn chiếm, khi gọi điện báo có người phá rừng thì lực lượng kiểm lâm trả lời: “Đất do xã Cửa Dương quản lý”. Còn khi gọi trực ban xã Cửa Dương báo, thì câu trả lời nhận được là: “Đất rừng quốc gia, chưa bàn giao cho xã quản lý”(?).

Ông Nguyễn Văn Tiệp, Giám đốc Vườn quốc gia Phú Quốc, thừa nhận thực tế có xảy ra tình trạng chặt, cuốc phá cây rừng để lấn chiếm đất tại núi Cây Khế với diện tích khoảng 8ha.

“Vườn quốc gia đã lập biên bản 4 lần, nhưng không có người nhận và đã báo UBND xã Cửa Dương, xử lý theo thẩm quyền” – văn bản trả lời nêu rõ. Về phần trách nhiệm, Vườn quốc gia Phú Quốc cho biết, hiện nay đơn vị không còn chức năng xử lý hành vi phá rừng (theo Nghị định 01/2019/NĐ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng), mà chỉ áp dụng các biện pháp ngăn chặn, lập biên bản ban đầu và chuyển hồ sơ sang Hạt Kiểm lâm huyện, UBND cấp xã xử lý.

Theo Giám đốc Vườn quốc gia Phú Quốc Nguyễn Văn Tiệp, khó khăn hiện nay là diện tích rừng lớn, nhưng lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Vườn quốc gia thì mỏng. Địa bàn quản lý phức tạp, đất dân, đất dự án, đất nhà nước quản lý xen với rừng nên gặp nhiều khó khăn trong công tác tuần tra quản lý, bảo vệ rừng. Các đối tượng thực hiện hành vi phá rừng luôn cử người theo dõi lực lượng tuần tra, bố trí người canh đường. Việc phá rừng diễn ra vào ban đêm, ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật nên rất khó xử lý.

Trần Lĩnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/dia-oc/kho-khan-trong-cong-tac-quan-ly-dat-dai-o-phu-quoc-598067/